Không chỉ là công tác kế hoạch hóa gia đình

Một điều lo lắng là sau thời gian dài thực hiện chính sách dân số kiểm soát mức sinh, tỷ suất sinh của Việt Nam hiện đã xuống dưới ngưỡng tỷ suất sinh thay thế. Tỷ suất sinh bình quân cả nước 9 năm qua (từ 2006-2014) là 2,055. Đáng ngại hơn là tình trạng gia đình đô thị sinh ít, gia đình nông thôn sinh nhiều ngày càng rõ khi mà năm 2014, tỷ suất sinh cả nước là 2,09 thì tỷ suất sinh tại một số khu vực rất thấp. Do các bất lợi đè nặng lên những người kết hôn và có con như nguy cơ mất việc sau khi sinh, nhà trẻ và trường học chi phí cao và bất tiện, các khó khăn về nhà ở (chi phí cao), lo ngại về việc có con sẽ làm giảm thu nhập... đã khiến nhiều người “sợ” sinh con.

Thực tế, tất cả các nước tôn trọng quyền tự do lựa chọn kết hôn hay không kết hôn, có con hay không có con đều phải trải qua tình trạng tỷ suất sinh thấp kéo dài trên vài chục năm (như Đức, Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc, Thái Lan…) và phải gánh chịu những hậu quả nặng nề. Trong đó, nhìn thấy rõ nhất là lực lượng lao động liên tục giảm làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế, tiềm năng sáng tạo của quốc gia và tầm ảnh hưởng trên trường quốc tế và sớm hay muộn dân số cũng sẽ giảm; quỹ hưu trí quốc gia trở nên mỏng manh hơn và đối mặt với nguy cơ vỡ quỹ do dân số bị già hóa.

Nguy hiểm hơn, tỷ suất sinh có khả năng không quay lại được tỷ suất sinh thay thế trong vòng 40-80 năm tới. Đó là thực tế không mong muốn mà chúng ta phải nhìn ra thế giới để có chính sách phù hợp, tránh đi vào “vết xe đổ”.

Trong bối cảnh đó, dù đã dự thảo lần thứ 3, dự án Luật Dân số vẫn chưa nhận được sự “ưng ý” từ phía các chuyên gia khi mà ý kiến chê vẫn nhiều hơn khen, lo lắng vẫn nhiều hơn đồng thuận. Đáng nói nhất, theo nhiều chuyên gia, với một vấn đề rất lớn, đang được quan tâm như mục tiêu chính sách dân số trong giai đoạn mới thì dự thảo luật chưa thể hiện được điều đó, thay vào đó, quá nhiều vấn đề mang tính kỹ thuật, thuần túy về y tế.

Với Luật Dân số, những vấn đề về chính sách y tế  rất quan trọng, nhưng quan trọng hơn phải là những giải pháp về mặt xã hội. Luật Dân số phải là chính sách dân số và phát triển, không phải là y tế và dân số. Thay vì nặng về y tế (dự thảo có nhiều điều quá chi tiết về các dịch vụ sản khoa, y tế, không hề cần thiết), luật phải hướng về các giải pháp xã hội, kết nối vấn đề dân số và lao động, phát triển xã hội cũng như đề ra được những chính sách hợp lý để người dân tiếp cận, từ đó bảo đảm thực hiện được mục tiêu dân số của quốc gia.

Vấn đề dân số không thể chỉ là công tác kế hoạch hóa gia đình, mà dân số phải được coi là một yếu tố quan trọng bậc nhất để phát triển, vì mọi chính sách phát triển phải dựa trên sự phát triển dân số. Hướng tiếp cận chính sách dân số vì vậy phải trên cơ sở bảo đảm quyền con người nhiều hơn, vì sự phát triển bền vững của quốc gia nhiều hơn. Bên cạnh đó, Luật Dân số phải đặt chính sách dân số trong bối cảnh phát triển bền vững của đất nước, phải mang tính dài hơi.

Về mặt kinh tế - xã hội, một đất nước phát triển bền vững lâu dài cần có lực lượng lao động hợp lý để duy trì tăng trưởng kinh tế ở mức cần thiết và tái tạo được nền tảng văn hóa - xã hội của nước đó. Một trong các xu hướng đó là duy trì được suất sinh thay thế 2,1 con/phụ nữ trong cuộc đời. Như vậy, ở tuổi trưởng thành hộ gia đình có 2 con sẽ có 2 người thay thế mình làm việc cho gia đình và xã hội khi cha mẹ về hưu. Một đất nước như vậy sẽ không tăng dân số về “sinh học”, song khi người già sống lâu hơn do khỏe hơn, được chăm sóc y tế tốt hơn, thì tổng dân số vẫn tăng, song tăng tương đối chậm. Vì vậy, Việt Nam nên chọn mục tiêu phát triển dân số là ổn định tỷ suất sinh bằng tỷ suất sinh thay thế; cân bằng giới tính khi sinh.

Để người trưởng thành lập gia đình và có con tự nguyện theo đúng mục tiêu nói trên, các giải pháp căn bản chính là giáo dục về nhận thức (gia đình là nôi hạnh phúc, có con là hạnh phúc gia đình, vừa là trách nhiệm xã hội với đất nước). Chính sách xã hội không gây được bất lợi cho người có gia đình, bao gồm tư vấn pháp lý trước khi lập gia đình, nhà ở xã hội cho hộ gia đình, chi phí giáo dục và y tế, khuyến khích sử dụng phương tiện giao thông công cộng... Cùng với đó, chính sách việc làm không được gây bất lợi cho phụ nữ có con (nhà trẻ, mẫu giáo, nghỉ sinh và chỗ làm việc, chính sách bình đẳng giới, cơ hội thăng tiến đối với phụ nữ)… Điều đó nhằm làm cho các gia đình với 2 hoặc 3 con có điều kiện hạnh phúc. Khi thế hệ này có con mà hạnh phúc thì các thế hệ sau mới muốn có gia đình và có con. Có như vậy, chúng ta mới có thể yên tâm.

LÂM NGUYÊN

Tin cùng chuyên mục