Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL TPHCM Võ Trọng Nam:

Không bắt buộc phải có giấy xác nhận của Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam

Thời gian qua, một số trung tâm, hãng sản xuất băng đĩa nhạc tại TPHCM nói riêng và những thành viên của Hiệp hội Công nghiệp ghi âm Việt Nam nói chung đã lên tiếng về việc Sở VH-TT-DL TPHCM bắt buộc nhà sản xuất phải có giấy xác nhận của Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam đã đóng tiền tác quyền thì sở mới cấp giấy phép sản xuất. Trong khi việc thương lượng về giá tác quyền mới giữa Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam và Hiệp hội Công nghiệp ghi âm Việt Nam vẫn chưa thống nhất, khiến cho một số chương trình ca nhạc của các nhà sản xuất bị đình trệ. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Võ Trọng Nam, Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL TPHCM về vấn đề này.

* Vì sao Sở VH-TT-DL TPHCM bắt buộc các nhà sản xuất phải có giấy xác nhận đã đóng tác quyền từ Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc chi nhánh phía Nam thì mới được cấp phép sản xuất chương trình, trong khi ở những địa phương khác không có điều kiện này?

* Tôi xin khẳng định điều ấy là không có. Sở VH-TT-DL TPHCM chưa bao giờ đòi các nhà sản xuất phải có giấy xác nhận từ Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam mới cấp giấy phép sản xuất. Vấn đề ở đây là thủ tục cấp phép bắt buộc nhà sản xuất phải có giấy tờ chứng minh đã thực hiện đủ việc trả tác quyền và được tác giả cho phép sử dụng tác phẩm của mình.

Theo Nghị định 103/2009/NĐ-CP, trong Chương 2, Điều 5 có quy định thủ tục cấp phép lưu hành băng, đĩa ca nhạc, sân khấu ghi rõ: “Phải có giấy tờ chứng minh chủ sở hữu bản quyền tác phẩm” nên sở cũng căn cứ theo đó để yêu cầu nhà sản xuất phải làm đúng theo tinh thần của nghị định. Chỉ cần nhà sản xuất có giấy xác nhận của tác giả đồng ý cho phép nhà sản xuất sử dụng tác phẩm của mình là được. Nhưng tôi cũng được biết, nhiều tác giả đã ủy quyền cho Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam và các nhà sản xuất buộc phải làm việc qua Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam là vậy.

Sở đã từng cấp phép cho nhiều chương trình có xác nhận đồng ý cho phép của tác giả. Ý kiến nói Sở VH-TT-DL TPHCM đòi hỏi bắt buộc nhà sản xuất phải có giấy xác nhận của Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam đã trả tiền tác quyền là không đúng.

* Nhưng một số nhà sản xuất cho rằng, hiện nay vài chương trình của họ bị “neo” lại trên sở vì chưa đóng tiền tác quyền?

* Ai nói như thế là sai. Sở VH-TT-DL TPHCM có một phòng tiếp nhận hồ sơ. Nhân viên ở đây kiểm tra hồ sơ nếu thấy đủ các loại giấy tờ mới nhận, còn không đủ thì trả hồ sơ ngay không nhận.

* Được biết, trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ (36/2009/QH12) có điều khoản ghi về việc sử dụng các tác phẩm đã công bố, đã lưu hành, không phải xin phép mà chỉ phải trả tiền nhuận bút, thù lao. Ông có thể nói rõ hơn về điều này?

* Chúng tôi biết rất rõ điều này. Trong điều 25, 26 của Luật sửa đổi, bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ có mục được sử dụng tác phẩm đã lưu hành mà không phải xin phép, nhưng đối tượng của Hiệp hội Công nghiệp ghi âm Việt Nam không thuộc trong điều này, vì đó là các hãng sản xuất băng đĩa để kinh doanh. Các nhà sản xuất và các thành viên của Hiệp hội Công nghiệp ghi âm Việt Nam vẫn phải thực hiện đúng quy định của Nghị định 103/2009/NĐ-CP trong việc xin cấp phép sản xuất chương trình âm nhạc.

* Vấn đề là hiện nay Hiệp hội Công nghiệp ghi âm Việt Nam đại diện cho các nhà sản xuất băng đĩa nhạc tại VN đang tìm cách thương thảo với Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam về giá tác quyền (vì cho là giá quá cao và bất hợp lý) và chưa đạt được thỏa thuận. Nếu vậy, trong quá trình này các nhà sản xuất không thể sản xuất các chương trình ca nhạc phục vụ khán giả, công chúng?

* Việc thỏa thuận thương lượng giữa Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam và Hiệp hội Công nghiệp ghi âm Việt Nam là chuyện “thuận mua vừa bán” giữa bên bán và bên mua, cơ quan quản lý không can thiệp vào. Cá nhân tôi nghĩ, nếu ca khúc, tác phẩm nào chưa thỏa thuận được giá cả với tác giả thì nhà sản xuất nên gác lại, chỉ xin phép những tác phẩm đã có tác quyền, như thế vừa đỡ mất công cho nhà sản xuất vừa tránh làm khó cơ quan quản lý.

Với tư cách là cơ quan quản lý nhà nước, Sở VH-TT-DL TPHCM cũng sẽ có tác động tích cực để hai bên (Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam và Hiệp hội Công nghiệp ghi âm Việt Nam) sớm đi đến kết quả ổn thỏa. 

NHƯ HOA

Tin cùng chuyên mục