Không cải cách trên giấy

Theo Bộ Tài chính, tính đến hết tháng 9-2015, nhờ cắt giảm các thủ tục hành chính của ngành thuế, đã giảm được 420/537 giờ doanh nghiệp thực hiện việc kê khai, nộp thuế, số giờ còn lại là 117 giờ, đạt và vượt được mục tiêu mà Nghị quyết số 19/NQ-CP của Chính phủ đã đặt ra về việc giảm số giờ nộp thuế xuống dưới 121,5 giờ trong năm 2015.

Theo Bộ Tài chính, tính đến hết tháng 9-2015, nhờ cắt giảm các thủ tục hành chính của ngành thuế, đã giảm được 420/537 giờ doanh nghiệp thực hiện việc kê khai, nộp thuế, số giờ còn lại là 117 giờ, đạt và vượt được mục tiêu mà Nghị quyết số 19/NQ-CP của Chính phủ đã đặt ra về việc giảm số giờ nộp thuế xuống dưới 121,5 giờ trong năm 2015.

Đây là một tin vui với cộng đồng doanh nghiệp, bởi lâu nay thời gian nộp thuế quá dài được xem là một “điểm nghẽn” lớn gây cản trở hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, báo cáo Chính phủ tại phiên họp thường kỳ tháng 9 cuối tuần trước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết vẫn còn khoảng cách không nhỏ giữa chính sách và thực tế trong triển khai Nghị quyết 19. Đồng thời, có sự khác biệt lớn trong thực hiện nghị quyết giữa các bộ và giữa các địa phương.

Ghi nhận thực tế của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, doanh nghiệp đánh giá thời gian trên thực tế về kê khai, nộp thuế chưa giảm được như báo cáo của Bộ Tài chính. Tại cuộc hội thảo mới đây về thực hiện Nghị quyết 19, bà Nguyễn Minh Thảo, Phó Trưởng ban Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (thuộc Bộ KH-ĐT) cho biết, Bộ Tài chính báo cáo đã giảm được 420 giờ nộp thuế, nhưng doanh nghiệp chỉ ghi nhận giảm khoảng… 110 giờ.

Lý giải về vấn đề này, bà Minh Thảo cho biết trên thực tế văn bản này bỏ thủ tục, giấy tờ này, nhưng văn bản khác thì không, nên doanh nghiệp vẫn phải làm. Hơn nữa, nhiều doanh nghiệp vẫn chưa thực sự tin cải cách, họ sợ khi bị kiểm tra lại không có hồ sơ đó. Đó là chưa kể việc thực thi mỗi nơi một khác, thậm chí mỗi bộ phận cùng một nơi cũng khác nhau. Đặc biệt, hầu hết doanh nghiệp đều phản ánh thời gian xem xét hồ sơ hoàn thuế vượt quá quy định. Lý do là quỹ hoàn thuế từ trung ương cấp xuống, địa phương cũng không thể biết lúc nào có. Hoặc, nhiều doanh nghiệp không thể giải thể được do cơ quan thuế không quyết toán thuế với lý do chưa có thông tư hướng dẫn.

Câu chuyện khoảng cách giữa chính sách và thực thi chính sách không hề mới. Tuy nhiên, với Nghị quyết 19 của Chính phủ đây là việc khó có thể chấp nhận được. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng từng nhiều lần nhấn mạnh, cải cách môi trường kinh doanh, nâng cao sức cạnh tranh là “nhiệm vụ sống còn” của nền kinh tế. Nếu việc cải cách chỉ diễn ra trên giấy chắc chắn sẽ làm suy giảm niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp vào tiến trình cải cách. Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9 diễn ra tuần trước, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, Nghị quyết 19 đã đề ra giải pháp “trúng” và đã phát huy hiệu quả, tuy nhiên đang có vấn đề thực thi cải cách trong thực tế. “Giấy tờ quy định như vậy nhưng cán bộ, công chức thực thi có đúng như vậy không?” - Thủ tướng băn khoăn. Trước thực tế mà Bộ KH-ĐT báo cáo, Thủ tướng yêu cầu các ngành, các cấp theo chức năng, nhiệm vụ được giao tập trung chỉ đạo triển khai quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp theo Nghị quyết 19. Một trong những nhiệm vụ quan trọng được người đứng đầu Chính phủ đặt ra từ nay đến cuối năm là phải tiếp tục triển khai mạnh mẽ các giải pháp cải cách trong lĩnh vực thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội, cải cách thủ tục đất đai, thủ tục tiếp cận điện năng. “Cải cách không thể chỉ trên giấy tờ, dứt khoát phải đạt hiệu quả trong thực tế, trong thực thi của cán bộ, công chức” - Thủ tướng yêu cầu.

Muốn cải cách không chỉ ở trên giấy, để niềm tin không bị xói mòn, cần có những giải pháp quyết liệt hơn, kỷ luật nghiêm minh hơn trong thực thi Nghị quyết 19. Trong đó, cần đề cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nâng cao tinh thần trách nhiệm, thái độ làm việc của cán bộ, công chức trong thực thi công vụ. Tinh thần cải cách của Nghị quyết 19, tinh thần tự do kinh doanh của Hiến pháp năm 2013, của Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư mới đang tạo cơ hội rất lớn để nền kinh tế phát triển. Tuy nhiên, để thành công thì mỗi cá nhân trong bộ máy nhà nước cần phải thay đổi tư duy về quản lý, về vai trò “kiến tạo phát triển” của nhà nước.

Bảo Minh

Tin cùng chuyên mục