Kho thông tin sáng chế, phi sáng chế: “Trùm mền” chờ nhà nghiên cứu

Sử dụng và khai thác tốt nguồn thông tin sáng chế, phi sáng chế (patent) giúp nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đào tạo. Nhưng thực tế, dù kho thông tin sáng chế khá đồ sộ và phong phú nhưng vấn đề khai thác dữ liệu này vẫn chưa được các nhà nghiên cứu Việt Nam quan tâm đúng mức.
Kho thông tin sáng chế, phi sáng chế: “Trùm mền” chờ nhà nghiên cứu

Sử dụng và khai thác tốt nguồn thông tin sáng chế, phi sáng chế (patent) giúp nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đào tạo. Nhưng thực tế, dù kho thông tin sáng chế khá đồ sộ và phong phú nhưng vấn đề khai thác dữ liệu này vẫn chưa được các nhà nghiên cứu Việt Nam quan tâm đúng mức.

Nhiều nguồn dữ liệu quý

Theo thống kê của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), số đơn sáng chế nộp hàng năm của thế giới vào khoảng 1,5 triệu đơn. Cho đến nay, ước tính có hơn 70 triệu sáng chế đã được công bố trên toàn thế giới. Kho sáng chế này hoàn toàn miễn phí và người có nhu cầu có thể dễ dàng khai thác thông tin ngay trên trang mạng của các doanh nghiệp, chính phủ các nước hoặc tổ chức KH-CN của Liên hiệp quốc (LHQ)…

Việt Nam và một số nước nằm trong danh sách các nước thuộc nhóm A của LHQ (bao gồm nước kém phát triển; chỉ số phát triển con người (HDI) thấp hơn 0,63…) có thể khai thác và sử dụng miễn phí kho dữ liệu phi sáng chế tại các nước phát triển. Nguồn dữ liệu này lên đến 17.000 tạp chí, sách và các cơ sở dữ liệu khác từ 150 nhà xuất bản uy tín trên thế giới, liên quan đến 4 lĩnh vực: y tế, môi trường, nông nghiệp, phát triển và đổi mới. Hỗ trợ này nằm trong dự án Research4Life, là chương trình kết hợp giữa 4 tổ chức: Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Tổ chức Nông lương LHQ (FAO) và Chương trình môi trường LHQ (UNEP) với mục tiêu giảm bớt khoảng cách về kiến thức khoa học giữa các nước công nghiệp và các nước đang phát triển.

Khai thác nguồn dữ liệu sáng chế, phi sáng chế sẽ phục vụ đắc lực học tập và nghiên cứu khoa học của sinh viên

Khai thác nguồn dữ liệu sáng chế, phi sáng chế sẽ phục vụ đắc lực học tập và nghiên cứu khoa học của sinh viên

Tại Việt Nam, Trung tâm Thông tin tư liệu thuộc Cục Sở hữu trí tuệ (SHTT) hiện có hơn 25 triệu bản mô tả sáng chế, khoảng 1,5 triệu kiểu dáng công nghiệp và gần 3 triệu nhãn hiệu hàng hóa. Đây là nguồn dữ liệu từ hợp tác giữa Trung tâm Thông tin tư liệu quốc gia với trung tâm tư liệu tại 27 nước và tổ chức quốc tế, trong đó có WIPO, Cơ quan patent châu Âu (EPO) và các cơ quan Patent của các nước công nghiệp phát triển. Bên cạnh đó, còn có 2 triệu tư liệu sáng chế của Trung tâm Thông tin KH-CN TPHCM (CESTI), 1 triệu tư liệu sáng chế của Trung tâm Thông tin KH-CN Đà Nẵng.

Nhiều nhà khoa học đầu ngành thừa nhận, đây chính là nguồn cơ sở dữ liệu đặc biệt hữu ích đối với các nhà khoa học và các nhà nghiên cứu. Nếu quan tâm, các nhà khoa học Việt Nam dễ dàng tiếp cận với các nguồn dữ liệu kể trên.

Khai thác vẫn còn hạn chế

Tại Hội thảo quốc gia về tiếp cận, sử dụng dữ liệu sáng chế và phi sáng chế do Sở KH-CN TPHCM và WIPO tổ chức mới đây, ông Phạm Phi Anh, Phó Cục trưởng Cục SHTT, nhận định, dữ liệu sáng chế có vai trò rất quan trọng đối với các nhà sáng chế, tổ chức nghiên cứu - triển khai và doanh nghiệp, vì đây là nguồn thông tin duy nhất về các công nghệ được bảo hộ độc quyền, có cấu trúc chặt chẽ, bao trùm mọi lĩnh vực công nghệ. Tùy theo mục đích sử dụng: quản lý khoa học công nghệ, hoạch định chiến lược nghiên cứu, phát triển, kinh doanh và xác định tiềm năng công nghệ của đối tác trên thương trường... mà các nhà sáng chế, nhà khoa học Việt Nam khai thác từng nguồn dữ liệu khác nhau phục vụ nghiên cứu.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Tuấn Hưng, Giám đốc Trung tâm thông tin (Cục SHTT), chính các nhà khoa học, doanh nghiệp chúng ta chưa quan tâm nhiều đến giá trị của thông tin sáng chế. Bên cạnh đó, khả năng ngoại ngữ không tốt cũng là rào cản cho các nhà sáng chế của ta. Hệ quả là tính sáng tạo trong nghiên cứu khoa học còn thấp hoặc các giải pháp công nghệ bị trùng lặp một cách ngẫu nhiên, không mang lợi về mặt kinh tế.

Cụ thể hơn càng thấy rõ, như tại ĐH Quốc gia TPHCM, mỗi năm có hàng trăm đề tài, chương trình nghiên cứu khoa học thuộc nhiều cấp được thực hiện nhưng vẫn có khá nhiều đề tài trong số đó xuất phát từ chính thói quen và thế mạnh của các nhà khoa học mà thiếu quan tâm đến nhu cầu thị trường, xã hội hoặc không phù hợp với xu hướng phát triển chung. Từ đó, khả năng thương mại hóa bị hạn chế. Hiện ĐH Quốc gia TPHCM có hơn 50.000 sinh viên và đội ngũ hơn 4.000 cán bộ, các nhà nghiên cứu khoa học, nếu cùng khai thác nguồn dữ liệu sáng chế, phi sáng chế trên thế giới thì hiệu quả sáng chế rất lớn. Thống kê của Trung tâm thông tin KH-CN (Sở KH-CN TPHCM) cho thấy, trong 2 năm qua, các tổ chức và cá nhân trong nước chỉ yêu cầu trung tâm hỗ trợ khoảng 600 patent, quá ít so với với nguồn lực KH-CN của TPHCM và các tỉnh phía Nam hiện nay.

TƯỜNG HÂN

Tin cùng chuyên mục