Khơi thông hệ sinh thái phát triển

Hôm nay 13-10, cả nước hồ hởi kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam, một sự thừa nhận và đánh giá cao của Nhà nước về vai trò của lực lượng doanh nhân trong công cuộc kiến quốc, xây dựng đất nước phồn vinh.

Bối cảnh mới của đất nước với tiến trình hội nhập ngày càng mở rộng, cơ hội mới to lớn đang mở ra, khi Nghị quyết Đại hội XII của Đảng xác định: Mọi doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế đều phải hoạt động theo cơ chế thị trường, bình đẳng và cạnh tranh theo pháp luật. Hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích tạo thuận lợi phát triển mạnh kinh tế tư nhân ở hầu hết các ngành và lĩnh vực kinh tế. Hoàn thiện chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp. Khuyến khích hình thành các tập đoàn kinh tế tư nhân đa sở hữu và tư nhân góp vốn vào các tập đoàn kinh tế nhà nước...

Cụ thể hóa chủ trương này, Chính phủ đưa ra mục tiêu đến năm 2020 có 1 triệu doanh nghiệp hoạt động và phương châm hành động: Chính phủ phục vụ, kiến tạo, liêm chính. Đi liền với đó là các giải pháp quyết liệt được triển khai như ban hành Nghị quyết 19 về việc tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh; Nghị quyết 35 về phát triển doanh nghiệp đến năm 2020; Xây dựng dự thảo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; dự thảo Luật sửa đổi các luật đầu tư, kinh doanh do yêu cầu bức thiết của thực tiễn phải tương thích với các bộ luật khác, nhằm khơi thông môi trường đầu tư, kinh doanh và loại bỏ các ràng buộc phi lý làm thui chột động lực phát triển...

Niềm tin được củng cố, số lượng doanh nghiệp thành lập mới thời gian gần đây liên tục gia tăng. Theo Bộ Kế hoạch - Đầu tư, tính đến cuối tháng 9-2016 cả nước có 590.000 doanh nghiệp đang hoạt động. Và với tiến độ này, mỗi năm nước ta có thêm 120.000 - 150.000 doanh nghiệp mới; đặc biệt TPHCM đặt mục tiêu đến năm 2020 có 500.000 doanh nghiệp, Hà Nội 370.000 doanh nghiệp; tăng hơn 2 lần so với hiện nay. Đây là tín hiệu tốt lành cho thấy hệ sinh thái phát triển đã được khơi thông và mục tiêu đạt 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020 là khả thi, thậm chí có thể đạt kết quả cao hơn.

Số lượng doanh nghiệp phát triển mạnh là điều đáng mừng, song chất lượng doanh nghiệp trong nước là vấn đề đáng lưu tâm. Đến nay câu hỏi đau đáu vẫn đặt ra: Vì sao doanh nghiệp Việt Nam không lớn được? Thực tế thành tích xuất khẩu nước ta đang nằm trong tay các doanh nghiệp FDI. Nhìn vào “rổ hàng hóa” xuất khẩu của Việt Nam, các doanh nghiệp nội địa chỉ làm được các công đoạn thấp nhất trong chuỗi giá trị, vỏ, bao bì, gia công... với lao động lắp ráp giản đơn. Còn ngành công nghiệp nặng về khai thác tài nguyên, xuất nguyên liệu thô, giá trị gia tăng thấp. Trong sân chơi hội nhập, nếu không theo kịp tiêu chuẩn quốc tế, sản xuất theo chuỗi giá trị, doanh nghiệp Việt sẽ bị đẩy ra rìa, tụt lại đằng sau, chấp nhận vị thế bị xâm lấn, thôn tính.

