Kỳ họp thứ 8 của Quốc hội khóa 13:
* Trình lại Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa
(SGGPO).- Sáng 16-7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghe và cho ý kiến về báo cáo đánh giá kết quả kỳ họp thứ 7 và việc chuẩn bị kỳ họp thứ 8 của Quốc hội.
Theo Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, bên cạnh những nội dung theo thông lệ của một kỳ họp cuối năm, riêng khối lượng xây dựng pháp luật tại kỳ họp thứ 8 cũng rất lớn, dự kiến chiếm tới 24 ngày rưỡi làm việc. “Với 30 dự án luật, 2 dự thảo nghị quyết được Quốc hội thông qua và cho ý kiến, đây là số lượng văn bản pháp luật kỷ lục mà Quốc hội xử lý tại một kỳ họp”, ông Nguyễn Hạnh Phúc nói. Trong đó, dự kiến Quốc hội sẽ thông qua 17 luật, 1 nghị quyết.
Quốc hội cũng dự kiến thực hiện giám sát việc thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế trong lĩnh vực đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và hệ thống ngân hàng theo Nghị quyết số 10/2011/QH13 của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011-2015. Tổng thời lượng của kỳ họp dự kiến là 35 ngày, làm việc 5 ngày thứ 7.
Góp ý về việc đánh giá kết quả kỳ họp thứ 7, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu cho biết, qua tiếp xúc sau kỳ họp, cử tri ghi nhận và đánh giá cao quan điểm, cách xử lý của Quốc hội về nhiều vấn đề, trong đó có vấn đề biển Đông. “Tuy nhiên, cử tri cũng bày tỏ băn khoăn về cách thức tổ chức sản xuất, tiêu thụ nông sản phẩm; bảo hiểm y tế, đào tạo sinh viên và bố trí việc làm; phạt đội mũ bảo hiểm giả...”, ông Giàu phát biểu.
Lưu ý về khối lượng công tác lập pháp rất lớn tại kỳ họp, nhiều thành viên UBTVQH đã kiến nghị những giải pháp quyết liệt nhằm nâng cao chất lượng, đẩy nhanh tiến độ xây dựng pháp luật.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý đề nghị chú trọng tổ chức các hội nghị ĐBQH chuyên trách; cải tiến cách thảo luận về các dự án luật theo hướng dứt điểm việc bàn bạc về sự cần thiết và phạm vi điều chỉnh tại lần cho ý kiến đầu tiên…
Không nên phân bổ thời gian kiểu chia đều cho các dự án luật; cụ thể là cần dành nhiều thời gian hơn cho dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương và Luật về Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt là ý kiến của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu. Trong khi đó, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân yêu cầu “điểm danh” cụ thể những dự án luật chuẩn bị lần đầu chưa tốt; thậm chí nêu rõ trách nhiệm của các ủy ban và Phó Chủ tịch Quốc hội chịu trách nhiệm thẩm tra chính các dự án luật. Bà Nguyễn Thị Kim Ngân thẳng thắn bày tỏ sự không hài lòng: “Tiến độ và chất lượng làm luật chưa đảm bảo đã là chuyện triền miên. Thời gian làm luật “ổn định và phát triển”; còn cơ quan thẩm tra luôn thì bị động vì không sớm có được trong tay văn bản chính thức để nghiên cứu cho thấu đáo”!
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng và nhiều thành viên trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành đề xuất của Chủ nhiệm Ủy ban VHGDTNTN&NĐ Đào Trọng Thi về việc trình bày các báo cáo rút gọn của cơ quan soạn thảo, thẩm tra trước Quốc hội. Theo đó, các báo cáo này chỉ tập trung vào những nội dung thật sự quan trọng và có nhiều quan điểm khác biệt; “dứt khoát chỉ nên 5-6 trang, trừ báo cáo về kinh tế xã hội và một số trường hợp rất đặc biệt” – đồng chí Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh. Chủ tịch Quốc hội cũng yêu cầu dành đủ thời gian để Quốc hội nghiên cứu, cho ý kiến về một số dự án luật quan trọng, trong đó có Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức Chính quyền địa phương…
| |
ANH PHƯƠNG