Khoáng sản và lời nguyền ăn mặn

Trong vòng 10 năm trở lại đây, khoáng sản là lĩnh vực màu mỡ thu hút nhiều doanh nghiệp. Suốt nhiều năm liền, ở các địa phương, giấy phép khai thác khoáng sản được cấp với tốc độ quá nhanh. Các nhà đầu tư khai thác khoáng sản, cả trong và ngoài nước, đều được hoan hỉ chào đón.

Trong sự hồ hởi quá mức ấy, có 2 câu hỏi quan yếu không được quan tâm và mổ xẻ một cách thực chất. Thứ nhất, năng lực thật sự của nhà đầu tư ra sao? Thứ hai, nhu cầu sử dụng khoáng sản trong nước sau 20 - 30 năm nữa và xa hơn như thế nào?

Câu hỏi thứ nhất trên thực tế đã đặt ra nhưng đa phần chỉ là chiếu lệ. Và nhiều nhà đầu tư đã nhanh chóng “trả lời” bằng quan hệ lợi ích riêng, thể hiện qua bôi trơn, hối lộ để nhanh chóng được cấp phép. Thực sự, nếu đảm bảo đầy đủ chi phí khắc phục môi trường sau khai thác, số dự án khai thác khoáng sản có lãi sẽ giảm rất nhiều so với báo cáo.

Các nhà đầu tư chụp giựt không hề muốn bỏ ra khoản chi phí này. Họ chỉ mau mắn nhảy vào khai thác bừa bãi, bán kiếm lợi nhuận lớn trong thời gian ngắn rồi bỏ đi, mặc kệ hậu quả.

Còn câu hỏi thứ hai, đã là quá xa xỉ cho tầm mức và năng lực quản lý đặt trên lợi ích cục bộ của cấp địa phương. Chẳng ai thèm nghĩ đến vấn đề ở tương lai không xa, nước ta tự đáp ứng được bao nhiêu nhu cầu khoáng sản, còn bao nhiêu phải nhập khẩu. Trong khi đó, ở tầm quốc gia, không có người điều phối để trả lời cho lợi ích chung, dài hạn. Mà đã không có câu trả lời cụ thể thì việc hoạch định tầm nhìn phát triển dựa trên lợi thế về tài nguyên chỉ là đoán mò.

Hàng loạt dự án lớn khai thác khoáng sản đã được triển khai rầm rộ. Đó là khai thác than (ở Quảng Ninh và đồng bằng sông Hồng), sắt (Hà Tĩnh), titan (ven biển miền Trung), sắt và bauxite (Tây Nguyên)... Khai thác thì ngày càng mở rộng trong khi quản lý lại bó hẹp ở các quy định lỏng lẻo và lạc hậu với tầm nhìn ngắn. Khoáng sản là tài nguyên quốc gia, nhưng thực tế, nó chỉ chủ yếu mang lại lợi ích lớn cho nhà đầu tư nắm dự án. Ở phương diện trái ngược, khai thác khoáng sản bừa bãi lại làm tăng tỷ lệ nghèo đói ở nhiều địa phương (nguồn: Trung tâm Con người và thiên nhiên).

Theo GS Đặng Hùng Võ, chuyên gia có uy tín trong lĩnh vực tài nguyên - môi trường, việc “ăn quỵt” môi trường đã xảy ra phổ biến. Nhưng thực chất, môi trường không cho ai “ăn quỵt” mà chỉ cho vay. Đó là khoản vay nặng lãi, vay một hôm nay, trả gấp ngàn lần trong tương lai.

Bài học về cái giá đắt của khai thác khoáng sản vì lợi ích trước mắt vẫn chưa cũ, ngay cả ở các quốc gia phát triển như Úc hay Hà Lan. Bị lóa mắt trước viễn cảnh giàu có nhanh nhờ khoáng sản, chính quyền địa phương ở các quốc gia này đã cấp phép cho khai thác ồ ạt. Sự thịnh vượng đã đến nhưng mau xẹp do tài nguyên suy giảm nhanh, còn môi trường càng suy thoái nhanh hơn.

Đã có một số ý kiến từ các chuyên gia và nhà hoạt động môi trường cho rằng cần đặt ra giả định “chúng ta không có tài nguyên khoáng sản”. Giả định ấy gắn với giải pháp là dừng hoàn toàn khai thác tài nguyên, để tập trung cho các ngành đòi hỏi phải phát triển chất xám để tăng việc làm và của cải. Tài nguyên khoáng sản là không tái tạo, vì vậy phải để dành toàn bộ cho các thế hệ tương lai. Song song đó, một phần đáng kể lợi nhuận từ khai thác khoáng sản phải chuyển vào quỹ dự phòng, để trả cho các thế hệ sau. Xét trong điều kiện hiện nay của Việt Nam, giả định này vẫn còn là một mơ ước. Tuy nhiên, chỉ đạo mới đây của Thủ tướng về thăm dò và khai thác khoáng sản trên phạm vi cả nước cũng là một hiệu ứng tạo ra những hy vọng. 

“Đời cha ăn mặn, đời con khát nước” là lời nguyền về sự trả giá. Sẽ không gì bù đắp được khi mối lợi khai thác khoáng sản chỉ thuộc về một số người ở hiện tại, còn mất mát vĩnh viễn lại thuộc về cả quốc gia, trong suốt nhiều thế hệ.

Vũ Thượng

Tin cùng chuyên mục