Khơi thông sản xuất, tiêu dùng

Cuối tuần qua, do vợ đi công tác, bạn tôi buộc phải xách giỏ đi chợ. Là người được đào tạo bài bản, từng tu nghiệp ở nước ngoài, lại chuyên tâm nghiên cứu kinh tế vĩ mô, anh thật sự ngỡ ngàng sau một vòng dạo chợ. Chia sẻ với bạn bè, anh như người bừng tỉnh sau cơn mê dài bởi những thông số, biểu đồ, chiến lược… mà anh dày công nghiên cứu khác xa với thực tế đang diễn ra hàng ngày. Hình ảnh nhiều gian hàng bị bỏ trống, cảnh mua bán đìu hiu, nhiều bà con tiểu thương thở vắn, than dài cho biết mấy tháng qua tiền lãi không đủ đóng các loại thuế, phí chứ nói gì đến chuyện nuôi sống cả gia đình… đã khiến anh mất ngủ!

Thực tế, không chỉ ở khu chợ mà bạn tôi vừa mục sở thị mà ở phần lớn các chợ, siêu thị… sức mua đã giảm rõ rệt trong thời gian qua. Tác động từ cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu và những khó khăn của nền kinh tế trong nước khởi phát từ cuối năm 2007, đầu năm 2008 không còn là chuyện được đề cập ở đâu xa xôi mà đã xuất hiện trong bữa ăn của rất nhiều gia đình.

Thông thường, khi kinh tế khó khăn, người tiêu dùng sẽ tạm ngưng các khoản mua sắm chưa thật sự cần thiết. Điều này đã bắt đầu xuất hiện vào cuối năm 2012 và dần lan rộng từ đầu năm 2013 đến nay. Đó là nguyên nhân khiến hàng loạt siêu thị điện máy buộc phải đóng cửa vì sức mua giảm mạnh, lợi nhuận không đủ bù đắp chi phí. Nhưng với thực phẩm, cách đây vài ba năm, ít ai có thể hình dung sức mua lại giảm như hiện nay. Việc nhiều gia đình thắt chặt chi tiêu đối với các nhu yếu phẩm, nhất là thực phẩm cho thấy những khó khăn của nền kinh tế đã thật sự “ngấm” sâu vào đời sống xã hội chứ không còn là những câu chuyện mang tầm vĩ mô trên bàn giấy hoặc trên các phương tiện truyền thông.

Bên cạnh những khó khăn ngày càng lộ rõ, không ít người dân còn có tâm lý lo ngại và chuẩn bị sẵn sàng đối phó tương lai bất định với kịch bản không mấy sáng sủa của nền kinh tế. Điều đó cho thấy niềm tin người dân với sự phục hồi của nền kinh tế còn khá mong manh, nhất là khi không ít kế hoạch cải cách không diễn ra trôi chảy và tình trạng tham nhũng, lãng phí chưa được khắc phục một cách căn cơ.

Tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII diễn ra sáng 21-10, bên cạnh những mặt làm được, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nêu ra hàng loạt giải pháp nhằm tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, bảo đảm tăng trưởng hợp lý. Trong đó, nổi bật là hạn chế phát sinh và đẩy nhanh xử lý nợ xấu; ưu tiên vốn tín dụng cho nông nghiệp, nông thôn, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ, công nghệ cao; tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận vốn; thực hiện có hiệu quả gói hỗ trợ nhà ở xã hội và tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản; tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế…

Việc thẳng thắn chỉ ra những yếu kém, hạn chế của nền kinh tế cũng như đề ra hàng loạt giải pháp cho thấy quyết tâm cao của Chính phủ trong việc khắc phục khó khăn, xây dựng một nền kinh tế năng động, hiệu quả. Vấn đề đặt ra là khâu tổ chức triển khai, thực hiện hiệu quả đến đâu. Vì không phải đến nay các “căn bệnh” trầm kha của nền kinh tế mới được phát hiện mà đã được các chuyên gia, nhà quản lý “chẩn đoán, kê toa” từ mấy năm trước. Trên thực tế, việc “chữa trị” trong thời gian qua chưa thật sự hiệu quả, trong đó không ít trường hợp bệnh tình ngày càng nặng thêm. Nguyên nhân không chỉ bởi sự yếu kém mà còn do việc xác định trách nhiệm cá nhân chưa rõ ràng, các vấn nạn như lợi ích nhóm, tham nhũng, lãng phí… vẫn tiếp diễn. Đó là một trong những nguyên nhân khiến niềm tin của không ít người tiêu dùng giảm sút nghiêm trọng thời gian qua, lui về tư thế co thủ.

Để phục hồi và phát huy sức mạnh của nền kinh tế, bên cạnh hàng loạt giải pháp vĩ mô, không thể không quan tâm đến việc kích cầu, khơi thông sản xuất. Khi hàng hóa được sản xuất và tiêu thụ mạnh, hàng chục vạn công nhân có việc làm, hàng vạn doanh nghiệp có vốn để tái đầu tư, hàng triệu người tiêu dùng được đáp ứng các nhu cầu mua sắm, nền kinh tế mới có thể bừng tỉnh sau một giấc ngủ dài. Còn nếu tình trạng sản xuất đình đốn, tiêu thụ giảm sút như hiện nay tiếp tục kéo dài chắc chắn sẽ gây ra nhiều hệ lụy, nền kinh tế còn chậm phục hồi.

TÔ ĐÌNH TUÂN

Tin cùng chuyên mục