Thành phố Hồ Chí Minh - Những điểm sáng
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TPHCM lần thứ IX nhiệm kỳ 2010 - 2015 đề ra nhiệm vụ: Tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí thu nhập 12 triệu đồng/người/năm đến cuối năm 2015 cơ bản hoàn thành (còn dưới 2%). Gần 3 năm thực hiện nghị quyết, dự kiến cuối năm 2013, TP sẽ cơ bản không còn hộ nghèo (dưới 1%) có thu nhập dưới 12 triệu đồng/người/năm!
Trong hành trình về đích sớm ấy, TP vừa kiên trì xây dựng chương trình an sinh xã hội bao gồm nhiều mặt và theo từng đối tượng, vừa vận dụng sáng tạo các chính sách, đã thu hút được đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia, cùng tất bật lo toan với TP. Có nội lực của cộng đồng, các phong trào an sinh xã hội ngày càng lan tỏa, gắn kết mọi người trong giai đoạn khó khăn.
Người có giúp người khó
15 giờ, bà Võ Thị Thu (66 tuổi, ngụ phường 8, quận Phú Nhuận) chậm rãi cất bước ghé nhà 154/15 Nguyễn Trọng Tuyển - cơ sở làm hoa giấy của chị Võ Thị Thanh Nga. Biết người già mắt mờ, tay yếu, chị Nga giao cho bà Thu một bọc cánh hoa dơn, hoa huệ để về nhà kết. Nhận bọc cánh hoa kèm theo hơn 100.000 đồng tiền công kết hoa ngọc mai mấy hôm vừa rồi, bà Thu xuýt xoa: “Cũng đỡ lắm! Công việc không quá khó, vừa sức tuổi già. Ở nhà vừa trông nhà, trông cháu, tranh thủ cũng làm có đồng quà tấm bánh cho cháu.”
Còn chị Tô Thị Thùy Nhung (49 tuổi, ngụ phường 15, quận Phú Nhuận) cho biết, chị chọn đến cơ sở hoa giấy để làm việc với mức lương gần 3 triệu đồng/tháng vì chủ cơ sở rất chu đáo và hiểu từng gia cảnh của người làm. Chồng bị liệt hai chân nên những lúc mưa gió trở trời, chị Nhung lại tranh thủ đưa đón con đi học, rồi mới ghé cơ sở làm việc. Hay lúc nhà có việc, chị Nhung lại chạy qua chạy lại trông coi, sắp xếp việc nhà và đều được chị Nga tạo điều kiện. Ngoài làm ở cơ sở, chị Nhung còn lãnh thêm hàng về nhà để cùng chồng và con làm thêm.
Biết chị chủ rộng lòng với người kém may mắn, người nọ rỉ tai người kia rồi phường, hội gửi gắm, hiện cơ sở hoa giấy của chị Nga đang giải quyết việc làm cho hơn 50 lao động nghèo, khuyết tật. “Mình làm sao từ chối được! Thôi thì san sẻ, dựa vào nhau mà sống!” - chị Nga cắt nghĩa cho việc ai đến với chị cũng được nhìn người giao việc. Người nóng tính, chân tay run rẩy thì làm những chi tiết đơn giản. Người chăm chỉ, nhẫn nại thì gắn bọt xốp nhỏ li ti làm nhụy hoa… Nhiều khi người lao động làm chưa đạt, nhiều lỗi, chị Nga đều ra mặt nghe nơi thu mua thành phẩm góp ý nhưng về gặp người nghèo, người khuyết tật, chị lại xí xóa, nhẹ nhàng nhắc nhở để lần sau họ cẩn thận hơn. Đều là lao động có hoàn cảnh khó khăn nên chuyện xin ứng lương, vay tiền của chủ để lo ma chay, cưới hỏi, con ốm vợ đau rồi mua phương tiện đi lại là chuyện thường. Thậm chí, có người cầu may rủi, sa vào số đề, chị Nga vẫn tin tưởng động viên và giao việc cho họ làm với điều kiện hàng tháng trích lại một phần tiền công để trả nợ.
