Theo kế hoạch, bắt đầu từ tuần này Bộ GTVT sẽ tiến hành kiểm tra việc đăng ký và quản lý giá cước vận tải ở một số tỉnh, thành, trong đó có TPHCM. Trước đó, Bộ Tài chính và Bộ GTVT cũng đã nhiều lần yêu cầu sở, ngành ở các địa phương tiến hành kiểm tra, kiểm soát giá cước vận tải… Đây là việc làm có trách nhiệm với người dân của hai bộ này trước việc giá nhiên liệu giảm sâu nhưng giá cước vận tải không giảm tương ứng.
Thế nhưng, muốn quản lý, kiểm tra, kiểm soát… thì phải có hành lang pháp lý. Theo một chuyên gia về vận tải của Sở GTVT TPHCM, hiện nay đối với Sở GTVT, Sở Tài chính cũng như các hiệp hội vận tải trên địa bàn TP, thông tư liên tịch hướng dẫn thực hiện giá cước vận tải bằng ô tô và giá dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ số 152 của Liên bộ Tài chính và GTVT vừa có hiệu lực từ ngày 1-12-2014 là cơ sở pháp lý quan trọng để thực hiện công tác kiểm tra, kiểm soát giá cước vận tải.
Tuy nhiên, thông tư này quy định chỉ có 3 loại hình vận tải bằng ô tô là vận tải hành khách liên tỉnh, taxi và xe buýt bắt buộc kê khai giá cước. Các loại hình vận tải bằng ô tô còn lại như xe du lịch, xe hợp đồng, xe chở hàng hóa, hai bộ này giao các địa phương…, “nếu địa phương thấy cần thiết thì yêu cầu các đơn vị vận tải này đăng ký giá”.
Cho đến chiều 12-1-2015, đại diện Hiệp hội Vận tải hàng hóa TPHCM và đại diện Hiệp hội Vận tải hành khách liên tỉnh và du lịch TPHCM cho hay, TP chưa yêu cầu các đơn vị vận tải xe du lịch, xe hợp đồng và xe tải chở hàng hóa đăng ký giá cước, 3 trong số 6 loại hình vận tải quan trọng không phải đăng ký giá cước trong đó có loại hình vận tải hàng hóa - loại hình có tác động lớn đến giá cả hàng hóa…
Vậy căn cứ nào để kiểm soát giá cước vận tải để qua đó hàng hóa có điều kiện giảm giá như kỳ vọng của ngành chức năng? 3 loại hình vận tải phải đăng ký giá thì đã có 1 loại hình không phải kiểm soát đó là xe buýt, bởi nhà nước đang trợ giá cho hoạt động này. Chỉ còn 2 loại hình: taxi và xe khách liên tỉnh…
Theo Hiệp hội Vận tải hành khách liên tỉnh và du lịch TPHCM, đã có nhiều đơn vị vận tải trong hiệp hội điều chỉnh giảm giá cước như Công ty Xe khách Phương Trang, HTX Vận tải Thống Nhất…, nhưng cũng còn không ít đơn vị chưa điều chỉnh. Còn lại một loại hình vận tải dễ bị “kiểm soát” nhất, đó là taxi. Theo Sở GTVT TPHCM, nhiều đơn vị taxi đã tiến hành giảm giá cước… từ từ! Không ít ý kiến bức xúc vì giá xăng dầu đã giảm hơn 30% trong thời gian qua, nhưng giá cước taxi chỉ giảm vài lần, mỗi lần chỉ có 500 đồng/km!
“Có lẽ do không có biện pháp chế tài đối với hành vi này nên họ không sợ”, Hiệp hội Vận tải hành khách liên tỉnh và du lịch TPHCM nhận định. Điều này đúng hay sai, chỉ ngành chức năng mới dám khẳng định nhưng rõ ràng Thông tư liên tịch số 152 “giao quyền” xây dựng giá cước cho đơn vị vận tải và chỉ khuyến cáo giá cước phải “…đảm bảo nguyên tắc bù đắp chi phí sản xuất, kinh doanh thực tế hợp lý, có lợi nhuận phù hợp với mặt bằng giá thị trường và chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong từng thời kỳ”. Với những quy định như vậy, nhiều đơn vị vận tải “không sợ” cũng là điều dễ hiểu.
Rõ ràng, với các quy định trong Thông tư liên tịch số 152, cơ sở nào để quản lý giá cước vận tải? Không biết còn những quy định nào khác hơn nữa không về kiểm soát giá cước vận tải, nếu không, chỉ có Thông tư liên tịch số 152 thì Bộ Tài chính và Bộ GTVT đã tự trói tay mình!
NGUYỄN KHOA