Khi thành trì gia đình lung lay

Thời gian gần đây, hình ảnh bạo lực trong giới trẻ xuất hiện ngày càng nhiều trên mạng xã hội và tính chất dã man, tàn bạo của một số vụ việc ngày càng tinh vi, nghiêm trọng hơn. Chứng kiến nhiều video clip đánh nhau theo kiểu hội đồng và kèm theo đó là những tiếng reo hò, cổ vũ của nhiều bạn trẻ, học sinh tràn lan trên mạng, dư luận bàng hoàng và kinh hãi.

Nhiều câu hỏi day dứt, nhức nhối tâm can lại được xới lên: Tại sao giới trẻ ngày nay lại biến chất như thế? Những bài học giáo dục đạo đức công dân ở trường học, nền tảng giáo dục, gieo mầm nhân ái, yêu thương của gia đình bị trôi dạt đi đâu?...

Mổ xẻ ở nhiều góc độ, các nhà giáo dục, xã hội học, chuyên gia tâm lý đã cảnh báo, hiến kế nhiều thiết chế, giải pháp cần phải hoàn thiện, bổ sung. Thế nhưng, bạo lực trong giới trẻ, nhất là bạo lực học đường vẫn gia tăng về số lượng và tính chất bạo hành, mất nhân tính ngày càng nhiều hơn, nghiêm trọng hơn.

Sau một vụ việc bạo hành ở trường học bị phát hiện do lan truyền trên mạng xã hội, cả ban giám hiệu lẫn thầy cô, cha mẹ mới giật mình trước sự thật hãi hùng, không thể tin nổi. Thì ra họ biết quá trễ và cảm thấy bất lực trước những gì xảy ra ở ngoài trường học lẫn trong môi trường học đường dán đầy khẩu hiệu “Trường học thân thiện”. Dù đã triển khai nhiều biện pháp phòng ngừa, hô hào giáo viên phải thấu hiểu học sinh, gần gũi sẻ chia với các em, nhưng khoảng trống xa cách, ngại thổ lộ những điều thầm kín, riêng tư vẫn án ngữ.

Vì thế, ở độ tuổi còn nhỏ, thiếu kiểm soát hành vi, cảm xúc, lại thêm bị dồn nén nhiều vấn đề ức chế, kể cả bị rối nhiễu tâm trí… nhiều em tự giải quyết mâu thuẫn của mình bằng… bạo lực. Thậm chí, một số trẻ còn muốn thể hiện cái tôi, bản lĩnh “yêng hùng, đại bàng” tựa phim xã hội đen, nên bất chấp tất cả.

Bạo lực trong giới trẻ và bạo lực học đường là vấn đề toàn cầu và nền giáo dục của các nước cũng phải đối mặt với thách thức này và tìm cách ngăn ngừa, giải quyết theo hướng phù hợp, hiệu quả. Trước làn sóng bạo lực học đường gia tăng, nhiều nhà quản lý giáo dục phải thốt lên: Xin đừng đổ lỗi cho một mình ngành giáo dục chịu trách nhiệm về vấn nạn chung này! Hãy xem lại môi trường sống và sự tác động, tiêm nhiễm quá nhanh từ mầm mống độc hại của xã hội thời hiện đại cũng như nền tảng giáo dục, vai trò của cha mẹ đối với con cái.

Nhìn lại các vụ việc bạo lực học đường, các chuyên gia giáo dục và tâm lý nhìn nhận rằng “Hầu hết trẻ hư hay học sinh có biểu hiện nổi loạn, thích đánh nhau, quậy phá, uy hiếp người khác… đều xuất thân từ những gia đình có vấn đề”. Một khi “lá chắn - cái nôi gia đình” không còn ấm áp, tỏa sáng niềm tin, sự yêu thương, sẻ chia nhân ái nữa thì trẻ em sẽ cảm thấy lạc lõng, thiếu tự tin. Từ đó, nó sẽ ngầm phát triển những tính xấu, thói hư, hành vi bạo lực. Như thế, ngay từ khi còn là mầm non, trẻ em rất cần được chăm sóc, giáo dưỡng để trưởng thành có đầy đủ tố chất tốt, sống tử tế, biết yêu thương, biết tránh xa bạo lực.

Và chính cha mẹ -người thầy đầu tiên này phải có kỹ năng dạy con cái đúng chuẩn, biết phòng vệ và đề kháng với bạo lực. Nếu chỉ chạy theo cuộc sống, kiếm nhiều tiền và xem nhẹ sự gắn kết, thấu hiểu con cái mình đang học gì, làm gì, có mối quan hệ khác thường nào… thì họ sẽ chuốc lấy nỗi đau, tủi hổ vì “con hư tại mình”.

Đừng để đến khi nếm dư vị đắng lòng, chứng kiến con mình phạm tội tày đình, dã man đánh bạn đến thương tích, thậm chí tử vong, các bậc sinh thành mới nhỏ những giọt nước mắt muộn màng, hối hận. Khi thành trì gia đình trở thành pháo đài vững vàng và con cái cảm thấy được yêu thương, chia sẻ từ những điều nhỏ nhất thì mầm mống bạo lực sẽ bị loại bỏ từ sớm và không có nguy cơ bùng phát, lan rộng.

Khánh Bình

Tin cùng chuyên mục