Khoa học - Công nghệ TPHCM: Cần cơ chế đặc biệt

Khoa học - Công nghệ TPHCM: Cần cơ chế đặc biệt

Sự kiện Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam thành lập đoàn liên ngành do Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân dẫn đầu, nhằm giám sát việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 6, khóa XI về phát triển khoa học - công nghệ và Luật Khoa học và Công nghệ tại TPHCM cho thấy vị thế của KH-CN ngày càng quan trọng, đóng vai trò đặc biệt tại TPHCM…

Phát triển các ngành trên “trục” 

Tại buổi làm việc, đại diện Khu Công nghệ cao TPHCM (SHTP), cho biết, bình quân 1ha đất tại Khu Công nghệ cao làm ra 29,76 triệu USD giá trị xuất khẩu. Năng suất của 1 lao động tại đây tạo ra giá trị xuất khẩu bình quân năm 2014 đạt gần 145.000 USD, gấp hơn 7 lần so với các khu chế xuất, khu công nghiệp của thành phố. Trong đó, giai đoạn 2008 - 2010, SHTP đã đầu tư 12 triệu USD xây dựng các phòng thí nghiệm vi mạch - bán dẫn, vật liệu nano và sẽ tiếp tục đầu tư nâng cấp mở rộng trong năm 2015 phục vụ chương trình phát triển vi mạch của thành phố. Đây là những đầu tư hướng đến giá trị gia tăng cao của SHTP. Theo ông Lê Hoài Quốc, Trưởng ban quản lý SHTP, đến nay SHTP đã thu hút 77 dự án với hơn 4,4 tỷ USD, vượt qua mốc khởi nghiệp với các chỉ tiêu đạt khá tốt như đến năm 2014 đạt doanh số 3,25 tỷ USD. SHTP đã thu hút được các tập đoàn, công ty công nghệ lớn như Intel, Nidec, Sonion, Sanofi và mới đây là Samsung đầu tư sản xuất; tốc độ tăng trưởng sản xuất công nghiệp của khu đạt khoảng 80% - là những phát triển  đáng ghi nhận trong sự phát triển KH-CN của thành phố.

Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân thăm nhà máy sản xuất bóng nong mạch vành United Healthcare tại SHTP. Ảnh: T.HÂN

Không chỉ riêng SHTP, TPHCM đã đầu tư phát triển các ngành trên “trục” KH-CN. Như Công viên Phần mềm Quang Trung, đến nay đã thu hút 119 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực CNTT, trong đó có 10 doanh nghiệp nằm trong danh sách 50 doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam. Ở đây, các doanh nghiệp đã xây dựng và cung cấp hơn 140 sản phẩm, dịch vụ và giải pháp thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau. Hay Khu Nông nghiệp công nghệ cao với mục tiêu tạo ra mô hình sản xuất nông nghiệp tiên tiến, từng bước hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Báo cáo với đoàn giám sát, ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Sở KH-CN, cho biết: Ngân sách thành phố chi cho KH-CN giai đoạn 2011-2015 chiếm tỷ lệ trung bình hơn 2% so với tổng chi ngân sách của thành phố, tương đương mức 2% được quy định trong Luật Khoa học và Công nghệ. Điều này cho thấy, TPHCM luôn chú trọng và đầu tư  vào KH-CN.  

Vẫn còn những khó khăn

Trong chương trình làm việc này, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân đánh giá cao những kết quả KH-CN mà TPHCM đã đạt được như đã xây dựng được các khu công nghệ cao quận 12, quận 9, Khu Nông nghiệp công nghệ cao ở huyện Củ Chi; chọn được những đề tài nghiên cứu phù hợp, việc nghiên cứu đã gắn với nhu cầu thị trường, có sản phẩm tốt, nhờ vậy mà hạn chế được việc phụ thuộc từ nước ngoài…

Trước những khó khăn, vướng mắc trong phát triển KH-CN của doanh nghiệp tại TPHCM, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân đề nghị các sở, ban, ngành có liên quan tập trung tháo gỡ cho doanh nghiệp. Nếu các cơ quan này không làm được thì thành phố phải làm, cái nào khó khăn thì phối hợp cùng MTTQ kiến nghị tới Chính phủ.

   

Tuy nhiên, ở đây cũng cần xác định đó là cái nhìn tổng quát, còn thực tế từng lĩnh vực thì khó khăn không phải là ít. Ngay như Chương trình phát triển công nghiệp vi mạch TPHCM, đến nay đã tạo ra hàng chục sản phẩm vi mạch có khả năng thương mại hóa với giá thành rẻ và chất lượng cao hơn hàng ngoại nhập như điện kế điện tử, thiết bị khóa container, thẻ RFID…, nhưng để các kết quả này trở thành sản phẩm thương mại thì còn rất nhiều khó khăn. Hay tại “cái nôi” công nghệ của TPHCM là SHTP. Người đứng đầu nơi đây chỉ ra: “Theo Luật Đầu tư mới và Luật Doanh nghiệp mới, mỗi doanh nghiệp muốn đầu tư vào SHTP phải có hai giấy phép. Trong đó, SHTP chỉ được phép cấp giấy phép đầu tư, còn giấy phép kinh doanh phải do Sở Kế hoạch - Đầu tư cấp. Tương tự, theo Luật Bảo vệ môi trường 2015, Ban quản lý SHTP chưa được ủy quyền cấp giấy phép đánh giá tác động môi trường, mà giao phần việc này cho Sở Tài nguyên - Môi trường”. Ông Lê Hoài Quốc nhấn mạnh: Việc không còn thực hiện theo cơ chế một cửa như trước đây khiến doanh nghiệp phải “xin” nhiều nơi, nhiều lần, mất rất nhiều thời gian, công sức…

Tại đợt giám sát này, TPHCM cũng cho thấy nhiều khó khăn khác trong phát triển KH-CN. Có lẽ vì thế, Phó Chủ tịch UBND TP Tất Thành Cang cho rằng: “Việc áp dụng cơ chế, chính sách cho TPHCM tương tự như các địa phương khác đã khiến TPHCM, trong đó có lĩnh vực KH-CN, mất đi nhiều cơ hội…”. Rõ ràng, TPHCM rất cần một cơ chế, chính sách đặc biệt để phát triển KH-CN.

BÁ TÂN

Tin cùng chuyên mục