Khoảng trống cần khỏa lấp

Lâu nay dư luận đã nhiều lần đánh động về sự thiệt thòi trong hưởng thụ văn hóa tinh thần của người dân các quận huyện vùng ven. Đã có những công trình phúc lợi văn hóa ở một số địa phương sau khi xây dựng, nâng cấp tốn kém nhưng chỉ hoạt động cầm chừng ít tháng rồi bỏ hoang, xuống cấp trầm trọng, hoặc bị sử dụng sai mục đích. Hiệu quả sử dụng thấp dẫn đến thiếu vắng các hoạt động văn hóa cộng đồng, vui chơi giải trí. Hệ quả là gia tăng cách biệt về đời sống văn hóa giữa nội thành và những quận huyện vùng ven.

Thực tế đó dấy lên nỗi bức xúc, làm gì để giảm bớt sự chênh lệch về hưởng thụ văn hóa, nghệ thuật giữa các vùng để góp phần khỏa lấp dần khoảng trống đáng lo ngại này.

Thực ra, lâu nay, chính quyền TP đã dành nhiều nỗ lực xây dựng thiết chế văn hóa, những trung tâm văn hóa, nhà văn hóa… nhằm “phủ sóng” từ cấp TP đến các quận huyện, phường xã với mong muốn tạo nên một môi trường văn hóa, cảnh quan văn hóa, góp phần nâng cao đời sống tinh thần người dân.

Đã có nhiều cơ sở được đầu tư xây dựng mới hoặc sửa sang, nâng cấp với nguồn kinh phí không nhỏ. Và đã có không ít chương trình văn hóa nghệ thuật hướng về phục vụ bà con vùng sâu, vùng xa… Đó là những nỗ lực rất đáng ghi nhận, nhưng tiếc rằng vì nhiều lý do khách quan và chủ quan, nhiều nơi chưa đạt được hiệu quả tương xứng. Hệ quả, nhu cầu văn hóa, tinh thần của người dân chưa được đáp ứng. Như thế làm sao các giá trị văn hóa có thể lan tỏa, thẩm thấu sâu đậm vào đời sống và hoạt động xã hội, vào từng con người, từng nếp nhà, tạo ra đời sống tinh thần phong phú, góp phần nâng cao dân trí. 

Làm gì để phát huy được hiệu quả tốt nhất cho hoạt động văn hóa ở cơ sở hiện nay vẫn là nỗi ưu tư, trăn trở của những người tâm huyết. Thực tế cho thấy, không phải cứ có nhà văn hóa, trung tâm văn hóa là có đời sống văn hóa sôi động và bổ ích. Để phát huy hiệu quả hoạt động của các tâm điểm văn hóa, đi đôi với thiết lập cơ sở vật chất, trang thiết bị, còn đòi hỏi sự thông thoáng và linh hoạt của chính sách, cơ chế vận hành, sự thỏa đáng trong chế độ đãi ngộ và đặc biệt, hiện chúng ta rất cần một bộ máy nhân sự được tổ chức tốt. Cần chú trọng tạo lập được đội ngũ cán bộ nghiệp vụ giỏi về chuyên môn, biết gây dựng phong trào, có thể đưa ra những ý tưởng, hiến kế mới trong hoạt động, biết khơi dậy tiềm năng văn hóa nghệ thuật ở địa phương, có khả năng kết nối với các cá nhân và đơn vị nghệ thuật, biết học hỏi kinh nghiệm về cách tổ chức hiệu quả của các đơn vị bạn, có khả năng xây dựng những chương trình có sức hút, sức lan tỏa. Người tổ chức hoạt động văn hóa ở cơ sở cần quan tâm tới từng đối tượng khi xác định nội dung, hình thức cho mỗi dạng hoạt động, biết nắm bắt và theo sát nhu cầu thiết thân, đa dạng của người dân, tìm tòi sáng tạo các nội dung hình thức mới để phù hợp với từng đối tượng, khuyến khích quần chúng chủ động tham gia các hoạt động văn hóa với sự yêu thích say mê của cá nhân... 

Có lẽ chúng ta cần khảo sát, điều tra xã hội học về đặc điểm dân cư, về trình độ thưởng thức và nhu cầu thực của người dân để làm cơ sở khi xây dựng thiết chế văn hóa. Đồng thời phải rà soát lại cơ sở vật chất, kỹ thuật cũng như bộ máy nhân sự tại các quận huyện để có kế hoạch, giải pháp lâu dài. Làm sao khơi dậy được cảm hứng và sự nhiệt tình của công chúng trong thưởng thức và sáng tạo văn hóa, từ đó nâng dần chất lượng hoạt động, từng bước thu hẹp sự chênh lệch về hưởng thụ văn hóa, nghệ thuật giữa người dân nội thành và các quận huyện vùng ven và như thế hy vọng khoảng trống đáng buồn đó sẽ dần được khỏa lấp.

TRẦN BẠCH TUYẾT

Tin cùng chuyên mục