Ngày 25-10-2010, tại KCN Dịch vụ Dầu khí Soài Rạp – Tiền Giang (là khu công nghiệp được Tập đoàn Dầu khí Việt Nam - PVN tiếp nhận lại từ Tập đoàn Công nghiệp Tàu Thủy - VINASHIN từ ngày 1-7-2010), Công ty CP Sản xuất ống thép Dầu khí-PVPIPE và Tổng Công ty CP Xây lắp Dầu khí - PVC đã tổ chức khởi công xây dựng nhà máy chế tạo ống thép (ảnh).
Thực hiện Quyết định số 926 của Thủ tướng Chính phủ về việc tái cơ cấu VINASHIN, PVN đã tiếp nhận một số đơn vị, dự án của VINASHIN trong đó có khu công nghiệp Tàu thủy Soài Rạp. Trong thời gian qua, PVN đã nhanh chóng tiếp nhận KCN Tàu Thủy Soài Rạp và chuyển thành KCN Dịch vụ Dầu khí Soài Rạp đồng thời triển khai rất nhanh các dự án ở KCN này. KCN Dầu khí Soài Rạp sẽ bao gồm nhà máy sản xuất ống thép, căn cứ dịch vụ dầu khí, các tổng kho xăng dầu, khí v.v… Để nhanh chóng đưa KCN dầu khí vào hoạt động, PVN đã chỉ đạo khẩn trương xây dựng nhà máy sản xuất ống thép tại KCN Dịch vụ Dầu khí Soài Rạp.
Trong thời gian qua, thực hiện chỉ đạo của PVN về việc đa dạng hóa các loại hình dịch vụ, các sản phẩm mới của PVN nhằm mục đích tiết kiệm kinh phí và ngoại tệ đáng kể trong việc nhập khẩu các loại ống thép hàng năm phục vụ cho các hoạt động của ngành dầu khí nói riêng và cả nước nói chung. Tăng tính chủ động trong nước, giảm sự phụ thuộc vào việc nhập khẩu từ các nước khác trong khu vực và thế giới. Dự án Xây dựng nhà máy ống thép được xây dựng với mục đích góp phần đảm bảo tính chủ động trong chiến lược phát triển cơ sở hạ tầng của PVC nói riêng và PVN nói chung. Dự án xây dựng Nhà máy chế tạo ống thép được xây dựng tại KCN Dịch vụ Dầu khí Soài Rạp - Tiền Giang trên diện tích 39,49 ha với tổng mức đầu tư trên 2.175 tỷ đồng, nhà máy có công suất 100.000 tấn/năm/ca, sử dụng dây chuyền công nghệ tiên tiến 3 - Roll Bending có xuất xứ từ Thụy Sĩ -EU, sản xuất ống đạt tiêu chuẩn API 5L phiên bản 44, dự kiến nhà máy sẽ vận hành và cho ra sản phẩm trong Quý IV/2011, và sẽ tiết kiệm 90 triệu USD/năm.
Nhà máy chế tạo ống thép do PVPIPE làm chủ đầu tư, PVC là Tổng thầu xây dựng. Trước mắt sản phẩm của nhà máy sẽ phục vụ cho Dự án đường ống khí Lô B - Ô Môn, dự án Nam Côn Sơn 2 và các dự án xây dựng các đường ống dẫn dầu, khí tại VN, giai đoạn tiếp theo nhà máy sẽ đầu tư bổ sung thiết bị tạo hình vào dây chuyền công nghệ sản xuất các loại ống thép kết cấu phục vụ những dự án chế tạo giàn khoan, các kết cấu kim loại, các dự án nhà máy lọc dầu, nhà máy nhiệt điện và các dự án chuyên ngành Dầu khí tại VN và các nước trong khu vực.
Khi nhà máy đi vào hoạt động ổn định sẽ thu hút khoảng 170 lao động, hàng năm sẽ nộp ngân sách nhà nước khoảng 200 tỷ đồng/năm. Nhà máy đi vào hoạt động góp phần thúc đẩy quá trình hội nhập và tăng trưởng kinh tế của địa phương và thúc đẩy một số ngành công nghiệp khác phát triển như công nghiệp khai thác, chế biến, luyện kim, gia công cơ khí, vận tải, xây dựng….
Hiền Vy