Khi không còn nguồn vốn rẻ

Một động thái đáng lưu ý trong tiến trình tiếp nhận vốn viện trợ nước ngoài mới đây là việc các nhà tài trợ và Chính phủ Việt Nam đã ký kết văn bản hướng dẫn mới về việc áp dụng thống nhất một danh mục định mức chuẩn cho các khoản chi phí trong nước của các dự án sử dụng vốn viện trợ phát triển chính thức (ODA) tại Việt Nam - bản cập nhật năm 2012. Theo các chuyên gia Bộ KH-ĐT, các định mức chi phí mới cập nhật được xây dựng theo hướng minh bạch hơn và… tiết kiệm hơn.

Trong một diễn biến khác, số tiền cụ thể mà các nhà tài trợ, các đối tác nước ngoài cam kết sẽ tài trợ cho Việt Nam trong năm tài khóa 2012 - một năm đã được dự báo là khó khăn gay gắt tại thời điểm cam kết - là gần 7,4 tỷ USD, một con số vẫn khá cao. Nhưng đây là con số đã “rời đỉnh”, kết thúc xu hướng năm sau cao hơn năm trước của nguồn vốn ODA cho Việt Nam.

Thêm vào đó, ngay trước khi diễn ra Hội nghị Nhóm tư vấn các nhà tài trợ (CG), bà Victoria Kwakwa, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cũng tỏ ra rất thận trọng khi tuyên bố, rất có thể hội nghị không đưa ra một con số cam kết chính thức. Giảm viện trợ, đặc biệt là vốn vay với lãi suất thấp và ân hạn dài, là điều Việt Nam cần chuẩn bị để thích nghi, bởi Việt Nam đã ra khỏi nhóm các nước nghèo.

Còn một điều nữa mà bà Kwakwa không nói thẳng ra ngay lúc đó, nhưng cũng không khó đoán: giảm ODA là xu thế chung của toàn thế giới trong bối cảnh các nhà tài trợ cũng đang phải vất vả đối phó với những vấn đề của chính mình. Điều đáng ngại còn ở chỗ, ODA không chỉ giảm đối với các nước không còn nằm trong nhóm nghèo. Thậm chí, để đảm bảo không bị mất vốn, một số nhà tài trợ (như Pháp) chỉ dành loại vốn vay này cho các nền kinh tế mới nổi, như Trung Quốc và Indonesia, trong khi các nước nghèo nhất thì lại được hưởng rất ít.

Một báo cáo của Ủy ban Viện trợ phát triển của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) mới đây cho biết, tổng nguồn vốn ODA trên toàn thế giới năm 2011 đạt 133,5 tỷ USD, giảm 2,7% so với năm 2010 và là lần đầu tiên tổng ODA thế giới giảm, kể từ 1997.

Thực tế này là “rất đáng lo ngại”, như lời bình luận của Tổng Thư ký OECD Angel Gurri, bởi đây chính là thời điểm các nước đang phát triển phải chịu tác động nặng nề của cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính. Chỉ còn một số ít quốc gia như Đan Mạch, Luxembourg, Hà Lan, Na Uy và Thụy Điển vẫn dành 0,7% GDP cho viện trợ phát triển. Những nước giảm ODA mạnh nhất là Hy Lạp, Tây Ban Nha, Áo, Bỉ, Nhật Bản... Tổ chức Oxfam thì dẫn thông tin từ một báo cáo của Tòa Kiểm toán Pháp cho thấy, từ năm 2008, ODA của Pháp đã liên tục giảm và nếu tiếp tục với đà này, thì đến 2015, Pháp là nước có ODA giảm đến mức kỷ lục.

Rõ ràng, thời kỳ nguồn vốn ưu đãi dồi dào đã qua đi. Tình tương thân tương ái và những động cơ nhân đạo vẫn còn đó, nhưng phải nhường chỗ cho những ưu tiên nội tại của các nhà tài trợ. Câu hỏi giờ đây không phải là nên vay bao nhiêu nợ nước ngoài để con cháu chúng ta không phải trả gánh nặng nợ nần, mà là chúng ta sẽ xoay xở ra sao khi không còn nguồn vốn rẻ? Thậm chí, nếu làm ăn không khéo để bị hạ tín nhiệm tín dụng thì ngay cả vốn đắt cũng chẳng có mà vay!

Anh Thư

Tin cùng chuyên mục