Khi xã hội chung lòng

Trong số thư từ của bạn đọc gửi đến Báo SGGP, chúng tôi chú ý một lá thư của bạn đọc M.Ng. đang ở trọ tại quận Phú Nhuận (TPHCM). Nội dung thư của chị không phải để nhờ lên tiếng can thiệp vụ việc oan ức hay để nhờ tư vấn pháp lý, mà là lời tâm tình về nỗi buồn vì chưa thể có được một nơi ở tươm tất tối thiểu sau một ngày lao động vất vả. Chị kể: “Với đồng lương eo hẹp, vợ chồng tôi đang ở một căn gác trọ mái tôn, chật hẹp tại Phú Nhuận, ngày nắng thì nóng hầm hập, ngày mưa thì dột ướt… Chúng tôi không thể vui vẻ, chưa dám có con, thậm chí cũng chưa dám mơ có một tối thấy lòng thanh thản và bình yên sau một ngày lao động vất vả”.

Hoàn cảnh của chị M.Ng. cũng không phải là hiếm. Có rất nhiều công nhân, sinh viên đang lao động và học tập tại TPHCM không có được một chỗ ở đảm bảo điều kiện sống và hồi phục sức khỏe. Họ thường phải ở trọ trong những phòng trọ nhếch nhác, chật hẹp, oi bức, ngột ngạt. Đến đêm hơi nóng vẫn còn ủ lại trên mái tôn và trong tường, khiến họ rất khổ sở và khó ngủ. Có những vợ chồng trẻ công nhân vẫn cứ phải chịu đựng tình cảnh này dẫn đến nỗi bực bội, gắt gỏng, không thể nào tìm thấy hạnh phúc.

Những năm qua, trong bối cảnh tình hình kinh tế còn khó khăn, giá cả thị trường liên tục tăng, mức sống của công nhân, sinh viên bị sụt giảm, hưởng ứng cuộc vận động của TPHCM, nhiều chủ nhà trọ trên địa bàn đã thể hiện tình cảm sẻ chia với người nghèo qua việc không tăng giá cho thuê phòng trọ, mặc dù việc này ảnh hưởng không nhỏ đến nguồn thu nhập của họ. Chính sách của Chính phủ về miễn thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân năm 2013 và 2014 đối với hộ, cá nhân kinh doanh nhà trọ, phòng trọ cho công nhân và sinh viên thuê, tuy không bù đắp được bao nhiêu, nhưng cũng là sự khích lệ với các chủ nhà trọ.

Không tăng giá nhà trọ là việc làm thiện nguyện, rất có ý nghĩa của các chủ nhà trọ, thiết thực giúp những người nghèo đang thuê trọ. Nhưng nếu cuộc vận động này chỉ dừng ở đối tượng chủ nhà trọ thôi, thì những người thuê trọ nghèo vẫn chưa được giúp cải thiện điều kiện sống là bao. Nếu từ chính quyền, đoàn thể địa phương, đến doanh nghiệp, công đoàn, hội sinh viên, chủ nhà trọ và cộng đồng đều chung tay phối hợp cải thiện điều kiện sống cho các công nhân, sinh viên đang ở trọ thì tình hình sẽ khả quan hơn.

Có lẽ doanh nghiệp nên trích quỹ phúc lợi, công đoàn vận động chút tiền ủng hộ, địa phương giúp chút công, và chủ nhà trọ bớt thêm chút thu nhập… để mua tôn cách nhiệt lắp cho những căn phòng trọ oi bức, dột nát. Xã hội đang rất cần nhiều tấm lòng nghĩ đến những hoàn cảnh gian nan trong cộng đồng và một sự tổ chức vận động sâu rộng.

Người dân TPHCM rất dồi dào lòng nhân ái, phát huy rất tốt truyền thống “lá lành đùm lá rách”. Trong các cuộc vận động vì người nghèo tại TPHCM, khi có sự tổ chức vận động bài bản, đều nhanh chóng lan tỏa và mang lại hiệu quả thiết thực. Do vậy lẽ nào chúng ta thờ ơ với các công nhân, sinh viên phải sống trong cảnh nhếch nhác, thiếu điều kiện sinh hoạt tối thiểu ở những căn phòng trọ đã hư nát.

Khi vận động được kinh phí, vật tư, công lao động giúp sửa sang nhà trọ, thì địa phương tổ chức bình xét các nhà trọ nào hưởng ứng tích cực việc không tăng giá, sẽ được giúp lợp lại mái tôn cách nhiệt, tặng quạt máy trang bị cho các phòng trọ, phun thuốc diệt muỗi, trồng cây xanh… Chúng ta đều nhận thức được rằng dù bản thân cuộc sống có gian khổ đến mức nào thì cũng có cách hóa giải, làm cho cuộc sống bớt khó khăn và dễ thương hơn. Khi xã hội cùng chung lòng, chung tay thì chắc chắn sẽ cải thiện được điều kiện sống của công nhân và sinh viên ở các khu nhà trọ.

HUỲNH THANH LUÂN

Tin cùng chuyên mục