Càng gần đến tết cổ truyền dân tộc, các cấp chính quyền, tổ chức đoàn thể và các nhà hảo tâm ở TPHCM tổ chức nhiều hoạt động chăm lo người nghèo, cận nghèo như giúp vốn làm ăn, thăm hỏi, động viên, tặng quà tết... Tất cả chỉ mong sao bà con nghèo có thêm cái tết ấm cúng cùng gia đình, có thêm niềm tin và nghị lực để tiếp tục vươn lên chiến thắng cái nghèo đeo đẳng họ suốt bao lâu nay. Các hoạt động chăm lo dân nghèo đã làm cho không khí đón xuân Ất Mùi - 2015 ở TPHCM càng thêm ấm áp nghĩa tình - vốn được coi là thương hiệu truyền thống suốt 40 năm qua của Đảng bộ và nhân dân TPHCM.
Ngay từ đầu năm 2014, các phường - xã ở TPHCM dồn sức cho công tác giảm nghèo và nhờ đó, toàn TP hiện chỉ còn hơn 28.000 hộ nghèo (thu nhập 16 triệu đồng/người/năm trở xuống), chiếm tỷ lệ 1,45%. Đây là thành tích rất đáng khích lệ của Đảng bộ, nhân dân TPHCM trong thực hiện Chương trình “Giảm nghèo, tăng hộ khá” (giai đoạn 2014 - 2015) - một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội TPHCM trong nhiệm kỳ 2010 - 2015.
Để đạt kết quả này, TPHCM thực hiện đồng bộ các giải pháp, trong đó tập trung rà soát từng hộ nghèo, hộ cận nghèo, phân loại theo từng nhóm đối tượng để có giải pháp hỗ trợ phù hợp; tiếp tục huy động và sử dụng hợp lý các nguồn vốn ưu đãi để giúp hộ nghèo vay vốn; đẩy mạnh công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm; thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ về giáo dục, y tế, nhà ở, vệ sinh môi trường, trợ giúp pháp lý và các chính sách an sinh xã hội cho người nghèo…
Nhưng ở nhiều địa phương, việc giảm nghèo chưa thật sự vững chắc; số hộ nghèo, cận nghèo còn nhiều. Điều đáng quan tâm là nguy cơ tái nghèo luôn rình rập người nghèo, bởi chỉ cần một người trong gia đình vừa thoát nghèo chẳng may mắc bệnh phải điều trị dài ngày, hoặc gặp rủi ro trong buôn bán thì họ rất dễ quay trở lại diện nghèo. Bước sang năm 2015, trong bối cảnh kinh tế cả nước và TPHCM được dự báo tiếp tục còn nhiều khó khăn, nhưng lãnh đạo TPHCM vẫn luôn dành nhiều ưu tiên nguồn lực bảo đảm an sinh xã hội và công tác giảm hộ nghèo, tăng hộ khá.
Mục tiêu phấn đấu hết năm 2015, TPHCM cơ bản không còn hộ nghèo theo tiêu chuẩn mới (16 triệu đồng/người/năm trở xuống) và bắt đầu khởi động giảm nghèo đa chiều, trước mắt tổ chức tốt thí điểm mô hình này ở các quận 6, 11, Tân Phú và huyện Bình Chánh (giai đoạn 2014 - 2015).
Giảm nghèo đa chiều là một phương pháp đo lường nghèo mới, trong đó, tình trạng nghèo được xây dựng với nhiều chiều đói nghèo là thu nhập, giáo dục, y tế, tiếp cận hệ thống an sinh xã hội, chất lượng và diện tích nhà ở, dịch vụ nhà ở, tham gia các hoạt động xã hội, an toàn xã hội. Với việc áp dụng mô hình giảm nghèo đa chiều ở 4 quận - huyện, lãnh đạo TPHCM xem đây là một trong những cơ sở để xác định đối tượng nghèo một cách toàn diện, ban hành các chính sách giảm nghèo phù hợp, đề ra các giải pháp giảm nghèo đô thị đạt hiệu quả cao, từ đó giúp cho chương trình giảm hộ nghèo - tăng hộ khá được triển khai toàn diện, đảm bảo người nghèo được tiếp cận các dịch vụ cơ bản.
Việc giúp đỡ người nghèo thoát nghèo là một trong những nhiệm vụ chính trị vô cùng quan trọng không chỉ trong năm 2015 mà trong suốt cả nhiệm kỳ 2016 - 2020 của TPHCM và coi đây là công việc thường xuyên, liên tục, lâu dài của cả hệ thống chính trị. Để giảm nghèo đa chiều đạt hiệu quả thiết thực, đòi hỏi nguồn lực xã hội hóa rất lớn. Chúng ta có chủ trương “trao cần câu cá, chứ không nên trao con cá”, nhưng một khi người câu cá cả năm không câu được con cá nào, thậm chí nhiều lần làm mất cả cần câu thì phải xem xét lại cách giúp người nghèo.
Kể từ khi thực hiện chương trình xóa đói, giảm nghèo vào đầu những năm 90, TPHCM rất chú trọng đến công tác dạy nghề cho người nghèo và coi đây là giải pháp căn cơ để thoát nghèo bền vững. Song vì nhiều lý do khác nhau, người nghèo chưa hứng thú học nghề. Chính vì hạn chế trình độ học vấn, tay nghề và không có phương án làm ăn hiệu quả, nên nhiều hộ nghèo không dám vay tiền để làm ăn.
Do vậy, một nhiệm vụ không kém phần quan trọng trong thời gian tới là các cấp chính quyền, mặt trận và tổ chức đoàn thể tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục ý thức cho hộ nghèo, cận nghèo nhằm khơi dậy tính tự lực tự cường, khai thác lòng tự trọng con người nâng cao ý chí phấn đấu để vươn lên thoát nghèo, đi đôi với giúp đỡ, động viên, giám sát và uốn nắn những biểu hiện lệch lạc trong bộ phận người nghèo.
Cần nhắc lại rằng, bản thân chính sách xã hội cũng có tính hai mặt của nó. Nhiều chính sách gần như “cho không”, vô hình trung làm cho bộ phận người nghèo có tư tưởng ỷ lại, trông chờ vào chính sách ưu đãi của Nhà nước, mong hưởng thụ nhiều hơn là tự lực vượt khó. Thành ra mới có chuyện, nhiều người nghèo vừa được phường - xã ở TPHCM đưa ra khỏi danh sách nghèo, đã làm đơn xin chính quyền cho phép trở thành người nghèo để được hưởng các chính sách ưu tiên!
Giúp đỡ, động viên người nghèo tự vươn lên thoát nghèo bền vững là công việc lâu dài gắn liền với quá trình phát triển kinh tế - xã hội, nên cần thực hiện kiên trì, vững chắc chứ không nên vì thành tích mà các phường - xã gượng ép đưa người chưa hết nghèo vào danh sách thoát nghèo.
TUẤN SƠN