“Khoét” Vườn quốc gia Bạch Mã

Chặt cây vùng lõi
“Khoét” Vườn quốc gia Bạch Mã

Cùng với hàng loạt cây rừng cổ thụ đường kính cả mấy người ôm không xuể bị đốn hạ là nạn đào vàng trái phép đang diễn ra tại vùng lõi Vườn quốc gia Bạch Mã (Thừa Thiên - Huế).

Cây cổ thụ giữa vùng lõi Vườn quốc gia Bạch Mã bị đốn hạ chỉ còn trơ gốc.

Cây cổ thụ giữa vùng lõi Vườn quốc gia Bạch Mã bị đốn hạ chỉ còn trơ gốc.

Chặt cây vùng lõi

Khu vực Khe Mù thuộc Vườn quốc gia Bạch Mã được bao bọc bởi những ngọn núi cao gần 1.000m. Ngay giữa rừng cấm, trong vòng kiểm soát của lực lượng quản lý và bảo vệ rừng, nhưng nhiều cây rừng to lớn vẫn bị lâm tặc đốn hạ, cưa thành nhiều mảnh để dễ tuồn ra khỏi rừng. Sau nhiều lần xâm nhập thực tế thất bại, chúng tôi phải cải trang thành khách du lịch mới vượt qua được tai mắt của lâm tặc ở cửa rừng.

Gần nửa giờ chông chênh vượt hồ Truồi bằng thuyền mới đến được cửa rừng Khe Mù. Những tấm biển tôn cong queo, gỉ sét ghi cấm chặt cây, phá rừng và chăn thả động vật. Luồn sâu vào rừng là con đường độc đạo dẫn lên các đỉnh núi do người đi thu hái cây mây sử dụng và cũng là hướng di chuyển của lâm tặc và vàng tặc. Lại mất hơn một giờ nữa di chuyển qua những quãng đồi thấp, dòng Khe Mù ầm ì trước mặt. Đây là bước khởi đầu hành trình tìm đến các điểm chặt phá cây rừng tự nhiên và đào đãi vàng trái phép tại khu vực vùng lõi Vườn quốc gia Bạch Mã… Thêm hai giờ tiếp tục ì ạch bò dốc, hiện trường phá rừng xuất lộ, với những cây cổ thụ to lớn bằng cả 2 người ôm bị đốn hạ ngay cạnh lối đi. Đặc biệt, sau công đoạn đốn hạ thì việc cưa xẻ cây rừng được lâm tặc thực hiện ngay tại chỗ.

Người dẫn đường nhận định: “Khu vực này là vùng lõi Vườn quốc gia Bạch Mã dày đặc cây rừng to lớn và quý hiếm nên thay vì chặt phá bừa bãi, bọn lâm tặc đã lựa chọn những cây cổ thụ kích thước lớn nhất, có giá trị kinh tế cao, nằm ở vị trí thuận lợi để đốn hạ… Chỗ này chưa nhằm nhò gì đâu, các anh cứ đi rồi sẽ thấy tài nguyên rừng già chảy máu như thế nào”. Thật vậy, đường lên đỉnh núi nối tiếp những dốc cao, lối đi lẩn khuất trong rừng già. Cứ đi vài chục mét lại bắt gặp một điểm chặt phá cây rừng cổ thụ.

Tiếp tục tiến về vị trí cách đỉnh Đằm Cỏ chừng 400m, tiếng người í ới lẫn trong gió ngàn thoáng vọng từ trên cao. Thì ra đây là bãi đào vàng. Phát hiện người lạ, đám vàng tặc nhanh chóng lẩn thoát vào rừng già. Tại khu vực đào bới vàng vẫn còn ngổn ngang những xà beng, cuốc, ống nước cùng với thực phẩm, áo quần, nước uống. Đây là nơi tăm vàng, với chi chít các hố nhỏ, cùng nhiều hang hầm đào vàng giữa lòng núi. Bên cạnh một hầm vàng là chiếc khung giá ghép bằng thép, gỗ dùng để lắp động cơ diesel và máy sàng đãi vàng.

