Câu chuyện 12 con gấu ở TP Hạ Long và thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh bị chết hàng loạt chỉ trong khoảng thời gian ngắn và mới đây lại thêm 10 con khác được cơ quan bảo tồn và các bác sĩ thú y quốc tế nghi ngờ chủ trại xẻ thịt để ngâm rượu vì có giá bán cao hơn khai thác mật… đã gióng lên hồi chuông về lương tâm và trách nhiệm bảo tồn loài gấu trước nguy cơ biến mất tại Việt Nam.
Theo Bộ NN-PTNT, vào năm 2006 ở tỉnh Quảng Ninh rộ lên vụ nuôi nhốt và vận chuyển trái phép gấu từ nhiều nơi với 365 con gấu để chích hút mật cho khách du lịch. Trước đó, tại nhiều địa phương cũng nuôi nhốt trái phép tổng cộng cả ngàn con gấu. Mỗi con gấu đã từng là “cỗ máy đẻ ra vàng” cho các chủ trại, nhiều người giàu lên nhờ nghề nuôi gấu trái phép, giá mật lên tới 200.000 đồng/cc. Nhưng chỉ được vài năm, nghề nuôi gấu thoái trào thì số lượng gấu cũng dần biến mất một cách khó hiểu. Một mặt gấu nuôi không thể sinh sản, nhưng nguyên nhân chính là do giá mật rẻ như cho (chỉ còn 15.000 - 20.000 đồng/cc) thì các chủ trại tìm mọi cách để “đẩy” gấu ra khỏi trại. Nhiều nơi, chủ trại “đòi” trả lại gấu cho nhà nước với giá khoảng 80 - 90 triệu đồng/con nhưng nhà nước cũng không thể đủ kinh phí để mua lại cả ngàn con, nên bỏ đói gấu, ốm bệnh chết hoặc xẻ thịt lấy chân tay gấu ngâm rượu (để bán được giá cao hơn kinh doanh mật)… Như tại tỉnh Quảng Ninh, từ 365 con gấu qua kiểm kê mới đây chỉ còn 48 con tại 18 trại.
Còn theo số liệu của Cục Kiểm lâm, năm 2005 cả nước vẫn còn khoảng 4.600 con gấu nhưng hiện nay chỉ còn chưa đầy 2.000 con đang được nuôi nhốt tại các trại của tư nhân ở các địa phương như Hà Nội, Sơn La, Phú Thọ, Hà Tĩnh, Quảng Ninh, Bình Dương… Theo quan niệm của các tổ chức bảo tồn động vật hoang dã, xẻ thịt gấu thay vì chỉ chích hút mật là một hành động còn tàn bạo, vô cảm hơn nhiều vì đây là cách nhanh nhất để đẩy loài gấu đến vực tuyệt chủng. Bằng việc “dâng hiến” túi mật, loài gấu hoang dã đã giúp cho nhiều chủ trại đổi đời, trở thành tỷ phú nhưng khi giá mật sụt giảm, chỉ vì lợi nhuận đặt lên trên hết, họ sẵn sàng xẻ thịt gấu để lấy tay, chân ngâm rượu là việc làm độc ác và thiếu đạo đức.
Theo cơ quan kiểm lâm của Bộ NN-PTNT thì từ năm 2005 đã hoàn thành xong việc gắn chip cho 4.600 cá thể gấu. Tức là gấu đã có hồ sơ theo dõi, mọi biến động liên quan đến gấu buộc các chủ trại phải có trách nhiệm báo cáo kịp thời như vận chuyển ra khỏi địa bàn, bị bệnh, chết… nhưng trên thực tế, việc báo cáo của chủ trại rất hi hữu và cán bộ kiểm lâm ở nhiều nơi cũng buông lỏng kiểm tra, thăm hỏi. Có lẽ khi gấu không còn là “máy in tiền” thì người ta cũng không còn quan tâm nhiều như trước. Vì thế mới có tình trạng gấu bị nhiễm bệnh, lăn ra chết hoặc bị giết thịt để “chuyển mục đích sử dụng” mà cơ quan chức năng không nắm bắt được.
Sau sự cố gấu chết hàng loạt, mới đây Bộ NN-PTNT đã có công văn gửi UBND tỉnh Quảng Ninh và các cơ quan chức năng liên quan yêu cầu triển khai việc bảo vệ gấu, chuyển giao số gấu còn lại cho trung tâm cứu hộ. Nhưng việc chậm chạp và triển khai các động thái theo kiểu “mất bò mới lo làm chuồng” hoặc các giải pháp tình thế của các cơ quan chức năng như hiện nay sẽ không tạo ra chuyển biến đáng kể. Sự thật là số lượng gấu nuôi đã giảm rất nhiều, trong khi loài gấu hoang dã đang tiếp tục bị đe dọa.
Hiện nay, các tổ chức quốc tế về bảo tồn động vật hoang dã đang rất tích cực trong việc hợp tác và giúp chúng ta bảo tồn các loài động vật hoang dã nói chung, loài gấu nói riêng nhưng có lẽ, việc chỉ trông đợi vào nỗ lực của các tổ chức quốc tế, nguồn vốn hỗ trợ từ nước ngoài cũng chưa đủ mà đòi hỏi các cơ quan chức năng của chúng ta phải thực sự chủ động hơn, tâm huyết hơn - đặc biệt nâng cao trách nhiệm hơn nữa trong việc bảo tồn động vật hoang dã, bảo vệ rừng. Và có lẽ, không chỉ trông đợi vào tinh thần tự giác, tình yêu thiên nhiên cũng như trách nhiệm hoặc những khẩu hiệu hô hào mà phải dùng giải pháp rắn từ luật, tổ chức điều tra xử phạt thật nghiêm đối với những tổ chức, cá nhân cố tình sai phạm, giết hại hoặc bỏ mặc gấu nuôi và các loài động vật hoang dã; ngăn chặn tốt hơn tình trạng buôn bán các loài động vật hoang dã để tránh lặp lại thảm cảnh “bỏ thì thương vương thì tội” như loài gấu.
VĂN PHÚC HẬU