Truyền hình thực tế nở rộ rồi bão hòa, thoái trào rồi lại bùng phát... vốn là những điều không còn mới. Nếu trước đây, khán giả hào hứng chờ đón những chương trình mới ra mắt thì nay họ đón nhận hững hờ hơn. Và khi các chương trình na ná nhau lần lượt ra đời, chỉ lướt trên mạng xã hội vài phút thông tin cũng đủ bội thực. Bội thực có lẽ là cụm từ phản ánh đúng nhất về truyền hình thực tế Việt ở thời điểm hiện tại. Đại diện một đơn vị sản xuất các chương trình truyền hình thực tế từng nhận định, chúng ta đang lãng phí bản quyền các chương trình bởi nhiều trong số đó làm không đạt chất lượng.
Nói đến khía cạnh lãng phí, cách đây vài năm, sân chơi truyền hình thực tế vốn chỉ dành cho vài ba “ông lớn”. Kênh sóng truyền hình cũng chỉ dừng lại ở đài truyền hình quốc gia VTV, một số của HTV (Đài Truyền hình TPHCM) với những khung giờ cuối tuần. Nay, khi truyền hình thực tế “nở nồi”, các đơn vị kinh doanh, sản xuất ồ ạt ra đời, chuyển mình như nấm sau mưa. Các ông lớn xưa, nay tiếp tục bành trướng để cạnh tranh với các “lính mới” mà đôi khi tiềm lực không hề kém cạnh, một tay “cắp nách” đến vài chương trình khác nhau. Chuyện một công ty sản xuất 5 - 7, thậm chí cả 10 chương trình vốn không còn xa lạ. Và hệ quả tất yếu, mỗi tuần có đến 20 - 30 chương trình cùng lên sóng từ đài trung ương đến địa phương, kéo dài từ thứ hai đến chủ nhật. Thậm chí trên cùng kênh sóng mỗi tối có từ 2 - 3 chương trình vốn không hề ngạc nhiên.
Nhưng hơn cả “nồi cơm Thạch Sanh” trong cổ tích vốn ăn hết lại đầy, các phiên bản mới của truyền hình thực tế chưa ăn hết đã kịp đầy bởi nó cứ ồ ạt được nhập về, sản xuất mới. Từ các chương trình mua bản quyền được Việt hóa cho đến các chương trình thuần Việt, đâu đâu cũng thấy những công thức na ná nhau. Nhà sản xuất nào cũng cam kết làm chương trình hay để phục vụ khán giả nhưng thử hỏi với mức độ chạy đua như thế ai dám đảm bảo chắc chắn về mặt chất lượng. Để chương trình của mình còn được nhắc tên, nhiều đơn vị tổ chức không ngại nghĩ ra trăm phương ngàn kế nhằm câu kéo sự chú ý nơi khán giả, thậm chí chấp nhận và mong được “ném đá”. Dĩ nhiên, không một đơn vị tổ chức nào chấp nhận chỉ thua lỗ để sản xuất chương trình dù hiện nay doanh thu đã sụt giảm đi ít nhiều do mức độ cạnh tranh khốc liệt.
Trong bức tranh truyền hình thực tế hiện nay, đối tượng trẻ em và gia đình trở thành miếng mồi béo bở bậc nhất. Cũng giống như thể loại phim dành cho trẻ em, khi được các bé lựa chọn cũng đồng nghĩa với việc có ít nhất một người lớn đi kèm, và khi đó lợi nhuận ít nhất cũng tăng gấp đôi. Một đứa trẻ tham gia vào sân chơi truyền hình thực tế, ít có bố mẹ, nhiều có cả ê kíp tham gia các khâu từ tư vấn, đào tạo, hỗ trợ để có những màn thể hiện tốt nhất trên sóng truyền hình. Hệ quả tất yếu là, sân chơi cho các em ngày một bung nở mà chưa hề có dấu hiệu dừng lại. Sau phiên bản dành cho người lớn, nhiều đơn vị lập tức tranh thủ thực hiện phiên bản cho trẻ em.
Hầu hết các đơn vị sản xuất đều cho rằng các sân chơi này là nơi phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng cho các tài năng nhí, nhưng trên thực tế không ít trong số các em bị chín ép. Bằng chứng là, nhiều em dù còn ở độ tuổi tiểu học đã nhẵn mặt khắp các chương trình khác nhau. Với mức độ chạy show như vậy, các em sẽ không còn thời gian nào để học và chơi? Song hành với cuộc cạnh tranh của các đơn vị tổ chức, nhiều gia đình từ ngấm ngầm đến công khai quyết đầu tư cho con cái thi thố với mong muốn đổi đời như trường hợp hiếm hoi của Phương Mỹ Chi, Hồ Văn Cường... Vậy cho nên, một ca sĩ tham gia đào tạo cho các tài năng nhí từng hé lộ, chị từng nhận được không ít lời đề nghị “đi cửa sau” từ phía các gia đình với mong muốn các em được đi sâu hơn vào các vòng trong. Tài năng, xuất chúng đến đâu chưa biết nhưng hễ lên truyền hình các em lại được tung hô với những mỹ từ mà đôi khi người lớn nghe cũng ngượng. Không lẽ, để tránh làm tổn thương con trẻ là cứ phải khen trong khi thực tế, quán quân chỉ có một. Nhiều em chưa kịp vui vì được ca tụng lập tức phải ngậm ngùi vì bị loại. Câu hỏi đặt ra, các em sẽ đối diện với thực tế đó như thế nào để không bị tổn thương?
Truyền hình thực tế luôn có tính hai mặt là điều không thể phủ nhận. Khởi nguồn, bản chất của mỗi chương trình đều tốt đẹp nhưng theo thời gian, mục đích ban đầu đó có phần bị móp méo bởi sự chi phối của nhiều yếu tố, đặc biệt liên quan đến câu chuyện kinh doanh. Quy luật đào thải là tất yếu nhưng khi vẫn còn nhà tài trợ, chương trình vẫn sinh lời, lúc đó, truyền hình thực tế Việt không dễ gì thoái trào.
HẢI DUY