Khơi thông thị trường tiền tệ

Việc tháo gỡ, cho phép các NHTM cho vay lãi suất thỏa thuận đối với tín dụng trung-dài hạn được dự báo là đòn bẩy giúp các NHTM phát triển mạnh tín dụng trong tháng 3. Tuy nhiên, theo nhận định của các chuyên gia, cần có thêm nhiều giải pháp giúp khơi thông dòng vốn tín dụng NH.
Khơi thông thị trường tiền tệ

(SGGP-ĐTTC).- Việc tháo gỡ, cho phép các NHTM cho vay lãi suất thỏa thuận đối với tín dụng trung-dài hạn được dự báo là đòn bẩy giúp các NHTM phát triển mạnh tín dụng trong tháng 3. Tuy nhiên, theo nhận định của các chuyên gia, cần có thêm nhiều giải pháp giúp khơi thông dòng vốn tín dụng NH.

Khách hàng tìm hiểu mức cho vay tín dụng tiêu dùng theo lãi suất thỏa thuận. Ảnh: L. Anh

Khách hàng tìm hiểu mức cho vay tín dụng tiêu dùng theo lãi suất thỏa thuận. Ảnh: L. Anh

Tắc đầu vào, khó đầu ra

Theo NHNN, 2 tháng đầu năm nay tổng phương tiện thanh toán tăng 1,39% so với cuối năm ngoái; vốn huy động giảm 0,17% (chủ yếu do tiền gửi của tổ chức kinh tế giảm -5,94%, trong khi tiền gửi của dân cư tăng 5,57%). Tín dụng đối với nền kinh tế ước tăng 1,4% và có xu hướng tăng dần.

Theo NHNN đây là con số phù hợp, tương ứng với cùng kỳ các năm gần đây (2 tháng cùng kỳ năm 2006 giảm 1,45%; năm 2007 tăng 2,09%; năm 2009 tăng 1,82%). Bởi sau Tết Nguyên đán do tiền gửi của dân vào hệ thống NH tăng và vốn khả dụng của các NH trước Tết dư thừa khoảng 13.000 tỷ đồng, hiện nay khoảng 30.000 tỷ đồng, nên doanh số giao dịch trên thị trường liên NH đã giảm mạnh.

Cụ thể, tuần qua doanh số giao dịch liên NH giảm tới 22.088 tỷ đồng và 496 triệu USD. Lãi suất giao dịch bình quân bằng VNĐ trên thị trường liên NH có xu hướng giảm nhẹ đối với hầu hết các kỳ hạn, với mức giảm 0,08-0,56%/năm. Lãi suất cho vay qua thị trường liên NH cao nhất 12%/năm và thấp nhất 4,4%/năm.

Như vậy, sau Tết Nguyên đán hầu hết các NHTM đều đảm bảo khả năng thanh toán và đáp ứng đầy đủ, kịp thời các nhu cầu thanh toán, chi trả của khách hàng. Nhiều chuyên gia nhận định 2 tháng đầu năm tăng trưởng tín dụng thấp nhưng tháng 3 tăng trưởng tín dụng sẽ cao nhờ chính sách cho vay lãi suất thỏa thuận đối với tín dụng trung-dài hạn.

Tuy nhiên, theo ông Trần Văn Vĩnh, Tổng giám đốc OCB, việc tăng trưởng tín dụng hiện nay còn phụ thuộc vào nguồn vốn huy động. Do hầu hết các NHTM có tỷ lệ cho vay trên huy động vốn đều cao, nhất là các NHTM bậc trung và nhỏ, nên theo quy định của NHNN hầu hết các NH phải kéo giảm tỷ lệ này xuống. Muốn tăng cho vay ra, các NHTM phải tăng huy động. Việc huy động vốn của các NHTM hiện nay khá ì ạch do vướng trần huy động 10,5%/năm. Vì vậy, việc tăng trưởng tín dụng chỉ mạnh ở một vài NH lớn, có vốn huy động dồi dào và vốn khả dụng lớn.

Ưu tiên tín dụng tiêu dùng

Nhiều NHTM thừa nhận hiện nay việc thỏa thuận trong lãi suất huy động vẫn diễn ra phổ biến. Không chỉ với những khoản huy động trên vài tỷ đồng mà chỉ cần 500 triệu đồng, khách hàng có thể thỏa thuận lãi suất với ngân hàng.