Cuộc sống không chờ đợi ai. Trong khi chúng ta đang loay hoay thúc đẩy khởi nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thì thế giới đang bước vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 - kỷ nguyên số hóa, sẽ có sự đảo chiều mạnh về thương mại và đầu tư. Các tập đoàn lớn có xu hướng quay về chính quốc, sử dụng công nghệ tự động hóa để giảm chi phí lao động, lao động giá rẻ không còn là ưu thế. Tổ chức Lao động quốc tế ILO qua khảo sát 25 nền kinh tế, dự báo đến năm 2020 sẽ có thêm khoảng 1,6 tỷ người thất nghiệp. Cuộc cách mạng công nghệ số mở ra nhiều cơ hội mới, nhưng người chiến thắng chỉ thuộc về những đầu óc sáng tạo, nắm trong tay công nghệ mới; sức mạnh không thuộc về tiềm năng vốn, tài nguyên, lao động như trước.

Đội ngũ doanh nhân Việt Nam được nhìn nhận đầy khát vọng, nhạy cảm và năng động với tín hiệu thị trường, sẽ vượt qua thách thức và tận dụng cơ hội giai đoạn mới ra sao? Trao đổi với lãnh đạo một số doanh nghiệp, nhiều vị cho biết doanh nghiệp nước ta vẫn lo “chết vì cơ chế”, chứ không phải vì sợ cạnh tranh. Để phát triển và thích ứng thời cuộc, họ không cần Nhà nước chỉ việc, bảo hộ mà cần môi trường thuận lợi, an toàn, dễ tiên liệu... để đưa ra ý tưởng và thực hiện các kế hoạch kinh doanh dài hạn, bài bản. Để làm được việc này sự điều hành của Chính phủ và đội ngũ công chức thực thi có vai trò vô cùng quan trọng, phải thực sự liêm chính, vì dân.

Kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam năm nay, giới doanh nhân có thêm nhiều niềm vui. Tại lễ trao giải Doanh nhân trẻ xuất sắc 2016, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong phát biểu: Năm 2016 được xem là năm định hướng xây dựng “Thành phố khởi nghiệp”, kiến tạo nền tảng để hướng đến xây dựng môi trường kinh doanh có năng lực cạnh tranh cao; đảm bảo đến năm 2020 thành phố có ít nhất 500.000 doanh nghiệp hoạt động, khu vực tư nhân đóng góp khoảng 65% GRDP của thành phố. TPHCM sẽ tạo cơ chế, nền tảng để thành phố có nhiều doanh nghiệp lớn, vươn tầm quốc tế...

Tại lễ phát động phong trào thi đua “Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập - phát triển” mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương thực hiện 3 đồng hành, 5 hỗ trợ. 3 đồng hành (cải cách thủ tục hành chính, hoàn thiện thể chế pháp luật, đối thoại tham vấn doanh nghiệp) và 5 hỗ trợ (hỗ trợ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, kiến tạo môi trường thuận lợi, xây dựng thương hiệu, đào tạo nguồn nhân lực) hứa hẹn sẽ khơi thông hệ sinh thái phát triển, sản sinh mạnh mẽ đội ngũ doanh nghiệp - doanh nhân thế hệ mới.

Doanh nhân Việt Nam sẽ lớn mạnh thật sự, vươn tầm chuẩn mực toàn cầu khi cơ chế, môi trường kinh doanh để doanh nghiệp hoạt động được giải phóng. Với ý nghĩa đó từ số báo này, Báo SGGP mở trang chuyên đề: “Thúc đẩy khởi nghiệp, đồng hành cùng doanh nghiệp” nhằm ghi nhận ý kiến, đề xuất, hiến kế của các nhà nghiên cứu, giới doanh nhân, các cơ quan chức năng, bạn đọc... nhằm góp phần kiến tạo, xây dựng lực lượng doanh nhân dân tộc vững mạnh, đi đầu trong công cuộc kiến quốc. Báo SGGP mong mỏi nhận được các bài viết tâm huyết trên nhiều lĩnh vực của các tác giả.

LÊ TIỀN TUYẾN

Tin cùng chuyên mục