Khoán kinh phí ô tô, điện thoại để sử dụng hiệu quả

Sáng nay 31-10, Quốc hội đã nghe các tờ trình và thẩm tra về các dự án: Luật quản lý, sử dụng tài sản công; Luật đường sắt (sửa đổi); Luật cảnh vệ và thảo luận ở tổ về dự án Luật quản lý, sử dụng tài sản công.
Khoán kinh phí ô tô, điện thoại để sử dụng hiệu quả

(SGGPO). - Sáng nay 31-10, Quốc hội đã nghe các tờ trình và thẩm tra về các dự án: Luật quản lý, sử dụng tài sản công; Luật đường sắt (sửa đổi); Luật cảnh vệ và thảo luận ở tổ về dự án Luật quản lý, sử dụng tài sản công.

Một trong những điểm đáng chú ý trong dự thảo là việc giao thẩm quyền ban hành tiêu chuẩn, định mức đối với xe ô tô công, trụ sở làm việc cho Chính phủ (thay cho thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ như hiện nay); bổ sung các quy định để đảm bảo việc ban hành tiêu chuẩn, định mức được chặt chẽ, công khai, minh bạch . Đồng thời, quy định rõ trách nhiệm tuân thủ, giám sát, kiểm tra việc tuân thủ tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản công trong toàn bộ quy trình đầu tư xây dựng, mua sắm, sử dụng, khai thác, xử lý tài sản công để khắc phục những hạn chế trong quá trình thực hiện thời gian vừa qua.

Đồng thời dự luật cũng bổ sung một số hình thức mới trong đầu tư xây dựng, mua sắm, sử dụng, xử lý tài sản công bao gồm: mua sắm tập trung; đầu tư xây dựng trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp theo hình thức đối tác công - tư (PPP), khoán kinh phí sử dụng tài sản công; huy động vốn để đầu tư xây dựng, mua sắm tài sản tại đơn vị sự nghiệp công lập; ghi giảm tài sản do nguyên nhân bất khả kháng. Trong đó, việc khoán kinh phí sử dụng tài sản được áp dụng đối với nhà công vụ, xe ô tô phục vụ chức danh và xe ô tô phục vụ công tác chung của cơ quan nhà nước; điện thoại công vụ tại nhà riêng, điện thoại di động và các tài sản khác theo chế độ quản lý, sử dụng đối với từng loại tài sản công do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành. Khoán kinh phí là phương thức được ưu tiên khi có nhu cầu sử dụng tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị. Chỉ khi không áp dụng được phương thức khoán mới áp dụng các phương thức khác.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Đức Hải trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi) sáng 31-10. Ảnh: Lã Anh

Thẩm tra về dự án này, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Đức Hải, cho biết, đa số ý kiến trong Ủy ban tán thành với dự thảo luật. Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị Chính phủ cần rà soát, nghiên cứu, điều chỉnh, bổ sung ngay trong dự thảo luật quy định về đối tượng, tiêu chuẩn, định mức trang bị và thẩm quyền quyết định việc quản lý sử dụng tài sản công như: xe ô tô, trụ sở làm việc, nhà ở công vụ trên cơ sở tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện các văn bản dưới luật trong thời gian vừa qua để đảm bảo tính cụ thể, minh bạch và thống nhất giữa các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân sử dụng tài sản công trong hệ thống chính trị.

Về chế độ quản lý, sử dụng, khai thác nguồn lực tài chính từ đất đai, theo Ủy ban Tài chính – Ngân sách, hiện nay đang xảy ra tình trạng nguồn lực đất đai vẫn đang bị buông lỏng quản lý, gây lãng phí rất lớn (đất đai ở nông, lâm trường, công ty lâm nghiệp, đất quốc phòng,...). Do vậy, ngoài các quy định quản lý, sử dụng đất đai theo Luật Đất đai, cần cụ thể hóa ngay trong luật này một số nội dung có tính nguyên tắc để nâng cao trách nhiệm các bộ, ngành, địa phương, cơ quan nhà nước, tổ chức có liên quan nhằm tăng cường quản lý và sử dụng có hiệu quả tài sản công là đất đai. Khi tiến hành rà soát lại việc sử dụng quy hoạch đất của các tổ chức, cơ quan, đơn vị, nếu phát hiện việc sử dụng không đúng mục đích, sử dụng không hiệu quả, vượt quá nhu cầu hoặc chưa sử dụng thì kiên quyết thực hiện thu hồi, giao cơ quan nhà nước hoặc chính quyền địa phương để quản lý, sử dụng đất hiệu quả hơn.

Ủy ban Tài chính – Ngân sách cũng cho rằng, nội dung công khai về tài sản công tại Khoản 2 Điều 8 của dự thảo luật còn thiếu chi tiết, đề nghị cần làm rõ việc công khai trên cổng thông tin điện tử ở cơ quan nào, địa điểm niêm yết công khai, hình thức công khai (công bố tại các kỳ họp nào, định kỳ công bố hay công bố khi có điều chỉnh, thay đổi về tài sản,...).

Cần quy định rõ, đầy đủ ưu tiên phát triển đường sắt

Theo dự thảo Luật đường sắt, Nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài đầu tư, kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt và vận tải đường sắt; tham gia cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích đường sắt; khuyến khích và hỗ trợ việc phát triển công nghiệp đường sắt, nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến và đào tạo nguồn nhân lực để phát triển đường sắt hiện đại…

Thẩm tra về dự án Luật đường sắt, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng, cho biết, Ủy ban cơ bản nhất trí với các chính sách phát triển đường sắt. Tuy nhiên, dự thảo luật cần quy định rõ và đầy đủ hơn hướng ưu tiên phát triển của ngành đường sắt, nhất là công tác đầu tư để đưa giao thông vận tải đường sắt sớm thoát khỏi tình trạng lạc hậu, yếu kém như hiện nay.

Do đó, tại Khoản 1 và Khoản 2, Điều 5 quy định về vấn đề này, cần chỉnh sửa theo hướng ưu tiên đầu tư, nâng cấp, điều chỉnh phát triển mạng lưới đường sắt để giao thông đường sắt là yếu tố quan trọng trong việc kiến tạo hệ thống giao thông vận tải đồng bộ, nhanh chóng bền vững, an toàn, hiệu quả và ít xâm hại môi trường; trước mắt cần tập trung huy động nguồn lực xã hội đầu tư các dự án giao thông đường sắt trọng điểm, các tuyến có khả năng sinh lợi cao, kết nối với các phương thức vận tải khác...

Một số ý kiến đề nghị cần có chính sách ưu tiên phát triển công nghiệp đường sắt để tạo ra sản phẩm có chất lượng cao đáp ứng nhu cầu vận tải đa dạng, nhanh chóng. Bên cạnh đó, hiện tại, công nghiệp đường sắt cũng chưa được đề cập trong các văn bản về phát triển công nghiệp cơ khí, chế tạo, công nghiệp hỗ trợ đã ban hành. Có ý kiến đề nghị bổ sung chính sách khuyến khích hỗ trợ, có chính sách ưu đãi phát triển đường sắt ở các vùng đặc biệt khó khăn, vùng cao, miền núi.

NGỌC QUANG

Tin cùng chuyên mục