Để tránh NHNN thanh tra, các NHTM khuyến mại và các khoản chi phí này sẽ được tính vào lãi suất cho vay thỏa thuận. Phó Tổng giám đốc một NH cổ phần cho biết hiện nay bình quân giá vốn đầu vào thỏa thuận với khách hàng của NH 13%/năm, cộng các khoản trích lập rủi ro, dự trữ thanh khoản... giá vốn là 15%/năm, NH phải cho vay ra 16-18%/năm mới có lời nhưng lại quá cao đối với nhiều doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn đầu tư sản xuất kinh doanh trong bối cảnh chi phí đầu tư cũng đang cao.

Vì vậy, phát triển tín dụng trung-dài hạn trong thời gian tới khó có thể tăng cao ở khối khách hàng doanh nghiệp, các NH chỉ có thể đẩy mạnh với tín dụng cá nhân có nhu cầu vay dài hạn để tiêu dùng.

Tùy vào từng đối tượng khách hàng, lãi suất cho vay thỏa thuận ở các NHTM đang phổ biến ở mức 14-16%/năm, đối với cá nhân lên đến 18-20%/năm. Theo đó, các NHTM đang rầm rộ triển khai nhiều chương trình khuyến mại, khuyến khích khách hàng vay tín dụng cá nhân vay mua nhà, mua ô tô sau một thời gian hạn chế theo chủ trương của NHNN.

Hàng loạt NHTM như ACB, VIB… cho biết sẽ đẩy mạnh cho vay tiêu dùng mua sắm nhà, xe với thời gian cho vay dài hơi, giá trị khoản vay cũng cao hơn.

Tháo trần lãi suất huy động vẫn kiềm chế lạm phát

Ngày 3-3, tại hội thảo do VCCI tổ chức cho các doanh nghiệp ở TPHCM, TS. Lê Xuân Nghĩa, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, cho rằng với tốc độ huy động hiện nay, theo tính toán quý I-2010 tín dụng tăng dưới 1%/tháng, cả năm chỉ tăng khoảng 19-20%. Mặc dù, lãi suất trên thị trường đang có dấu hiệu giảm nhưng chưa thực vững chắc.

Vì vậy, cần thiết phải sớm xóa bỏ quy định về trần lãi suất huy động 10,5%/năm để khơi thông và điều hòa dòng chảy về vốn. Đặc biệt đưa đường cong lãi suất trở về đúng quy luật, tăng huy động được vốn trung-dài hạn (hiện chỉ khoảng 10%) để tăng cho vay trung-dài hạn theo chủ trương kích cầu của Chính phủ.

Cũng theo ông Nghĩa, lạm phát năm 2010 chủ yếu do yếu tố nội tại. Vì vậy có thể chủ động đối phó, không nhất thiết phải áp dụng biện pháp thắt chặt tiền tệ quá mức như đã diễn ra từ quý IV năm ngoái đến nay. Thắt chặt tiền tệ đã làm đầu tư của khu vực tư nhân và doanh nghiệp giảm sút mạnh, khiến sản lượng công nghiệp trong tháng 1 giảm nhiều so với tháng 12 năm ngoái. Điều này có thể ảnh hưởng xấu đến tăng trưởng kinh tế cả năm.

“Cần sớm giải tỏa các biện pháp thắt chặt tiền tệ để các doanh nghiệp nhỏ và vừa dễ dàng tiếp cận vốn của ngân hàng. Chính họ là khu vực tạo ra nhiều công ăn việc làm, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Để làm được điều đó phải tiến hành chính sách lãi suất thỏa thuận không chỉ vốn trung-dài hạn, cho vay tiêu dùng mà tất cả các loại tín dụng; đồng thời gỡ bỏ giới hạn về lãi suất tiền gửi hiện nay.

Có thể trong thời gian ban đầu mặt bằng lãi suất tăng lên chút ít nhưng sau đó sẽ giảm và ổn định ở mức 12-13% lãi suất cho vay và trên dưới 10% đối với lãi suất tiền gửi. Duy trì mức lãi suất như vậy doanh nghiệp khu vực tư nhân mới đảm bảo tăng trưởng” - ông Nghĩa phân tích.

Thanh Như

Tin cùng chuyên mục