Ngày 1-2-2017 tới đây, Nghị định 155/2016/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường sẽ có hiệu lực. Theo nghị định này, hầu hết các mức phạt về vi phạm trong lĩnh vực môi trường sẽ rất cao. Ngay cả các hành vi “thường ngày” trong đô thị cũng không là ngoại lệ. Vứt mẩu thuốc lá không đúng nơi quy định bị phạt từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng. Tiêu, tiểu bậy bị phạt từ 1 - 3 triệu đồng. Vứt rác bừa bãi bị phạt từ 3 - 7 triệu đồng…
Phấn khởi trước quyết tâm bảo vệ môi trường của Chính phủ, song không ít người dân vẫn băn khoăn về hiệu lực của nghị định này trong việc giữ gìn cho thành phố sạch đẹp. Bởi lẽ trước đó cũng đã có Nghị định 179/2013/NĐ-CP xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường. Nghị định này hết hiệu lực vào ngày 31-1-2017 và sẽ được thay thế bởi Nghị định 155 nêu trên. Mức phạt trong Nghị định 179 không cao như Nghị định 155 nhưng cũng quy định rõ việc xử phạt các hành vi vứt rác, mẩu thuốc lá, tiêu tiểu không đúng nơi quy định. Trên thực tế, hầu như chưa có người nào bị xử phạt về các hành vi này. Cách nay gần 10 năm, TPHCM ra quân xử phạt khá nghiêm khắc hành vi tiêu, tiểu bừa bãi. Việc chỉ rộ lên một thời gian rồi... thôi.
“Tôi đã từng không biết giấu mặt vào đâu cho bớt xấu hổ khi đang dạo bước với một người bạn Nhật trên đường Hai Bà Trưng, quận 3, TPHCM thì bỗng đâu một con chuột chết “bay” vút ra, nằm lăn lóc trên đường. Chưa kịp hết bàng hoàng, một chiếc xe máy bất ngờ lao tới, tránh không kịp, cán nát con chuột… Và chúng tôi “đứng hình” luôn. Tại sao? Tại sao người ta có thể xử sự như vậy? Tại sao và tại sao? Suốt đoạn đường còn lại, người bạn Nhật đã liên tục “truy” tôi như vậy. Tôi chẳng biết nói gì…”, ông Đặng Văn Khoa, nguyên đại biểu HĐND TPHCM nhớ lại câu chuyện cách nay chưa lâu của chính mình.
Những tình huống như vậy không hiếm gặp ở TPHCM. Chắc chắn, nhiều người đã bức xúc trước hành động mất vệ sinh nêu trên, thế nhưng nhịp sống hối hả đã cuốn họ đi. “Biết ai gây ra hành động này mà nói… Với lại không khéo, nó đánh cho thì chết”… người nào không dễ bỏ qua, cùng lắm cũng chỉ lẩm bẩm được như vậy. Không chỉ có chuột chết, cả tủ, bàn ghế cũ, xà bần… bị vứt ở mọi ngóc ngách của thành phố. Đã không ít lần, công nhân vệ sinh vớt rác trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè còn vớt được cả những chiếc ghế salon rách bươm, to đùng. Những câu chuyện như vậy đã và đang xảy ra khi Nghị định 179/2013 có hiệu lực. Nguyên nhân thì có nhiều, nhưng tựu trung lại vẫn là việc không có hoặc thiếu lực lượng thực thi công tác xử lý hành vi vứt rác bừa bãi… Nghị định 179 không được thực hiện nghiêm, căn cứ nào để tin rằng Nghị định 155 sẽ được nghiêm túc triển khai?
Theo Sở Tài nguyên Môi trường TPHCM, trung bình mỗi năm TPHCM chi khoảng 2.200 - 2.400 tỷ đồng để thu gom và xử lý rác. Mặc dù đã có nhiều nỗ lực để xã hội hóa, thu hút các nguồn lực bên ngoài đầu tư vào lĩnh vực thu gom, xử lý rác nhưng 90% trong số này vẫn lấy từ ngân sách thành phố. Chi tiêu khổng lồ như vậy nhưng thành phố… nhìn đâu cũng thấy rác là điều người dân không phục. Hiện nay, vẫn còn một bộ phận không nhỏ người dân thiếu ý thức nên vứt rác bừa bãi. Chưa có con số cụ thể về một bộ phận không nhỏ người dân là bao nhiêu nhưng đây là thực tế đã được khẳng định trong rất nhiều hội thảo, báo cáo về tình hình môi trường TPHCM những năm qua. Trong bối cảnh ấy, lại không có hoặc có nhưng thiếu lực lượng thực thi, kiểm tra, xử phạt các hành vi vứt rác bừa bãi là điều bất hợp lý. Tại sao Singapore sạch sẽ được như vậy? Nhiều năm trước đây, như Việt Nam, đảo quốc này cũng phải đối mặt với vấn đề rác thải gây ô nhiễm môi trường. Câu trả lời là họ đã xử lý rất nghiêm hành vi vứt rác bừa bãi. Còn tại TPHCM, như một chuyên gia về quản lý đô thị có nhận xét: đáng lẽ phải đầu tư để xử lý tận gốc tình trạng vứt rác bừa bãi thì thành phố lại buông lỏng khâu này. Làm tốt khâu này không những làm cho thành phố sạch, đẹp mà còn giúp thành phố tiết kiệm được một khoản tiền không nhỏ chi cho công việc quét rác, vớt rác trên kênh, rạch. Đặc biệt, hố ga thu gom nước, cống thoát nước, cửa xả, kênh, rạch không bị nghẹt rác sẽ thoát nước tốt hơn, TPHCM sẽ bớt tốn tiền khơi thông dòng chảy và giảm được ngập.
Từ nay đến ngày 1-2-2017 không còn nhiều thời gian, mong rằng Nghị định 155 năm 2016 sẽ không phải chịu “số phận” như Nghị định 179 năm 2013 trong việc xử lý hành vi vứt rác bừa bãi tại TPHCM.
Nguyễn Khoa