Rừng có vai trò quan trọng đối với môi trường và sự sống con người. Quá trình quang hợp của cây rừng đã hấp thu khí CO2 độc hại và nhả khí oxy cho con người hít thở mỗi ngày. Rừng còn được ví như tấm xốp khổng lồ hấp thu, tích lũy nước mưa, duy trì lượng nước đều đặn cho những con sông và mạch nước ngầm; đồng thời che chắn, bảo vệ cho bề mặt lớp đất khỏi bị xói lở do tác động trực tiếp của những trận mưa xối xả.
Trong quy hoạch xây dựng vùng Tây Nguyên đến năm 2030, chữ “rừng” được nhắc đến nhiều lần với những vai trò quan trọng. Tây Nguyên được xác định là vùng có vai trò phòng hộ đầu nguồn, bảo tồn và phát triển tài nguyên rừng, bảo vệ đa dạng sinh học của quốc gia và khu vực; là vùng đệm an toàn sinh thái và cung cấp nước cho khu vực duyên hải Nam Trung bộ và Đông Nam bộ. Vậy nhưng, thời gian qua, diện tích rừng tự nhiên tại khu vực này bị suy giảm nghiêm trọng. Rừng bị chuyển đổi ồ ạt sang trồng cây công nghiệp; rừng “nhường chỗ” cho thủy điện hoặc các dự án hạ tầng khác; rừng “chảy máu” do được giao cho công ty lâm nghiệp nhưng quản lý không hiệu quả; rừng bị đốn hạ để lấy gỗ… Con số 273.000ha rừng tự nhiên bị mất trong vòng 5 năm qua khiến chúng ta không khỏi giật mình.
Như một hệ quả tất yếu, rừng suy giảm đã dẫn đến nhiều hệ lụy đối với môi trường và cuộc sống con người. Đợt hạn hán khốc liệt vừa xảy ra tại Tây Nguyên, Nam Trung bộ là minh chứng rõ ràng nhất cho điều đó. Hàng trăm ngàn hécta cà phê bị giảm năng suất hoặc mất trắng; nhiều cánh đồng hoang hóa vì không thể sản xuất; hàng chục ngàn người dân khổ sở vì thiếu nước sinh hoạt và nguy cơ thiếu đói. Chính phủ phải quyết định cấp hỗ trợ hàng trăm tỷ đồng cùng hàng ngàn tấn gạo cho người dân bị ảnh hưởng hạn hán. Không chỉ gây thiệt hại về kinh tế, đối với người dân Tây Nguyên, rừng còn là không gian thiêng, gắn với đời sống văn hóa, tín ngưỡng từ lâu đời. Rừng là một phần không thể thiếu trong không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên. Vì vậy, mất rừng còn làm mai một bản sắc văn hóa của vùng đất Tây Nguyên huyền bí.
Tại hội nghị “Các giải pháp khôi phục rừng bền vững vùng Tây Nguyên nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2016-2020” vừa diễn ra tại Buôn Ma Thuột, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo: “Đóng cửa rừng tự nhiên”. Đây được coi là thông điệp mạnh, thể hiện quyết tâm cao của Chính phủ nhằm ngăn chặn tình trạng mất rừng, không chỉ ở khu vực Tây Nguyên mà trên toàn quốc. Không dừng ở chủ trương, Thủ tướng đã nêu rõ từng giải pháp mà các bộ, ngành, địa phương phải thực hiện quyết liệt. Chẳng hạn, không chuyển đổi diện tích rừng tự nhiên còn lại sang mục đích khác (trừ các dự án liên quan quốc phòng, an ninh); đóng cửa các xưởng chế biến gỗ tự nhiên để ngăn chặn đầu ra của nạn phá rừng; ngừng cấp phép dự án thủy điện và ngừng hoạt động các công trình đã xây dựng nhưng chưa trồng rừng thay thế; các lực lượng công an, kiểm sát, tòa án, quân đội phải cùng vào cuộc để đấu tranh, ngăn chặn, xử lý hành vi phá rừng, xác định rõ trách nhiệm từng đơn vị, cá nhân để tránh tình trạng “cha chung không ai khóc”… Cùng với các giải pháp quyết liệt này là các chính sách đãi ngộ đối với người bảo vệ rừng và giải quyết sinh kế cho người dân sống gần rừng.
Chủ trương đã có, giải pháp đã căn cơ, vấn đề còn lại là việc triển khai thực hiện chủ trương và các giải pháp này phải thật quyết liệt. Tín hiệu đáng mừng là sau chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, chính quyền các tỉnh trong khu vực đã bắt tay ngay vào việc rà soát các dự án liên quan đến rừng tự nhiên. Hành vi phá rừng, dung túng phá rừng cũng được ngành chức năng vào cuộc nhanh và xử lý mạnh tay. Chẳng hạn, sau khi báo chí phản ánh tình trạng phá rừng, vận chuyển gỗ qua trạm bảo vệ rừng Đắk Roong (Kon Tum) thì cán bộ bảo vệ rừng ở đây bị đình chỉ ngay, còn các đối tượng phá rừng đang bị điều tra để xử lý nghiêm. Những việc làm như vậy cần duy trì thường xuyên, không được “đánh trống bỏ dùi” để giữ màu xanh những cánh rừng Tây Nguyên và cả nước nói chung. Rồi rừng sẽ bảo vệ cuộc sống của chúng ta.
NAM VIÊN