Đụng đến vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, nhiều người dường như bị ngộ độc thức ăn cứ giãy đành đạch hét toáng: Khổ lắm nói mãi!
Cứ hết năm này, tháng khác các ổng rầm rộ tổ chức chiến dịch thanh tra, kiểm tra, giám sát mà đâu có xanh, sạch đẹp nổi. Thà đừng nói nữa có khi nó còn… an toàn hơn. Và cùng câu cảm thán này là tiếng thở dài “ăn cũng chết mà không ăn cũng chết”, nghĩa là sống chết cũng như giày dép, quần áo nó có số má, trời thương thì không sao còn không thương thì hoặc vô nhà thương hoặc cùng lắm đi luôn. Như thế câu hỏi đặt ra vẫn nóng nghi ngút: ăn gì cho an toàn trong thế giới không mấy an toàn?
Và câu trả lời còn “treo” lơ lửng dù luật lệ, quy định, cùng các giải pháp đề ra có quá nhiều. Nhiều đến mức không còn gì để tin như một đại gia ở Hà thành có lần tâm sự với người viết rằng ở vùng đất nổi tiếng với sự tinh tế, cầu kỳ và khó tính trong ẩm thực này cần phải biết nói “không” với cơm “bụi” cũng như các loại quán xá vỉa hè. Muốn tồn tại - theo anh - hoặc ăn ở nhà hàng thật sang trọng hoặc cứ cơm nhà vợ nấu mà “xơi”. Thú thật tôi cũng quá ngạc nhiên khi người bạn này buổi sáng xách guy gô cơm quẳng vào ghế ngồi đằng sau chiếc “mẹc” để ở cơ quan cô thư ký hâm nóng trong lò vi sóng cho bữa ăn trưa. Có cảm giác thời bao cấp đang trở lại, hay chính xác hơn cổ kim trộn lẫn trong thời thị trường với đồ ăn đầy rẫy - tuy nói trắng ra không phải tất cả đều nuốt trôi được.
Theo một thống kê của Bộ Y tế, năm 2011 cả nước chỉ có 27 người chết vì ngộ độc thực phẩm, giảm gần phân nửa so với năm trước đó. Và cứ cái đà năm sau giảm hơn năm trước về số ca ngộ độc cũng như tử nạn - do “thấm nhuần yêu cầu an toàn vệ sinh thực phẩm” như vậy - thì chắc hẳn vài năm nữa nước ta sẽ không còn tổn thất về sinh mạng cũng như mối lo mất an toàn thực phẩm!
Nhưng con số cũng chỉ là con số và nhiều khi không thể tin vào con số khi chúng ta để tồn tại quá nhiều lỗ hổng trong quản lý chất lượng thực phẩm. Chỉ riêng chuyện một bữa tiệc cưới với thức ăn được chế biến bằng thịt thối ở Bình Dương đã nói lên tất cả sự yếu kém và bất lực của các cơ quan quản lý “bữa ăn” và đủ sức thổi bay những con số “thành tích” thường được đưa ra trong báo cáo mỗi buổi họp chuyên đề.
Cần nhớ lại chúng ta có chằng chịt hệ thống văn bản pháp luật trong lĩnh vực an toàn vệ sinh thực phẩm: Luật Bảo vệ sức khỏe nhân dân năm 1989, Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa năm 2007, Luật An toàn vệ sinh thực phẩm năm 2010 và nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác của Bộ Y tế, Bộ NN-PTNT, Bộ Thủy sản… nhưng tại sao vi phạm ngày càng nghiêm trọng hơn? Tại sao có luật mà không thể răn đe được các hành vi coi thường tính mạng con người?
Theo lý giải của các chuyên gia, sở dĩ nó không “an toàn” là bởi luật về sự “an toàn” của thực phẩm còn “treo” và chưa đi vào cuộc sống khi phải “chờ” hướng dẫn của chính phủ và các cơ quan hữu quan. Nhưng đó là một chuyện, mấu chốt vẫn là luật của chúng ta có “vấn đề” khi “áp” vào các hành vi sản xuất, kinh doanh thực phẩm đã bị biến chất, không rõ nguồn gốc, thực phẩm ôi thiu, nhiễm bẩn, quá hạn sử dụng, không đảm bảo vệ sinh… tức là thực phẩm “bẩn” thì mức phạt chỉ 10 - 15 triệu đồng. Phạt như vậy, rõ ràng không phạt còn hơn một khi tối mắt vì lợi nhuận - nói như Marx - kẻ kinh doanh còn sẵn sàng tự treo cổ mình.
Như vậy, đối với các vụ thịt thối, bơm tẩm chất phụ gia, tạo thịt siêu nạc… làm hủy hoại từ từ sức khỏe con người, chả lẽ chỉ có hình phạt xử theo khung vi phạm hành chính? Ở đây, chúng ta phải cương quyết nói “không” với cách làm thiếu tính răn đe như vậy.
Ở Trung Quốc, sau vụ sữa bột nhiễm chất độc melamine, người ta lập tức xử tử hình những người trực tiếp sản xuất, phân phối sản phẩm. Còn chúng ta quanh đi quẩn lại vẫn chỉ… xử phạt và xử phạt tiền. Rõ ràng, cuộc sống đang đòi hỏi chúng ta có những biện pháp mạnh tay hơn với những kẻ cố tình sản xuất, chế biến, phân phối thực phẩm không an toàn.
Thiếu luật, chúng ta bổ sung luật, nhất là thêm các điều khoản xử lý hình sự, nhưng sợ nhất vẫn là chúng ta thờ ơ, thiếu quyết tâm trước tội ác.
Không thể cứ “biết rồi, khổ lắm, nói mãi!”…
BÍCH AN