Chăm lo cho các gia đình thương binh - liệt sĩ, những người có công với cách mạng là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, nhằm tri ân những người đã hy sinh xương máu cho sự toàn vẹn, độc lập của Tổ quốc. Những năm qua, TPHCM đã xây dựng hàng chục ngàn căn nhà tình nghĩa cho các gia đình thương binh - liệt sĩ. Tuy nhiên, hiện vẫn còn những hộ gia đình chính sách gặp khó khăn về nhà ở, nhiều hộ đã có nhà ở nhưng bị xuống cấp, trong khi còn nhiều trường hợp chưa được hưởng chính sách. Nhân dịp kỷ niệm 67 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27-7-1947 – 27-7-2014), phóng viên Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với ông Huỳnh Thanh Khiết, Phó Giám đốc Sở LĐTB-XH TPHCM, về vấn đề này. Ông Huỳnh Thanh Khiết cho biết:
Bằng nhiều nỗ lực, sáng tạo, TPHCM đã hoàn thành cơ bản việc xây dựng nhà tình nghĩa cho các gia đình chính sách gặp khó khăn về nhà ở, với trên 16.000 căn nhà tình nghĩa. Hàng năm, UBND các cấp đều có kế hoạch sửa chữa, tu bổ nhà tình nghĩa cho diện chính sách. Tuy nhiên, vẫn còn một số địa phương do hạn chế về kinh phí, số nhà tình nghĩa xây dựng đã lâu năm, nay xuống cấp, cần tiến hành khảo sát đánh giá lại để có kế hoạch hỗ trợ sửa chữa hoặc xây mới, giúp các gia đình chính sách khắc phục khó khăn, ổn định cuộc sống.
- PV: Thưa ông, trường hợp nhà tình nghĩa đã sang nhượng, hay chuyển giao cho người khác ở thì có được sửa chữa, xây mới nếu xuống cấp?
>> Ông HUỲNH THANH KHIẾT: Từ nay đến tháng 8-2014, trong đợt tổng rà soát việc thực hiện chính sách có công, TP sẽ rà soát tình trạng 16.000 căn nhà tình nghĩa. Trong đó, chú trọng rà soát chủ thể được cấp nhà. Nếu người được cấp nhà đã mất thì người thừa kế ngôi nhà sẽ có hai trường hợp: hoặc người thừa kế là thân nhân chủ yếu của liệt sĩ (bố, mẹ, vợ, chồng, con; người có công nuôi dưỡng liệt sĩ), người cũng thuộc diện chính sách theo quy định của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng; hoặc người thừa kế không thuộc diện chính sách. Vì bản thân người thừa kế cũng là đối tượng chính sách (con liệt sĩ) nên nếu nhà hư hỏng và họ gặp khó khăn không sửa chữa, xây mới được thì TP sẽ có hướng sửa chữa, xây mới từ nguồn ngân sách hoặc xã hội hóa. Trường hợp vợ liệt sĩ đơn thân, không có con, sau khi mất, người cháu ở trong căn nhà tình nghĩa đó thì do cháu không phải là thân nhân chủ yếu của liệt sĩ nên TP sẽ không hỗ trợ kinh phí sửa chữa, xây mới nhà. Nếu người cháu thuộc diện hộ nghèo thì Chương trình giảm nghèo, tăng hộ khá TPHCM sẽ chăm lo, hỗ trợ.
Hiện nay, nhiều cha, mẹ, vợ liệt sĩ đã qua đời nên nhà tình nghĩa chính chủ sử dụng đang giảm. TP đã nhắc nhở các quận, huyện lưu ý kỹ vấn đề này để có kế hoạch hỗ trợ cho đúng chính sách. Trong trường hợp nhà tình nghĩa đã bán cho người khác thì rất khó để giải quyết xây sửa lần 2, nếu không sẽ ảnh hưởng đến sự công bằng với người khác.
|
- Một số gia đình chính sách khó khăn về nhà ở, nhưng họ không có đất riêng, đang phải ở thuê, ở nhờ nhà người thân. Vậy, TP có hướng chia sẻ như thế nào đối với các trường hợp này?
TP đã hoàn thành cơ bản việc xây dựng nhà tình nghĩa cho các gia đình chính sách gặp khó khăn về nhà ở. Hầu hết các gia đình chính sách khó khăn về nhà ở, có nhu cầu xây mới, sửa chữa đều được giải quyết kịp thời. Tuy nhiên, TP cũng còn một số gia đình chính sách không có nền đất và trong trường hợp này, việc xây nhà tình nghĩa rất khó khăn. Sở có thể vận động từ nhiều nguồn lực trong xã hội để xây dựng nhiều nhà tình nghĩa nếu gia đình chính sách có đất. Còn trường hợp gia đình không có đất mà muốn có nhà tình nghĩa thì đúng là TP đang vướng chỗ này.
Thời gian qua, một số địa phương như quận Tân Phú, quận 8 đã có mô hình chung cư tình nghĩa. Việc xây dựng các khu nhà tình nghĩa theo mô hình chung cư trong điều kiện quỹ đất khó khăn là giải pháp hay để đáp nghĩa đền ơn các đối tượng chính sách. Song, để xây được những căn hộ như thế cần rất nhiều tiền (khoảng 200 triệu đồng/căn), trong khi mức hỗ trợ về nhà ở cho người có công theo quy định dao động từ 40 - 70 triệu đồng. Số tiền xây chung cư tình nghĩa là rất lớn và để làm được như vậy, rất cần sự chia sẻ, ủng hộ của toàn xã hội. Trường hợp gia đình chính sách thuộc diện được cấp nhà tình nghĩa song không có nền đất, có thể họ thấy giữa nhu cầu của gia đình và khả năng của địa phương chưa đáp ứng được nên họ không đặt vấn đề với ngành lao động thương binh xã hội.
- Số nhà tình nghĩa xuống cấp cần sửa chữa, xây mới trên địa bàn TPHCM có nhiều không, thưa ông?
Việc sửa chữa, xây mới nhà tình nghĩa được TP thực hiện hàng năm nên tỷ lệ nhà cần sửa chữa cũng không nhiều. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn rà soát thật kỹ tình trạng nhà, làm chính xác và khẳng định lại điều đó, không để xảy ra sai sót dù ở vùng sâu vùng xa.
MẠNH HÒA (thực hiện)