Sau hơn mười năm thực hiện luật hiện hành, thực tiễn hoạt động giám sát của Quốc hội, Hội đồng Nhân dân (HĐND) đã đặt ra yêu cầu điều chỉnh, bổ sung cơ sở pháp lý để nâng cao hiệu quả, hiệu lực của hoạt động giám sát. Dự thảo Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội, HĐND mới đây đã được trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến bước đầu. Ông Trần Đình Long (ảnh), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đã dành cho phóng viên Báo SGGP cuộc trao đổi xung quanh dự án luật quan trọng này.
- Phóng viên: Thưa ông, hoạt động giám sát hẳn là có mối quan hệ hết sức chặt chẽ với các luật về tổ chức như Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương… Làm thế nào để đảm bảo tính đồng bộ của dự luật với các luật về tổ chức, đặc biệt là khi Luật Tổ chức chính quyền địa phương chưa được ban hành?
>> Ông TRẦN ĐÌNH LONG: Đúng là như vậy. Chẳng hạn, nếu chúng ta quyết định không tổ chức HĐND ở cấp nào đó thì hoạt động giám sát được giao cho ai, tiến hành như thế nào… Có ý kiến - mà tôi cũng cho rằng rất có cơ sở - lo ngại HĐND cấp trên xuống giám sát cấp cơ sở sẽ không sát vì khó mà hiểu hết địa bàn cũng như khó có thể tiến hành giám sát kịp thời. Theo chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội, các luật về tổ chức sẽ đi trước một bước; tại kỳ họp tới (kỳ họp tháng 5-2015), Quốc hội sẽ xem xét thông qua, còn Luật Hoạt động giám sát sẽ được xem xét thông qua sau. Nhưng chúng tôi thiết kế theo hướng là ở đâu có HĐND thì ở đó HĐND có chức năng giám sát. Luật sẽ quy định toàn bộ trình tự, thủ tục, hiệu lực và hiệu quả giám sát, nghĩa là điều chỉnh toàn bộ quá trình trước, trong và sau khi giám sát.
- Vừa qua có một số ý kiến đề nghị trao thêm chức năng, quyền hạn cho các ủy ban của Quốc hội, đại biểu Quốc hội trong lĩnh vực giám sát. Quan điểm của Ban soạn thảo như thế nào, thưa ông?
Ban soạn thảo đề nghị quy định chỉ có Quốc hội mới thực hiện quyền giám sát tối cao và hoạt động giám sát tối cao của Quốc hội phải được tiến hành tại kỳ họp. Hiệu quả của hoạt động giám sát của Quốc hội nói chung được đánh giá trên cơ sở hiệu quả hoạt động giám sát của các cơ quan của Quốc hội, đại biểu Quốc hội, chứ không thể coi hoạt động giám sát tối cao của Quốc hội được thực hiện trên cơ sở hoạt động giám sát của các cơ quan của Quốc hội, đại biểu Quốc hội.
- Tại phiên họp thứ 34 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), nhiều ý kiến, trong đó Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đều cho rằng hiệu quả, hiệu lực của công tác giám sát còn nhiều hạn chế; thậm chí “nhiều việc thì giám sát có khi chưa có tác dụng bằng một bài báo xoáy sâu vào một vấn đề cụ thể”. Dự luật sẽ khắc phục tình trạng này bằng cách nào?
Đấy chính là lý do để chúng ta xây dựng luật nhằm khắc phục điểm yếu này. Tinh thần là đã giám sát là phải có nghị quyết, kết luận rõ vụ việc được giám sát đúng hay không đúng, biện pháp khắc phục như thế nào. Nếu cơ quan giám sát là cơ quan chỉ có quyền kiến nghị thì kiến nghị lên cấp nào; khắc phục cụ thể ra sao; nếu không thực hiện thì các bước tiếp theo sẽ thế nào. Nếu UBTVQH tiến hành giám sát hoặc Quốc hội giám sát tối cao thì sẽ quyết định ngay trên cơ sở kết quả giám sát. Ví dụ công trình dự án không hiệu quả, có sai phạm thì có thể đình chỉ hoặc hủy bỏ. Mới đây việc giám sát các công trình thủy điện trên toàn quốc cũng đã làm quyết liệt như vậy. Với cá nhân, nếu xác định sai phạm thì UBTVQH hoặc Quốc hội có thể quyết định hình thức kỷ luật hoặc bỏ phiếu để bãi nhiệm…
- Làm thế nào để tránh giám sát một cách hình thức theo kiểu đoàn đến nghe báo cáo rồi về, không xuống hoặc chỉ xuống hiện trường một cách lấy lệ, thưa ông?
Dự thảo luật đã quy định rõ việc là chủ thể đi giám sát phải có chương trình kế hoạch, thông báo trước cho cơ quan, cá nhân chịu giám sát để có sự chuẩn bị đầy đủ cả báo cáo, chứng cứ… đáp ứng yêu cầu. Cách thức và nội dung báo cáo cũng được quy định, đảm bảo trung thực, đầy đủ, kịp thời. Như vậy vừa tạo điều kiện để đoàn giám sát có cơ sở nghiên cứu trước, tham khảo mọi nguồn thông tin; đồng thời cũng để cho bên được giám sát chủ động giải trình đầy đủ. Dự thảo cũng quy định rõ việc khảo sát, xem xét thực tế… để đi đến bản chất của vấn đề. Nội dung kết luận cũng không thể chung chung, mà phải khẳng định rõ đúng hay không đúng, tồn tại, nguyên nhân của tồn tại và cách thức xử lý. Hậu quả pháp lý đối với những cá nhân, tổ chức không thực hiện kết luận giám sát trong thời hạn quy định cũng đã được nêu khá cụ thể.
- Ông có bình luận gì về ý kiến cho rằng HĐND cấp cơ sở thường không đủ năng lực giám sát?
Vì thế mới phải quy định thật cụ thể về trình tự thủ tục: cơ sở nào để quyết định tiến hành giám sát; rồi khi tiến hành thì người tổ chức giám sát có quyền làm việc gì, trách nhiệm của đối tượng chịu giám sát phải làm gì. Vì trước đây không quy định chặt chẽ thì đối tượng bị giám sát sẽ phớt lờ đi, không hợp tác, bưng bít thông tin, hoặc chây ỳ, không thực hiện kết luận giám sát. Dự thảo luật dành một chương để quy định cụ thể các biện pháp bảo đảm hoạt động giám sát và điều khoản thi hành, bao gồm cả trách nhiệm của cơ quan tham mưu, phục vụ, bảo đảm điều kiện vật chất cần thiết khác cho hoạt động giám sát và hiệu lực thi hành, các văn bản bị bãi bỏ…
- Bao giờ dự án Luật Hoạt động giám sát được chính thức trình Quốc hội, thưa ông?
Theo dự kiến, UBTVQH sẽ nghe trình bày và góp ý thêm tại một phiên họp nữa trong khoảng từ nay đến tháng 5, sau đó cơ quan soạn thảo sẽ hoàn thiện trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp giữa năm 2015.
- Xin cảm ơn ông!
ANH THƯ thực hiện