Trong thời điểm cận tết, thực phẩm bẩn, rượu dỏm được tung ào ạt ra thị trường, bủa vây người tiêu dùng. Do việc kinh doanh mang lại lợi nhuận quá lớn, trong khi mức xử phạt các vụ việc vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) còn quá nhẹ, chưa đủ tính răn đe, nên có những kẻ chăm chăm kiếm tiền bằng mọi cách, bất chấp đạo đức kinh doanh, coi thường sức khỏe người tiêu dùng. Việc kiếm tiền bằng cách đầu độc người tiêu dùng là hành vi cần phải được ngăn chặn và triệt bỏ hoàn toàn. Thế nhưng điều cần bàn là công tác tuyên truyền, ngăn chặn, kiểm soát của các cơ quan chức năng liên quan về ATVSTP đã chưa thật hữu hiệu.
Không thể phủ nhận khó khăn của các lực lượng hải quan, quản lý thị trường, kiểm dịch động vật, khi lực lượng quá mỏng, lại phải đối mặt với đủ mọi thủ đoạn tinh vi của các đầu nậu. Tuy nhiên, từ một vài vụ “giải cứu” thịt bẩn của một vài “con sâu” trong lực lượng kiểm tra liên ngành địa phương, đã cho thấy những lỗ hổng chết người trong công tác kiểm tra, giám sát ngăn chặn nguồn thực phẩm bẩn hiện nay.
Trong cuộc họp mới đây về vấn đề ATVSTP, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, Trưởng ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về ATVSTP, đã thẳng thắn chỉ rõ những hạn chế của các lực lượng chức năng khi để gà thải loại từ Hàn Quốc, Trung Quốc và các thực phẩm bẩn tràn vào Việt Nam qua nhập khẩu chính ngạch, gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng, xáo trộn thị trường chăn nuôi cung ứng nguồn thực phẩm trong nước.
Tình trạng thực phẩm bẩn, không rõ nguồn gốc vẫn cứ bùng phát mạnh mẽ vào dịp cuối năm, cũng cho thấy công tác tuyên truyền nhằm thay đổi thói quen tiêu dùng của người dân vẫn chưa hiệu quả, chưa tạo được chuyển biến rõ nét. Chính ý thức tiêu dùng và tâm lý dễ dãi, chuộng rẻ của một bộ phận người dân đã góp phần tiếp tay cho thực phẩm bẩn bùng phát vào dịp cuối năm. Nhưng thực tế đã có tình trạng bất cập khi cơ quan chức năng kêu gọi người dân hãy là người tiêu dùng thông minh, song người dân không thể biết đâu là thực phẩm an toàn và không an toàn một khi nó đã được chế biến thành các món ăn hay được ngâm tẩm hóa chất.
Vì vậy, để chặt đứt được kiểu bán buôn bất chấp tính mạng người tiêu dùng, trước hết cần tìm cách triệt từ tận gốc với các biện pháp đồng bộ: khẩn trương ban hành các văn bản pháp luật liên quan đến việc thực thi Luật An toàn thực phẩm; chấn chỉnh tình trạng buông lỏng việc xử phạt các hành vi vi phạm ATVSTP; tăng cường kiểm soát thực phẩm nhập khẩu; xây dựng mô hình sản xuất - kinh doanh - tiêu thụ sản phẩm an toàn. Phải xem việc tuyên chiến với thực phẩm bẩn như một “mặt trận” thật sự thì mới mong mang đến “bữa ăn an toàn” cho người tiêu dùng. Kiên quyết không để tiếp diễn tình trạng người tiêu dùng bị hại do kiểu kinh doanh thiếu lương tâm.
ANH TÚ