Việc chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi để nông sản có phẩm cấp tốt, giá trị cao là chủ trương đúng. Nông dân ĐBSCL đã có kinh nghiệm làm theo “khuyến cáo”, chuyển từ trồng lúa chất lượng thấp sang chất lượng cao. Nhưng trớ trêu là lúa chất lượng cao “bị cào giá” như chất lượng thấp, thương lái không mua, nông dân lãnh đủ phần thua thiệt, làm nông nghiệp như chơi trò đỏ đen, phó mặc cho may rủi.
Thị trường nông sản gần đây liên tục phát ra thông tin ảm đạm. Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam thấp nhất thế giới. Gạo ùn ứ ở các cửa khẩu phía Bắc. Dưa hấu miền Trung, hành tím Sóc Trăng tắc đầu ra. Giá tôm các loại, cá tra tụt dốc. Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), kim ngạch xuất khẩu thủy sản cả nước trong quý 1-2015 giảm 23% so với cùng kỳ năm trước, mức giảm mạnh nhất trong vòng 5 năm gần đây.
Ngành chăn nuôi trong nước cũng đang chịu áp lực rất lớn trước nhiều sản phẩm chăn nuôi ngoại nhập cùng loại, tạo ra cảnh “bò cười, người khóc”.Việt Nam đã vượt qua Trung Quốc trở thành thị trường lớn thứ 2 thế giới nhập khẩu bò Úc, năm 2014 đã nhập khoảng 150.000 con bò, ước tính tăng lên khoảng gấp đôi trong năm nay. Trong khi hoa kiểng Đà Lạt xuất khẩu, tiêu thụ trong nước khó khăn thì nhiều nơi ồ ạt nhập hoa kiểng ngoại từ Trung Quốc, Thái Lan. Nông nghiệp là thế mạnh của nước ta được xác định trong chuỗi cung ứng toàn cầu, nhưng “chiếc bánh nông sản” vẫn khó dùng ngay trên quê hương mình khi luôn bị chèn ép.
Việt Nam là một thị trường tiêu dùng lớn với hơn 90 triệu người, cộng tâm lý xài sang của một bộ phận dân cư là “chiếc bánh ngon” cho nhiều nhà sản xuất và thương mại. Ô tô, xe máy, điện thoại di động, hàng điện tử thời thượng mới “ra lò” đều xuất hiện ở Việt Nam. Hoạt động nhộn nhịp có các nhà đầu tư ngoại quan tâm lĩnh vực nông nghiệp gần đây là đáng mừng, nhưng cũng là một chỉ báo thách thức cho đầu tư nội. Các nhà đầu tư Nhật Bản, Hàn Quốc đã có những bước đi vững chắc vào lĩnh vực này. Nhật Bản xác định “bản đồ” 5 địa bàn trọng điểm đầu tư vào nông nghiệp Việt Nam, gồm: ĐBSCL, TPHCM, Lâm Đồng, Nghệ An, Hà Nội và không bỏ lỡ cơ hội tiếp cận thị trường Việt Nam bằng các chuyến khảo sát, tiếp xúc chính quyền, đối tác tiềm năng. Một số ông chủ lớn bày tỏ ý định đầu tư “Làng doanh nghiệp Nhật” ở Cần Thơ. Không muốn chậm chân hơn người Nhật, các nhà đầu tư Hàn Quốc cũng đã xúc tiến đầu tư cánh đồng lớn ở Đồng Tháp, hỗ trợ xây dựng vườn ươm công nghiệp ở Cần Thơ nhằm vào nông nghiệp công nghệ cao ở ĐBSCL.
Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào nông nghiệp, nông thôn cần được đẩy mạnh. Cần mở rộng cửa cho nước ngoài vào, nhưng đồng thời phải phát triển mạnh doanh nghiệp nội đủ sức làm đối trọng hoặc đối tác. Phải xác định rõ lộ trình đến khi nào ta sẽ kết thúc vai trò làm thuê, làm gia công, tiến đến làm chủ? Trong khi trình độ quản lý của ta khó vượt lên trên sự ma mãnh thương trường của các kiểu chuyển giá, lời thật, lỗ giả, đã không “áp” được nhà đầu tư ngoại thực hiện các nghĩa vụ, thì doanh nghiệp nội chỉ được khuyến khích chung chung, không thúc đẩy phát triển sáng tạo, đầu tư dài hạn, mạnh ai nấy làm, thiếu liên kết tạo sức mạnh và còn vấp phải nhiểu điểm nghẽn.
Khó đầu vào, tắc đầu ra nông sản không chỉ là tín hiệu thị trường mà còn là bài toán chưa có lời giải để phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững, cần được tập trung giải quyết trước khi quá muộn.
TRẦN HỮU HIỆP