Hàng chục năm rồi, nay xứ cồn mới sắp có điện. Đây là công trình điện ngầm vượt sông đầu tiên của TP Cần Thơ.
Robot vượt ngầm
“Xây dựng tuyến đường dây cấp điện cho cồn Sơn không thể kéo điện tĩnh không vì đoạn sông này mật độ lưu thông tàu thuyền vào cảng Cần Thơ khá cao nên phải chọn phương án khoan robot vượt ngầm dưới lòng sông”, ngồi bên một quán nước nhỏ của bến phà Cô Bắc, Lê Công Dinh - Phó giám đốc Công ty TNHH Công nghiệp Thủy sản miền Nam (chủ đầu tư công trình), vừa lật sơ đồ vừa giải thích. Trước mặt, sóng sông Hậu gặp mùa gió chướng nhồi từng đợt, nhấp nhô.
Bến phà Cô Bắc nằm sát đường Lê Hồng Phong, chạy về An Giang, Kiên Giang. Từ đây có thể đi phà lớn sang Tân Quới, Tân Lược của huyện Bình Tân (Vĩnh Long) hoặc đi ghe nhỏ sang cồn Sơn thuộc khu vực 1, phường Bùi Hữu Nghĩa, quận Bình Thủy (TP Cần Thơ).
Theo thiết kế, công trình kéo điện sang cồn Sơn có công suất thiết kế 1.600kVA, với tổng kinh phí đầu tư khoảng 8 tỷ đồng, do nhà thầu liên doanh Thibidi (Công ty cổ phần Kinh doanh vật tư thiết bị điện) và Delta Tech thi công. Đây cũng là công trình điện ngầm đầu tiên vượt sông trên địa bàn TP Cần Thơ. Dự kiến công trình hoàn thành và cung cấp điện cho cư dân trên cồn trước Tết Nguyên đán 2013.
Nặng nhất, cam go nhất là chạy cáp ngầm. Cáp được bảo vệ bằng 2 lớp ống, ống đặc dụng HDPE bên trong, bên ngoài là ống thép. Người ta sẽ dùng robot khoan ngầm xuống đáy sông sâu đến 18m để tạo hầm đặt ống thép.
“Công nhân phải thi công ban đêm vì áp dụng công nghệ khoan Canada sẽ bắn tia laser để xác định 2 điểm đầu hai bờ với khoảng cách đến 600m, nên tất cả tàu thuyền qua lại hoặc neo đậu thời điểm này cần phải lai dời đi nơi khác. Chỉ cần lệch 1m là phải bỏ toàn tuyến cáp vì không thể sửa chữa, đấu nối cáp dưới nước được”, ông Dinh nói vậy và còn cho biết đang tranh thủ từng giờ đối với công trình này.
Mới khởi công giữa tháng 10-2012, nhưng đến nay ở cả hai bên bờ các hạng mục liên quan (trụ, trạm biến áp, đường dây…) đã sẵn sàng đợi đường cáp sang.
Tấm lòng đối với dân cồn
Anh Nguyễn Văn Đĩnh, Trưởng phòng VHTT-DL quận Bình Thủy, từng là chủ tịch phường này thời gian dài mà vẫn phải vừa đi vừa điện thoại, mới mò đến được nhà người quen. Đường đi lại trên cồn chỉ độc đạo bằng con đê nhỏ dọc theo bờ sông, bao quanh cả cồn. Nhà dân cất dưới mặt ruộng trong đê, thấp hơn đê 2 - 3m. Nhà này sang nhà kia phải đi xuyên qua vườn hoặc leo qua những nhánh cây đặt làm cầu… “Tôi ở đây từ năm 1956, từ đó tới giờ dân cồn chỉ xài bình. Nhà nào có đám phải chuẩn bị sạc mệt nghỉ. Đêm về, đám trẻ cứ nhìn sang bờ bên kia thấy đèn điện sáng trưng mà thèm, ước ao hoài, thấy tội”, ông Nguyễn Văn Tư, 85 tuổi ở đầu cồn Sơn trầm ngâm. Hơn 10 năm trước gia đình ông nằm trong gần 30 hộ được xài điện năng lượng mặt trời nhờ sự hỗ trợ của chính quyền, hội phụ nữ quận và ngân hàng. Một tấm năng lượng 6 x 5 tấc, xài rón rén lắm cũng chỉ được mấy tiếng cho 3 bóng đèn và cái ti vi trắng đen. Mấy năm trước phong trào nuôi cá tra xuất khẩu rầm rộ, dân nơi khác kéo về nên một số hộ gần đó ăn theo điện máy phát nhưng cũng chỉ được câu một giờ mỗi ngày. Điện thoại bàn không có nên dân cồn bắt buộc phải “chơi sang”, xài điện thoại di động và sạc pin cũng bằng bình ắc quy. “Nghe tin có điện ăn tết dân cồn mừng hết biết. Họ rục rịch gom tiền sắm tủ lạnh, ti vi màu cả rồi…”, ông Tư khoe.
Lọt sang cồn Sơn mới thấy dì Tư Nghĩa nói đúng: “Quận thì nội ô mà cồn Sơn dù chỉ cách đất liền khoảng 600m nhưng vẫn thăm thẳm như vùng sâu vùng xa. Đến bây giờ cồn vẫn “3 không”: không đường, không trường, không trạm. Nếu tính luôn 1/3 hộ dân không có điện, nước sạch để xài thì lãnh trọn... “5 không”.
Dân cồn chủ yếu làm vườn (nhãn, chôm chôm, vú sữa…) nhưng nhỏ lẻ, khó phát triển quy mô công nghiệp do hạ tầng còn nhiều hạn chế. Chị Nguyễn Thị Út, trưởng khu vực cồn Sơn trăn trở: “Nhiều hộ đã bỏ về đất liền. Cồn rộng khoảng 80ha, mới năm trước còn 85 hộ nay chỉ còn có 79 hộ dân với hơn 400 người. Thanh niên tha hương hết cả chỉ còn toàn người già và trẻ nít”.
Sau khi được nghiệm thu và đưa vào vận hành công trình 8 tỷ đồng, sẽ bàn giao không hoàn vốn cho ngành điện. “8 tỷ đồng là rất quý trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay nhưng đáng quý hơn, trân trọng hơn là tấm lòng của doanh nghiệp với dân xứ cồn. Đây thực sự là công trình dân sinh, cho dân, vì dân”, ông Lê Hoàng Nam, Bí thư Quận ủy Bình Thủy khẳng định. Có điện mới mong kích thích đầu tư, khai thác tiềm năng kinh tế - xã hội cồn Sơn, nơi đang có các dự án du lịch hướng đến và giữ chân giới trẻ ở lại với cồn.
VŨ THỐNG NHẤT