Khi trẻ đi bơi

Cùng trẻ đi bơi. Ảnh HTV  Bệnh về mắt
Khi trẻ đi bơi

Mùa hè trẻ thường được cha mẹ cho đi bơi, đây là điều nên làm - do có lợi cho trẻ. Tuy nhiên, cũng cần thận trọng với một số bệnh có thể xảy ra khi trẻ đi bơi. Với môi trường đông người, trẻ dễ bị các bệnh truyền nhiễm. Ngoài ra trẻ còn có thể mắc một số bệnh như mắt, tai mũi họng... 
 

Khi trẻ đi bơi ảnh 1
Cùng trẻ đi bơi. Ảnh HTV

 Bệnh về mắt: Một số bệnh nhiễm trùng mắt có thể gặp như chắp - lẹo, quặm mắt (bờ mi lộn vào trong), viêm túi lệ, viêm tuyến lệ cấp do nhiễm trùng, các bệnh lý ở hốc mắt, và đặc biệt thường gặp nhất là viêm kết mạc. Về dự phòng, trong khi bơi cần cho trẻ mang kính bơi để tránh nước tiếp xúc với mắt. Hạn chế chơi đùa té nước nhau, nước dễ xâm nhập vào mắt.

Sau khi bơi cần nhỏ mắt bằng nước muối sinh lý 0,9%. Khi có biểu hiện khác lạ trong mắt thì phải cho trẻ đi khám bệnh ngay để được điều trị kịp thời, tránh những biến chứng không tốt cho mắt của trẻ.
 
Bệnh về da: Khi bơi, da tiếp xúc trực tiếp với nước, với ánh nắng mặt trời. Một số bệnh có thể gặp như sạm da, ghẻ ngứa, bỏng da làm ửng đỏ da (nhất là bơi trong thời tiết nắng nóng, sau bơi ngồi phơi nắng) nấm da, nấm bẹn, sẩn ngứa do dị ứng da, lang ben, kể cả một số bệnh về nấm ở móng tay…
 
Để tránh những điều này, trước khi cho trẻ xuống bể bơi nên thoa kem chống nắng cho trẻ (đặc biệt là bơi trong tiết trời nắng nóng) phòng bắt nắng làm sạm da. Không nên cho trẻ bơi, ngâm nước lâu. Sau khi bơi xong phải tắm nước sạch ngay, cần lau thật khô toàn thân cho trẻ, đặc biệt chú ý những vùng khe kẽ như nách, cổ và bẹn của trẻ.

 Bệnh về tai mũi họng: Trẻ rất dễ bị bệnh viêm mũi, nhất là những trẻ có cơ địa viêm mũi dị ứng thì dễ có khả năng biến chứng viêm xoang sau đó. Một số bệnh về tai thường gặp ở trẻ đi bơi là bệnh viêm ống tai ngoài, viêm tai giữa - đây là một dạng bệnh tương đối khó chữa và để lại nhưng biến chứng nguy hiểm.

Tai, mũi và họng là một hệ thống liên thông, trẻ sặc nước, ho, nước có thể chui vào tai gây viêm tai. Để tránh những điều trên, trước khi trẻ xuống nước để bơi, nên dùng dụng cụ bằng cao su mềm nhét lỗ tai ngoài cho trẻ. Trong khi bơi không nên cho trẻ ngụp lặn quá sâu, nước dễ xâm nhập vào sâu trong tai. Sau khi bơi xong tập cho trẻ nghiêng, lắc đầu để nước ra khỏi ống tai.
 
Chú ý quan trọng: Đi bơi hay tắm trên sông hồ rất có khả năng bị tai biến ngạt nước hay chết đuối. Vì vậy, trước khi cho trẻ xuống nước cần cho trẻ vận động bằng cách hít thở chạy hoặc tập vận động chân, tay đề phòng chuột rút khi bơi. Trẻ nhỏ mới biết bơi cần có người lớn đi kèm. Trẻ không biết bơi phải được mang áo phao, được trông coi, kiểm soát chặt chẽ của người lớn. Khi có tai biến ngạt nước hay sắp chết đuối, cần báo ngay cho người cứu hộ để có sự hỗ trợ kịp thời.

Mọi người đều cần biết sơ cấp cứu căn bản về hồi sức tim-phổi với kỹ thuật hô hấp nhân tạo và xoa bóp tim ngoài lồng ngực; có thể xử trí kịp thời khi có tai nạn xảy ra. Trước khi làm hồi sức tim-phổi cho trẻ, không cần làm động động tác xốc nước - vì mất thời gian, mà cần thổi ngạt ngay cho trẻ khi vớt từ dưới nước lên.

BS LÊ THIỆN HOÀNG LONG

Tin cùng chuyên mục