Không can thiệp sâu vào hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo

NGỌC QUANG

Chiều 20-11, Quốc hội đã thảo luận về dự án Luật Tín ngưỡng, tôn giáo. Đa số đại biểu đều cho rằng cần thiết phải ban hành luật này khi mà Pháp lệnh về tín ngưỡng, tôn giáo đã không còn phù hợp.

Theo Hòa thượng Thích Thanh Quyết (ĐBQH tỉnh Quảng Ninh), việc ban hành dự luật là cần thiết để tương thích với hội nhập, khối đại đoàn kết dân tộc, tạo niềm tin người có tín ngưỡng tôn giáo vào chính sách, pháp luật của Nhà nước. Với 95% dân số có tín ngưỡng, 27% dân số có tôn giáo và hình thức quy mô phức tạp, rộng khắp nên cần thiết phải có cơ quan quản lý xứng tầm, có quyền năng lớn, nhanh nhạy để giúp đỡ các tổ chức tôn giáo phát triển. Cơ quan đó có thể trực thuộc Chính phủ. Linh mục Lê Ngọc Hoàn (ĐBQH tỉnh Nam Định), Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm (ĐBQH TP Hà Nội) cho rằng, cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động tôn giáo nên độc lập để thuận lợi hơn cho công tác quản lý thay vì như hiện nay là trực thuộc Bộ Nội vụ.

Đồng tình với quan điểm về tự do tín ngưỡng, tôn giáo nhưng nhiều đại biểu không đồng tình với ban soạn thảo khi dự thảo đề cập, can thiệp sâu vào hoạt động của tổ chức tôn giáo. ĐB Lưu Thành Công (Vĩnh Long) cho rằng dự thảo chưa thể hiện được đầy đủ quan điểm của Đảng, Nhà nước về tín ngưỡng, quy định như một văn bản hành chính khi yêu cầu tổ chức tôn giáo phải xin phép 20 lần trong quá trình triển khai hiến chương của mình trong khi lại ít quy định về việc Nhà nước bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng của mọi người. Các ĐB Lưu Thành Công, Lê Văn Tân (Hà Nam), Võ Thị Dung (TPHCM), đều cho rằng không nên can thiệp sâu vào việc bổ nhiệm, phong chức chức sắc trong tổ chức tôn giáo. Bởi đó là quyền của tổ chức đó và theo điều lệ, hiến chương và nếu Nhà nước đặt ra các điều kiện phong chức, phong phẩm như dự thảo thì có thể vi phạm hiến chương của tôn giáo.

Thảo luận tại hội trường ngày 20-11, các vị ĐBQH bày tỏ đồng tình cao với việc phê chuẩn Nghị định thư sửa đổi Hiệp định, thành lập Tổ chức Thương mại thế giới. Phát biểu tổng kết phiên họp, Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu cho biết, các vị ĐBQH tán thành nước ta cam kết thực hiện toàn bộ các điều khoản trong Nghị định thư (sửa đổi) và đồng ý giao cho Chính phủ, các cơ quan, tổ chức hữu quan hoàn tất các thủ tục đối ngoại về việc phê chuẩn theo quy định của Tổ chức Thương mại thế giới; đồng ý giao cho các cơ quan Quốc hội có trách nhiệm giám sát việc thực hiện nghị quyết này. Bên cạnh đó, trên cơ sở đánh giá những mặt mạnh, mặt yếu, các đại biểu khuyến nghị tới đây cần tập trung triển khai chương trình hành động của Chính phủ trong vấn đề hội nhập kinh tế quốc tế; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến cho cán bộ công chức, cộng đồng doanh nghiệp; nhất là vấn đề liên quan đến nông nghiệp, nông thôn, nông dân. Đặc biệt, yêu cầu thiết lập các hàng rào kỹ thuật phù hợp để bảo đảm lợi ích quốc gia được nhiều đại biểu nhấn mạnh. Tất cả các ý kiến được ghi nhận và đoàn thư ký kỳ họp sẽ hoàn tất toàn bộ thủ tục để trình Quốc hội phê chuẩn vào cuối kỳ họp.

Cũng trong chiều 20-11, với hơn 79% số ĐBQH tán thành, Quốc hội cũng đã thông qua Luật Kế toán.

NGỌC QUANG

Tin cùng chuyên mục