Đổi mới công tác tiếp công dân là yêu cầu mà TPHCM đặt ra cho cơ quan hành chính các cấp trong công tác tiếp công dân năm 2013. Mục tiêu của công tác này được xác định phải gắn với việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân trên địa bàn, ngăn chặn và không để phát sinh các vụ việc phức tạp, kéo dài.
Gặp lãnh đạo khó quá
Ông Hoàng Hữu Phước (ngụ phường An Lạc, quận Bình Tân) cầm lá đơn xin gặp lãnh đạo tất tả bước vào cổng trụ sở Thanh tra TP (số 2 Phạm Ngũ Lão, quận 1) đăng ký lịch tiếp công dân. Ông Phước cho biết đã đi lại hơn chục lần từ UBND phường, quận đến TP nhưng chưa cơ quan nào xếp lịch tiếp để ông trình bày vụ việc khiếu kiện kéo dài hơn 8 năm qua. Do chỉ có chức năng tiếp nhận đơn khiếu nại, và nếu có yêu cầu thì tổ chức đối thoại với dân trước khi ra quyết định giải quyết, nên bộ phận Văn phòng Thanh tra TP lại giới thiệu sang Văn phòng Tiếp công dân TP để nơi đây hướng dẫn ông đăng ký gặp lãnh đạo trình bày vụ việc của mình.
Một trường hợp khác, bà Nguyễn Thị Phương (ngụ phường 5, quận Tân Bình) cũng phải đi lại không biết bao nhiêu lần để xin gặp lãnh đạo quận 2 và quận 12 trình bày vụ việc khiếu nại của mình kéo dài nhiều năm qua. Bà Phương cho biết, thủ tục đăng ký gặp lãnh đạo sao khó quá. Nói là ở trụ sở cơ quan hành chính nào cũng có bộ phận tiếp công dân nhưng khi đến đăng ký gặp thì chỉ được một chuyên viên tiếp nhận đơn, giải thích, rồi hẹn nếu xếp lịch tiếp được sẽ có thư mời. Thế nhưng, không lần nào yêu cầu của bà được đáp ứng.
Đó là 2 trong rất nhiều trường hợp khiếu nại của công dân muốn được gặp lãnh đạo cơ quan hành chính nhưng đều bị từ chối vì phải có hẹn trước. Theo nhiều người dân phản ánh, từ trước đến nay, quy trình tiếp công dân được áp dụng tại các cơ quan hành chính Nhà nước từ phường, xã, thị trấn, quận huyện đến TP đều rất máy móc, nếu không có lịch hẹn trước dứt khoát không tiếp. Nhiều nơi công khai lịch tiếp dân, lãnh đạo tiếp theo kế hoạch công bố hàng tuần, nhưng khi dân đến xin gặp thì lại báo lãnh đạo họp, không tiếp dân.
Hay có nhiều vụ việc phản ánh tiêu cực, vướng mắc trong thực thi pháp luật mà chỉ thông qua tiếp công dân người dân mới trình bày hết được, thế nhưng khi đăng ký gặp lãnh đạo, bộ phận tiếp nhận lại yêu cầu phải nói rõ ràng, cụ thể vụ việc mới xếp lịch được. Chính những quy định cứng nhắc này đã không tạo cơ hội để người dân phản ánh thực tế, nói lên những tâm tư, nguyện vọng và vướng mắc của mình cần được chính quyền giải tỏa.
Dân có yêu cầu, chính quyền phải tiếp
Quy định trên được xác định rõ trong Đề án đổi mới công tác tiếp công dân đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Theo đó, cấp ủy Đảng và chính quyền các cấp phải tăng cường lãnh đạo, nâng cao hiệu quả công tác chỉ đạo tiếp công dân gắn với giải quyết khiếu nại, tố cáo. Coi hiệu quả tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo là một tiêu chuẩn quan trọng để đánh giá năng lực, hiệu quả công tác của cấp ủy Đảng, người đứng đầu cơ quan, đơn vị và cán bộ, công chức được giao nhiệm vụ tiếp công dân.
Theo ông Phạm Văn Thành, Chủ nhiệm Văn phòng Tiếp công dân TP, yêu cầu trên xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan hành chính và cán bộ tiếp công dân không được đùn đẩy, né tránh việc tiếp công dân. Tùy theo tính chất của từng vụ việc, khi người dân có yêu cầu được tiếp thì cơ quan hành chính phải bố trí tiếp theo 2 hình thức: tiếp công dân thường xuyên và lãnh đạo tiếp. Nơi nào từ chối tiếp, hoặc để cho dân phải đi lại nhiều lần sẽ bị xem xét xử lý.
Để công tác tiếp công dân được hiệu quả, TP cũng đã tăng cường nhân sự, bộ máy, tổ chức cho các cơ quan hành chính từ phường, xã, thị trấn, đến quận huyện và TP. Nhiều mô hình tổ chức, nhiều phương thức tiếp dân cũng được mở rộng tới tận cơ sở và địa bàn dân cư, để khi xảy ra những vướng mắc, phát sinh trong thực tế khi thực thi các chính sách pháp luật là có thể được tuyên truyền, giải thích ngay, tránh xảy ra bức xúc dẫn đến khiếu nại và trở thành “điểm nóng” phức tạp, kéo dài.
| |
HOÀI NAM