Vì thành phố giàu đẹp
Cùng với lối sống nhân ái, chan hòa, theo đồng chí Nguyễn Văn Rảnh, Trưởng ban Dân vận Thành ủy TPHCM, thế hệ công nhân lao động trẻ đang viết tiếp bài ca lao động vẻ vang. Bằng niềm hăng say, nhiệt tình trong sản xuất, kinh doanh, thanh niên, công nhân TP không ngừng sáng tạo, sống có trách nhiệm, nghĩa tình, góp phần tích cực vào việc xây dựng TP ngày càng giàu đẹp. Bí quyết để chị Phan Thị Huyền (29 tuổi, Xí nghiệp may Thịnh Phước - Công ty cổ phần May Sài Gòn 3) đứng đầu trong đợt thi đua “bông hồng năng suất” là luôn chú ý cải tiến, loại bỏ thao tác thừa. Không những làm tốt công đoạn may lưng của mình, chị Huyền còn tập làm nhiều công đoạn khác để hỗ trợ chuyền khi có công nhân nghỉ. Luôn tích cực cải tiến thao tác, nâng cao tay nghề, mức lương công nhân may của chị Huyền liên tục tăng từ 6,6 triệu đồng lên 7,8 triệu đồng (năm 2011), lên 9,7 triệu đồng vào năm 2012 và đạt hơn 10 triệu đồng vào tháng đầu năm 2013.
Để giúp các bạn trẻ hiểu rõ về chủ trương chính sách phát triển công, nông nghiệp và dịch vụ của TP, Thành đoàn TPHCM còn thiết kế cho học sinh, sinh viên, thanh niên tham quan các hoạt động sản xuất công nghệ cao, nông nghiệp công nghệ cao, một số công trình giao thông trọng điểm. Thanh niên nông thôn - những bông “hoa của đất” được hỗ trợ khởi nghiệp, chuyển giao kiến thức khoa học công nghệ, hỗ trợ con giống, cây giống chất lượng; giới thiệu một số doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm nông nghiệp. Gắn bó với ruộng đồng, đổ mồ hôi trên đồng nước hơn 4.500m², những tháng đầu năm 2013, anh Lê Minh Thạnh (ấp Bình Phước, xã Bình Khánh, huyện Củ Chi) đã thu lời hơn 1,2 tỷ đồng từ nuôi tôm thẻ chân trắng. Nhờ những người gắn bó với đồng ruộng như anh Thạnh, chất lượng cuộc sống người dân, bộ mặt nông thôn của TP ngày càng đổi mới.
Có thể nói, không những khơi dậy nội lực của cộng đồng, chương trình bảo đảm an sinh xã hội của TP đã khơi dậy lòng tin, ý chí, chịu khó lao động, tăng gia sản xuất của các tầng lớp nhân dân, nhất là người nghèo, công nhân lao động và các bạn trẻ. Sự vươn lên của mỗi người, của mọi người là sự vươn lên của TP.
“Giảm nghèo, tăng hộ khá” về đích sớm Theo Ban chỉ đạo chương trình giảm nghèo, tăng hộ khá TPHCM, mỗi năm TPHCM đào tạo nghề bình quân cho 11.000 lao động nghèo, giải quyết việc làm cho khoảng 34.000 lao động nghèo; miễn giảm học phí và các khoản đóng góp cho gần 60.000 con em hộ nghèo; cấp hơn 270.000 thẻ bảo hiểm y tế… Đáy nghèo của hộ dân TP đang dần được nâng lên và người nghèo luôn được cải thiện các nhu cầu cơ bản thiết yếu của đời sống. Bằng nhiều mô hình chăm lo một cách toàn diện trên các lĩnh vực đời sống thiết yếu của người nghèo, đến nay, TP chỉ còn hơn 28.000 hộ nghèo (chiếm gần 1,6% tổng hộ dân TP). Dự kiến, cuối năm 2013, TP sẽ cơ bản không còn hộ nghèo (dưới 1%) có thu nhập dưới 12 triệu đồng/người/năm. |
ĐƯỜNG LOAN - HỒNG HIỆP
>> Bài 1: Giữ vững vai trò đầu tàu