Khởi động phục hồi nền kinh tế, lãnh đạo địa phương cần hành xử khéo léo, linh hoạt với doanh nghiệp

Ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT cho rằng: “Để các doanh nghiệp bắt tay vào việc khởi động lại hoạt động sản xuất, điều cần thiết hiện nay là lãnh đạo các địa phương cần hành xử khéo léo và linh hoạt, cùng ngồi lại đối thoại với doanh nghiệp để tìm giải pháp mở rộng phát triển cho cả vùng”. 

 Hơn 350 đại biểu là lãnh đạo các tỉnh ĐBSCL, cộng đồng doanh nghiệp, cùng nhiều diễn giả đã tham dự hội thảo “Bức tranh kinh tế Việt Nam và ĐBSCL - dự báo kinh tế quý IV cùng  triển vọng năm 2022”. Hội thảo do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh tại Cần Thơ phối hợp cùng Cơ quan Thường trú Đài Tiếng Nói Việt Nam (VOV) tại ĐBSCL, tổ chức sáng ngày 1-10.

“Mở cửa để doanh nghiệp hoạt động trở lại trong bối cảnh hiện nay là yêu cầu cấp bách. 100 ngày tới là thời gian vàng để khôi phục kinh tế. Việt Nam đã mở cửa khởi động nền kinh tế. Cần nhanh chóng hoàn thành “cẩm nang” trong bối cảnh bình thường mới để các doanh nghiệp phát triển kinh tế”, Tiến sĩ Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam nhấn mạnh.

Tại hội thảo, các đại biểu đã cùng phân tích bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước trong đại dịch Covid 19 và những thách thức phải đối mặt, để các nhà quản lý địa phương và doanh nghiệp ĐBSCL nắm bắt, xây dựng chính sách và kế hoạch kinh doanh thích ứng trong giai đoạn phục hồi.

Khởi động phục hồi nền kinh tế, lãnh đạo địa phương cần hành xử khéo léo, linh hoạt với doanh nghiệp ảnh 1 Cùng với tôm, mặt hàng cá tra đang chịu tổn thất rất nặng do tác động từ dịch Covid-19

Theo VCCI Cần Thơ, dịch Covid-19 lần thứ 4 đã xảy ra trên phạm vi cả nước, đặc biệt tại các tỉnh phía Nam rất nghiêm trọng. Trong 8 tháng đầu năm, cả nước có gần 81.584 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới nhưng có đến 85.500  doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 24,2% so với cùng kỳ năm 2020.

Tại ĐBSCL - trung tâm sản xuất nông nghiệp và chế biến lương thực, thực phẩm lớn của cả nước, đã chịu tác động nặng nề. Hầu hết các nhà máy, xí nghiệp chế biến phải đóng cửa và ngừng hoạt động bởi dịch bệnh. ĐBSCL có 2.109 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh (tăng 23,70%), 4.557 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể (tăng 58,12%). Điều này cho thấy, số lượng doanh nghiệp rời khỏi thị trường ở khu vực ĐBSCL đang ngày gia tăng, do tác động của dịch Covid-19. Việt Nam đang có nguy cơ lỡ nhịp chuỗi cung ứng toàn cầu khi các thị trường lớn đang trong quá trình phục hôi kinh tế nối lại chuỗi cung ứng toàn cầu.

Khởi động phục hồi nền kinh tế, lãnh đạo địa phương cần hành xử khéo léo, linh hoạt với doanh nghiệp ảnh 2 Nông nghiệp tiếp tục được xem là trụ đỡ quan trọng của nền kinh tế hiện nay

Các tỉnh, thành phía Nam đang từng bước khống chế được dịch bệnh và mở cửa lại kinh tế, cho doanh nghiệp từng bước hoạt động trở lại. Đây là giai đoạn rất quan trọng để phục hồi kinh tế. Tại hội thảo, các đại biểu đã nhấn mạnh: Sự hồi phục của kinh tế của TPHCM sẽ là động lực quan trọng trong nền kinh tế vùng ĐBSCL và cả nước, để kết nối với thế giới. Các địa phương cần có kịch bản mở cửa kích hoạt kinh tế địa phương một cách linh hoạt.

 Ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT cho rằng: “Để các doanh nghiệp bắt tay vào việc khởi động lại hoạt động sản xuất cần có không gian phát triển cho cả vùng. Điều cần thiết hiện nay là lãnh đạo các địa phương cần hành xử khéo léo và linh hoạt cùng ngồi lại đối thoại với doanh nghiệp để tìm giải pháp mở rộng không gian phát triển cho cả vùng”.

Tại hội thảo, các đại biểu đã nhấn mạnh, lãnh đạo các địa phương cần loại bỏ tình trạng ngăn sông cấm chợ. Kiên định mở cửa kinh tế, các doanh nghiệp cần có phương án chuẩn bị tốt cho sản xuất, quá trình tái khởi động phục hồi nền kinh tế cần thực hiện nhanh và đồng bộ các gói hỗ trợ. Qua đó, giúp doanh nghiệp tăng sức chống chịu trước các tác động tiêu cực của dịch Covid-19, cùng biến đổi khí hậu.  

Tin cùng chuyên mục