Khơi thông dòng vốn

Cuối cùng, điều mà cộng đồng doanh nghiệp (DN), nhất là các tổ chức tín dụng (TCTD), trong đó có hệ thống ngân hàng thương mại (NHTM), mong mỏi hơn một năm nay đã trở thành hiện thực. Đó là từ ngày 26-2-2010, các TCTD được phép áp dụng cơ chế lãi suất thỏa thuận (LSTT) với các khách hàng vay trung và dài hạn nhằm đáp ứng nhu cầu vốn sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và đầu tư phát triển.

Các khoản vay để trực tiếp phục vụ đời sống của cá nhân và gia đình cùng khoản vay tiêu dùng thông qua nghiệp vụ phát hành và sử dụng thẻ tín dụng cũng được giải quyết theo cơ chế trên. Mặc dù vẫn chưa áp dụng LSTT hoàn toàn đối với thị trường tiền tệ nhưng chính sách mới trên của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng đã là bước đột phá lớn, tạo cú hích tích cực, mạnh mẽ đối với nền kinh tế nước ta trong giai đoạn hiện nay.

Từ hơn một năm qua, chỉ có quan hệ giữa các TCTD và các khách hàng vay tiêu dùng là khá sòng phẳng, còn đa số DN sản xuất kinh doanh vay vốn thường gặp khó khăn. Với quy định trần LS cho vay tính theo lãi suất cơ bản (LSCB) và Luật Dân sự trong lúc đầu vào khan hiếm, các NHTM đã hạn chế cho vay hoặc cho vay kèm theo bằng nhiều loại phí, đẩy LS vay vốn thực mà DN phải trả vượt khỏi trần LS khá cao.

Công bằng mà nói, chính sách trần LS dựa trên LSCB và Luật Dân sự cũng có tác dụng nhất định. Từ nhiều năm qua, LSCB luôn được sử dụng làm công cụ để kiềm chế lạm phát và ổn định thị trường. Đặc biệt là trong năm 2008, cơ chế này đã chứng tỏ tính hiệu quả cao. Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay, chính sách trên đã trở nên lỗi thời và bộc lộ những điểm tiêu cực.

Theo TS Dương Thu Hương, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, LSCB vẫn không phải là LS thực và việc hình thành nó thiếu cơ sở khoa học; cơ chế cho vay lâu nay mang nặng tính hành chính và chỉ phù hợp khi thị trường không ổn định. Do vậy, dù LSCB có được điều chỉnh thường xuyên nhưng vẫn là “cái rọ” chật chội chứ không linh hoạt bằng cơ chế LSTT theo quan hệ cung cầu.

TS Hồ Diệu, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Ngân hàng TPHCM, cho rằng LSCB ở nước ta hiện nay khác xa với LSCB theo thông lệ quốc tế, LSCB của Việt Nam là LS “cưỡng bức”, không biểu thị quan hệ cung cầu tín dụng thật sự và hạn chế sự cạnh tranh trong kinh doanh của các TCTD. Không những vậy, lúc này là thời kỳ hậu khủng hoảng, nền kinh tế cần gượng dậy và tăng tốc. Các DN bắt đầu đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, lĩnh vực đầu tư cũng khởi sắc nên nhu cầu vốn sẽ gia tăng. Vì vậy, hoạt động tín dụng cần được kích hoạt mạnh hơn bằng cơ chế LSTT.

Với chính sách LSTT, các dự án và phương án đầu tư trung và dài hạn đảm bảo hiệu quả và mang lại lợi ích lâu dài sẽ hưởng lợi; và với những dự án này, rõ ràng nền kinh tế sẽ phát triển có căn cơ hơn. Tất nhiên, nhiều khả năng mặt bằng LS cho vay sẽ cao hơn hiện tại, LS huy động sẽ chạy theo chỉ số CPI. Tuy nhiên, điều này sẽ giúp thị trường tiền tệ không còn biến dạng, đồng vốn được định giá chính xác hơn, tính chủ động, linh hoạt và khả năng thanh khoản của các TCTD sẽ cao hơn, rủi ro tín dụng trong hệ thống NHTM sẽ giảm đi.

Với cơ chế này, DN sẽ có trách nhiệm cao hơn khi sử dụng nguồn vốn vay; sẽ phải cân nhắc kỹ càng hơn về lợi ích và hiệu quả của dự án cũng như sẽ năng động hơn trong việc tìm kiếm nguồn vốn chứ không chỉ trông chờ vào vốn NHTM. Đã đến lúc thị trường tiền tệ cần được đối xử như thị trường hàng hóa, nghĩa là LS  (chi phí giá cả) phải được hình thành trên quan hệ cung cầu theo tín hiệu thị trường. Đây là cơ chế phù hợp với xu thế hội nhập kinh tế quốc tế, nhất là khi VN đã gia nhập WTO.

T.H.LIÊM

Tin cùng chuyên mục