Không có đội nhỏ, chỉ có những đội... không lớn

Khi Euro nâng từ 16 lên 24 đội, những phản ứng nhiều hơn sự ủng hộ. Việc các đội bóng được xem là nhỏ tạo ra lịch sử cho riêng mình là điều có thể dự đoán trước. Tuy nhiên, xét về chuyên môn, lẽ ra việc có đến 24 đội lẽ ra phải thuận lợi hơn cho các đội bóng lớn mới đúng.

Khi Euro nâng từ 16 lên 24 đội, những phản ứng nhiều hơn sự ủng hộ. Việc các đội bóng được xem là nhỏ tạo ra lịch sử cho riêng mình là điều có thể dự đoán trước. Tuy nhiên, xét về chuyên môn, lẽ ra việc có đến 24 đội lẽ ra phải thuận lợi hơn cho các đội bóng lớn mới đúng.

Không có đội nhỏ, chỉ có những đội... không lớn ảnh 1

Được đánh giá cao nhưng Bồ Đào Nha (phải) không thắng được trận nào ở vòng bảng

Nôm na là càng nhiều đội “lót đường” thì hành trình vòng bảng của các ứng viên càng dễ dàng bởi về lý thuyết, mỗi bảng luôn sẽ có tối thiểu 2 đội yếu xếp cùng 1 đội hạt giống. Tuy nhiên, sau vòng bảng, không đội nào thắng hết 3 trận và sau lượt trận thứ 2, cũng chỉ mới xác định được 3 trong số 16 đội vào vòng 2. Đây là tỷ lệ rất đáng quan tâm. Một mặt, nó cho thấy không hề có đội bóng nhỏ như dự báo, mặt khác, dường như có nhiều đội bóng không chịu lớn.

Theo bình luận tương đối trung lập của tờ New York Times thì khái niệm "đội bóng nhỏ" không tồn tại ở EURO 2016. Ý kiến này rất có giá trị bởi đây là một tờ báo Mỹ, nơi đang diễn ra Copa America Centarino mà đến tứ kết, bán kết vẫn diễn ra những kết quả chênh lệnh đến 3-4 bàn. Trong khi đó, tỷ lệ bản thắng tại EURO là 1.92 bàn/trận, thấp nhất trong các kỳ EURO và World Cup kể từ năm 1996. Chỉ có 2 trận đấu có số bàn cao hơn 3. Hơn nữa, theo NYT, khó có thể nói những đội như Iceland hay Bắc Ireland, Hungary, Xứ Wales, Ba Lan làm nên lịch sử vào vòng 2 là do việc EURO mở rộng. Họ không cần đến may mắn, họ chễm chệ ngôi đầu bảng hoặc nhì bảng với ít nhất 1 trận thắng. Những bại tướng của họ cũng không phải yếu kém gì. Việc mở rộng của EURO đem đến cho họ một cơ hội nhưng chính họ tạo ra nó chứ không phải từ những yếu tố khác.

***
Nhưng vấn đề đáng bàn hơn chính là những đội bóng… không chịu lớn. Bồ Đào Nha là ví dụ. Chờ đợi Ronaldo ghi bàn đó là điều đúng nhưng việc Bồ Đào Nha không thắng nổi trận nào tại bảng đấu được xem là dễ dàng nhất thì không phải vấn đề của Ronaldo. Trước sau gì Ronaldo cũng sẽ có bàn thắng bởi đẳng cấp của anh ta đã được khẳng định, nhưng những bàn thắng đó liệu có ý nghĩa gì nếu như phần còn lại của Bồ Đào Nha chỉ có chất lượng tương đương Iceland? Từ khi xuất hiện ở EURO 2004 đến nay, Ronaldo vẫn mãi là người "cứu rỗi" và là kẻ “giơ đầu chịu báng” trong khi Bồ Đào Nha cứ như kẻ học việc tại EURO.

Tuyển Anh chính là câu chuyện tương tự và thật chua chát là họ phải gặp Iceland ở vòng 2 chứ không phải là đối thủ nhiều duyên nợ Bồ Đào Nha. Một tờ báo Anh đã phải chấp nhận thực tế: “Cả đội Iceland không bằng một ngôi sao Tam sư nhưng 11 cầu thủ Iceland thì mạnh hơn cả đội tuyển Anh”. Định mệnh dường như bắt Anh phải gặp Iceland, buộc họ phải đối diện với câu hỏi gai góc nhất: Thật ra thì Anh có phải là đội bóng lớn hay không?

Hãy nghe Iniesta nói sau trận thua Croatia: “Cái cảm giác ấy không giống như việc chúng tôi bị loại. Thực tế là chúng tôi vẫn đi tiếp nhưng có cái gì đó giống như một sự kết thúc”. Không ai ở mãi trên đỉnh, không cuộc hành trình nào không có điểm dừng và không có những đội bóng luôn nhỏ trong mắt của những người khác.

ĐĂNG LINH

Tin cùng chuyên mục