Số lượng học sinh, sinh viên của nước ta lên tới hơn 22 triệu em. Đây chính là những khách hàng tiềm năng của ngành du lịch. Thế nhưng đến hẹn lại lên, vào dịp nghỉ hè, cuối tuần, nhiều phụ huynh phải đôn đáo tìm chỗ cho con vui chơi, học tập kỹ năng sống. Trong khi đó, không ít doanh nghiệp lữ hành than vắn thở dài, “treo niêu” vì ít khách.
Cơ hội lớn, nhưng...
Bà Nguyễn Thị Khánh, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch TPHCM, nhìn nhận thị trường du lịch học đường khá “nóng”, giàu tiềm năng. Đây là thị trường du lịch đặc thù, chuyên biệt. Trong bối cảnh lượng khách du lịch thuần túy có phần sụt giảm trong thời gian gần đây, đối tượng khách du lịch học đường được kỳ vọng là thị trường khai thác hấp dẫn.
Nhiều công ty du lịch tại TPHCM cho biết, họ đã nhận được nhiều lời đề nghị tổ chức các tour ngoại khóa, du lịch tới Singapore, Nhật Bản… từ các trường phổ thông trên địa bàn TP. Thời gian dành cho các tour này thường kéo dài từ 1 - 2 tuần. Một công ty du lịch lớn ở TPHCM cũng nhận được đơn đặt hàng tour xuyên Việt và quốc tế dành cho sinh viên chuyên ngành du lịch dịp cuối năm 2016. Tuy nhiên, đây vẫn là những đơn hàng hiếm trong lĩnh vực tour cho học sinh, sinh viên. Hầu hết các trường tiểu học, trung học hàng năm đều có chương trình đưa các cháu đi tham quan, học tập kiến thức địa lý, lịch sử, nhưng chương trình tour nghèo nàn, chỉ loanh quanh mấy bảo tàng, công viên nước, khu giải trí quanh TPHCM... Chị Nguyễn Thu Mai, một phụ huynh có con học tiểu học tại quận Bình Thạnh, phản ánh, năm nào bé nhà chị cũng tham quan các địa điểm cũ, với lịch trình quen thuộc, nhàm chán, khiến các cháu không muốn tham gia.
Làm tour cho học sinh có khó không? Theo ông Nguyễn Văn Mỹ, Trưởng ban Hướng dẫn viên Hiệp hội Lữ hành Việt Nam, các hướng dẫn viên đi loại hình tour này phải có nghiệp vụ chuyên môn, kỹ năng sư phạm. “Những người làm tour này phải rất tâm huyết, yêu trẻ; đặc biệt là tour dành cho học sinh lứa tuổi tiểu học. Bên cạnh đó, hướng dẫn viên phải lưu ý đến tác phong, cách ăn mặc, ứng xử… sao cho phù hợp; tránh làm gương xấu để các em nhỏ bắt chước”.
Còn ông Bùi Bá Thanh Phương, Giám đốc Công ty Du lịch Nắng và Gió (TP Phan Rang - Tháp Chàm, Ninh Thuận), cũng chia sẻ, tour du lịch dành cho học sinh cần chú trọng nâng cao kiến thức, kỹ năng sống; đồng thời giúp các em vui chơi thoải mái.
Các sinh viên chuyên ngành du lịch tại TPHCM tham gia tour xuyên Việt
Phát triển du lịch học đường, giáo dục kỹ năng sống
Giám đốc một công ty du lịch từng ví von, chúng ta đang ngồi trên “mỏ vàng” (ý nói hơn 22 triệu khách du lịch học đường) nhưng vẫn khóc ròng vì chưa biết cách khai thác. Vậy làm sao để khai thác du lịch học đường hiệu quả?
Đi tìm lời giải bài toán du lịch học đường, TS Vũ Khắc Chương, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật và Du lịch Sài Gòn, nhận xét đây là phân khúc khách hàng lâu dài và ổn định của ngành du lịch. Thế nhưng, không ít nhà trường chưa xem việc đưa học sinh, sinh viên đi du lịch để nâng cao thêm kiến thức như một chương trình học ngoại khóa, học thực tế, mà vẫn quan niệm đi chơi là chính. Trong khi các trường quốc tế xem tour du lịch ngoại khóa là một phần bắt buộc của chương trình học, sau chuyến du hành là các bài kiểm tra kiến thức thực tế, và phí cho tour học ngoại khóa tính vào trong học phí hàng năm, thì các trường công lập theo hệ thống giáo dục của ta lại chưa đầu tư cho hoạt động này. Do du lịch học ngoại khóa chưa được xem trọng trong chương trình học, nên khó vận động phụ huynh đóng phí, vì vậy, tour thường giao cho các tổ bộ môn sử, địa tổ chức với chi phí càng thấp càng tốt, do vậy chỉ loanh quanh một số điểm tham quan quen thuộc, thiếu hấp dẫn.
“Nên chăng, ngành giáo dục và các công ty du lịch cùng ngồi lại với nhau để đưa ra các tour du lịch học tập với giá thành hợp lý, nhiều sáng tạo, chất lượng. Phụ huynh, nhà trường, công ty du lịch nên xem du lịch học đường là việc đầu tư cho tương lai. Theo tôi, đây là ngành nghề chuyên biệt nhằm phục vụ đối tượng đặc thù nên rất cần có sự ưu đãi liên quan đến thuế, giá cả…”, TS Vũ Khắc Chương hiến kế.
Khảo sát sơ bộ của một số đơn vị chuyên doanh lữ hành cho thấy, số công ty, đơn vị cung ứng tour du lịch học tập dành cho học sinh, sinh viên nước ta hiện nay khá nhiều. Nhưng có điều lạ, không hiếm công ty từng là những đơn vị lữ hành tên tuổi, đột nhiên chuyển sang khai thác thị trường khác. Lãnh đạo Công ty Du lịch L.V., một trong những đơn vị có thế mạnh về du lịch học đường nhưng nay đã đổi hướng, chia sẻ, thời điểm đầu, dù không lời nhiều, nhưng bù lại có khách hàng đông nên công ty cũng ổn. Thế nhưng, vài năm sau, hàng loạt công ty nhỏ ra đời, tung đủ chiêu cạnh tranh thiếu lành mạnh, khiến L.V. phải rẽ hướng.
“Nếu còn ở lại, tiếp tục khai thác thị trường chuyên biệt cho đối tượng học trò, nguy cơ đóng cửa công ty rất lớn”, đại diện Công ty Du lịch L.V. chua chát nói. Lãnh đạo một công ty du lịch khác cũng than thở, ông chán lắm cái cảnh phải “lại quả”, chi hoa hồng cao để thắng thầu, được nhận tour… Đó cũng là lý do công ty ông phải chuyển hướng hoạt động.
Rõ ràng, có những góc khuất về du lịch học đường mà chỉ người trong cuộc mới hiểu. Chính điều này đã và sẽ ảnh hưởng đến chất lượng các tour du lịch dành cho đối tượng du khách đặc biệt này. Mặc dù thị trường “ngách” trên được đánh giá hấp dẫn nhưng cũng lắm chông gai. Nếu muốn làm tốt, lành mạnh thị trường, cần lắm tâm huyết của ngành giáo dục cũng như của các hãng lữ hành.
THI HỒNG