Đang trong mùa nắng, núi rừng trên cao độ hơn 700m so với mực nước biển kiệt nước. Tất cả đất đá vừa bốc xới lên khỏi mặt rừng đều được vàng tặc chuyển về dưới suối để sàng tuyển kim loại quý. Mục tiêu tiếp theo của chúng tôi là đỉnh Đằm Cỏ, với độ cao gần 800m. Sau hơn 45 phút chinh phục con dốc gần như dựng đứng, cả nhóm tới được đỉnh núi. Lại thêm một vùng đào vàng lộ ra trước mắt. Vàng tặc đào sâu vào rừng, những cây lớn bật gốc đổ ngã, chết khô. Cách hầm vàng vài bước chân về phía bên phải, 2 cây rừng cổ thụ có đường kính gần 1m bị đốn hạ trốc gốc. Tạt sang trái vài mét, thêm nhiều cây gỗ lớn bị hạ, đám mùn cưa vẫn còn mới…

Trời về chiều, chóp núi vần vũ mây đen, báo hiệu sắp có một trận mưa rừng dữ dội. Cả đoàn đành gác lại ý định chinh phục tiếp đỉnh núi cao gần 1.000m kế bên. Đường về ngang qua bãi vàng dưới con dốc đứng, tất cả vật dụng mà chúng tôi thấy hồi trưa đã được vàng tặc chuyển đi nơi khác.

Khó truy quét vì... sóng di động phủ rộng(!?)

Vì sao lâm tặc và vàng tặc lại dễ dàng hoạt động trong Vườn quốc gia Bạch Mã? Ông Huỳnh Văn Kéo, Giám đốc Vườn quốc gia Bạch Mã, không đi vào vấn đề chính mà lại quay sang thắc mắc về việc các phóng viên đóng làm khách du lịch để tiếp cận rừng sâu, khi chưa có ý kiến trao đổi trước với lãnh đạo vườn. Ngoài ra, thực tế phá rừng, đào vàng tại vùng Khe Mù và số liệu xử lý các vụ vi phạm trong vùng lõi do Vườn quốc gia Bạch Mã cung cấp, cho thấy một độ vênh khó hiểu. Theo Hạt kiểm lâm Vườn quốc gia Bạch Mã, từ đầu năm 2013 đến nay, chỉ có một vụ khai thác lâm sản trái phép tại Tiểu khu 375 - Khe Mù bị phát hiện, xử lý. Lâm sản tịch thu là gỗ tròn nhỏ lẻ, khai thác bằng phương pháp thủ công. Về khai thác vàng, lực lượng kiểm lâm vườn cũng chỉ xử lý hai vụ, trong khi thời điểm phóng viên tiếp cận vùng lõi Bạch Mã, vàng tặc vẫn ngang nhiên hoạt động.

“Tình trạng khai thác lâm sản tại vườn đã giảm đi khá nhiều so với trước đây. Việc quản lý người ra vào rừng rất phức tạp, do khách tham quan hồ Truồi số lượng lớn mỗi ngày, cùng với người vào rừng để thu hái lâm sản. Đây là mâu thuẫn giữa phát triển du lịch với quản lý bảo vệ rừng. Nếu cắm biển nội quy tại lối vào rừng thuộc hồ Truồi thì làm sao thu hút được khách du lịch” - ông Huỳnh Văn Kéo phân trần. Trong khi Phó hạt trưởng Hạt kiểm lâm Vườn quốc gia Bạch Mã Lê Văn Tự lại giải thích: “Lực lượng bảo vệ rừng của vườn còn mỏng, các đối tượng tác động vào rừng rất tinh vi; sóng di động phủ rộng, dễ lộ thông tin khi tổ chức truy quét”.

Vườn quốc gia Bạch Mã diện tích gần 37.500ha. Đây là vùng rừng nổi tiếng về vẻ đẹp tự nhiên hoang sơ và tài nguyên đa dạng sinh học, với nhiều loài động, thực vật quý hiếm. Khai thác vàng và nạn chặt phá cây rừng trái phép đang khiến môi trường vườn quốc gia này bị đe dọa nghiêm trọng. Đặc biệt, đối tượng vi phạm còn sử dụng hóa chất cyanua để đãi vàng ngay tại hiện trường hoặc ở những con suối quanh vùng.

VĂN THẮNG - NGỌC NGUYỄN

Tin cùng chuyên mục