Dù được xem là “ngôi đền” của nghệ thuật nước nhà, nhưng thời gian qua Nhà hát lớn Hà Nội thường xuyên không thực hiện đúng công năng mà là địa điểm “đắc địa” cho các show ca nhạc, tạp kỹ, chương trình kỷ niệm, hội họp, văn nghệ quần chúng… của các đơn vị.
Tại TPHCM, Nhà hát Thành phố cũng thường xuyên được cho thuê làm nơi tổ chức các sự kiện văn hóa nghệ thuật và nhiều hoạt động khác. Tương tự, ở nhiều tỉnh thành khác, các thiết chế văn hóa quan trọng cũng được cho thuê mướn để nuôi chính sự tồn tại của mình.
Dẫu biết rằng các hoạt động này không phù hợp và tương xứng với công năng, đẳng cấp của một công trình kiến trúc - văn hóa có giá trị, song ngoài các chương trình có yếu tố nước ngoài như hòa nhạc Hennessy, Toyota…, kinh phí thuê địa điểm lên tới hàng chục triệu đồng mỗi buổi đang là rào cản lớn, khiến những loại hình nghệ thuật hàn lâm như ba-lê, nhạc cổ điển, nhạc kịch… khó tiếp cận những địa điểm này.
Chính vì thế, chủ trương tạo cơ chế ưu tiên khai thác Nhà hát lớn Hà Nội làm nơi biểu diễn các tác phẩm nghệ thuật có chất lượng do Bộ trưởng VH-TT-DL chỉ đạo thực hiện mới đây được giới nghệ thuật hồ hởi đón nhận. Bởi với rất nhiều nghệ sĩ, việc một lần trong đời được biểu diễn ở Nhà hát lớn luôn là giấc mơ, đồng thời, từ nay nhiều nhà hát sẽ hết cảnh “không có nhà để hát” như thường ca thán. Nhiều vở diễn được huy chương vàng, huy chương bạc tại các liên hoan sân khấu chuyên nghiệp... nay sẽ có cơ hội được ra mắt khán giả ở địa điểm sang trọng này.
Muốn có nghệ thuật đỉnh cao phải chăm lo bồi dưỡng nguồn nhân lực cho các ngành nghệ thuật. Đề án đào tạo đội ngũ diễn viên, nhạc công nghệ thuật dân gian dành cho các đơn vị nghệ thuật trong cả nước có nhiều đổi mới, sẽ tập trung tuyển các em có năng khiếu, vừa tốt nghiệp trung học cơ sở, độ tuổi 14 - 15 để đào tạo. Sở dĩ có thay đổi này vì theo thông lệ, việc tuyển học sinh theo học diễn viên, nhạc công chỉ được thực hiện khi đã tốt nghiệp lớp 12 phổ thông trung học. Khi trở về đơn vị công tác đến lúc trở thành diễn viên thực sự, hội tụ đủ tiêu chí “thanh, sắc, thục, tinh, khí, thần” thì tuổi đã cao. Vì thế, việc giảm độ tuổi tuyển chọn xuống còn 14 - 15, khi kết thúc khóa đào tạo các em sẽ trở thành diễn viên, nhạc công chuyên nghiệp và tốt nghiệp phổ thông trung học ở độ tuổi 17 - 18. Đây là độ tuổi “vàng” để các em trở về công tác tại đơn vị nghệ thuật và có thêm thời gian tích lũy kinh nghiệm thực tế, kéo dài tuổi nghề trong cuộc đời nghệ sĩ.
Bài học từ sự phát triển vượt bậc của điện ảnh Hàn Quốc cũng chính là bắt nguồn từ việc đầu tư thích đáng vào nhân lực. Trên thực tế, cuối những năm 80 của thế kỷ trước, nhận thấy nhu cầu phải đổi mới khẩn trương và toàn diện nền điện ảnh ốm yếu của mình, chính phủ Hàn Quốc đã có một quyết định đột phá khi tuyển chọn và gửi hàng trăm sinh viên ưu tú cùng lúc sang Mỹ học. Nguồn nhân lực sung sức được đào tạo đồng bộ, bài bản tại môi trường làm phim hàng đầu thế giới này sau khi về nước đã tạo ra một sự thay đổi kỳ diệu khiến cả thế giới phải kinh ngạc.
“Đất nước nào cũng cần có nghệ thuật đỉnh cao, là những tinh hoa đại diện của nền văn hóa dân tộc để quảng bá, giao lưu với thế giới. Tuy nhiên, ngay ở thủ đô lúc này, muốn xem một chương trình nghệ thuật đỉnh cao không dễ... Ta đang đi lạc đường, chạy theo các sự vụ tầm thường trong khi nhiệm vụ đích thực của bộ là phát triển nghệ thuật đỉnh cao, bảo tồn truyền thống…”, tân Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Nguyễn Ngọc Thiện thẳng thắn thừa nhận tại một cuộc họp gần đây.
Chính vì vậy, nhiệm vụ hàng đầu của Bộ VH-TT-DL tại thời điểm này chính là hướng tới việc xây dựng và phát triển nghệ thuật đỉnh cao. Định hướng này đang khơi dậy khát vọng và sự hứng khởi đối với nghệ sĩ.
MAI AN