Không hoa ngày nhà giáo?!

Với chủ trương không tiếp khách, không nhận hoa chúc mừng nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11 của Bộ GD-ĐT, dư luận xã hội đã bày tỏ sự đồng tình về một thiện ý cụ thể góp phần giảm chi tiêu công, chống lãng phí và thực hành tiết kiệm mà Chính phủ đang cam kết thực hiện triệt để. Tuy nhiên, vẫn còn không ít thắc mắc đặt ra: Không hoa, liệu ngày hội của các thầy cô có vui trọn vẹn? Không hoa, còn gì để cảm tạ công ơn của những người thầm lặng “chèo đò” đưa con cháu chúng ta an toàn cập bến bờ tri thức?... Và kể cả câu hỏi rất đỗi đời thường như băn khoăn của người bán hoa rằng không hoa làm sao “kích cầu” hoa tươi trong tình cảnh thị trường quá đỗi trầm lặng hiện giờ?

Thật ra, tinh thần toát lên từ công văn của Bộ GD-ĐT hình như có khác, nói kiểu “ý tại ngôn ngoại” là hoa tặng cũng có trăm loại hoa, có hoa tỏa mùi hương của tình cảm và sự trìu mến thật sự, nhưng có loại tuy sặc sỡ song gắn đầy gai của những toan tính thực dụng mà “cầm” không khéo những người cầm cân nẩy mực cho sự nghiệp “trồng người” bị đâm nát tay. Và dù có hiểu cách gì đi nữa, trong môi trường giáo dục, rất khó dung dưỡng cảnh “trăm hoa đua nở”, buộc chúng ta phải chọn lựa kỹ càng để tránh cảnh người ta nói bác sĩ và nhà giáo chỉ thích có mỗi “hoa hồng” làm vẩn đục môi trường có tiếng là thân thiện và hoàn hảo nhất. Nhìn vấn đề sâu hơn, câu hỏi đặt ra hoàn toàn nghiêm túc: Không hoa, nhà giáo còn gì để sống và để tin trong ngày hội duy nhất trong năm?

Còn nhớ, cách đây ít năm, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân khi đó còn nắm giữ trọng trách Bộ trưởng Bộ GD-ĐT đã viết một bức thư ngỏ trong dịp Tết Âm lịch khẩn khoản kêu gọi mọi ngành, mọi cấp, mọi người cùng chung tay lo cho nhà giáo có một mâm cơm tết cúng ông bà tổ tiên. Bức thư đầy tình người đã làm thổn thức bao trái tim. Song từ đó đến nay, cuộc sống nhà giáo vẫn không mấy thay đổi, vẫn không thể sống được bằng lương, vẫn cần một mâm cơm có đủ dinh dưỡng cho cả ngày tết lẫn ngày thường. Không biết bao nhiêu lần người ta kiến nghị, kêu gọi bằng cả trái tim rằng lương giáo viên như vậy là chỉ đủ sống cho ra sống trong 1 - 2 tuần của tháng lương nhưng dường như các cơ quan chức năng chỉ biết “lắng nghe và thấu hiểu” và để họ thực hiện cam kết thì “rất khó và phải có lộ trình”.

Cái khó nhất - theo lý giải của ngành giữ tiền - là không biết lấy đâu ra nguồn chi, chỉ nội tăng lương tối thiểu thêm 100.000 đồng/tháng từ tháng 7-2013, ngân sách đã phải nghiến răng chi trả cho khối hành chính - sự nghiệp khoảng 1 tỷ USD. Cũng phải hiểu ngân sách đang gồng mình thanh toán quá nhiều “khoản”, nhiều chỗ, giống như cái chăn kéo được chỗ này lại hở ra chỗ khác, song nhất thiết phải cải cách ngay chế độ tiền lương cho giáo viên mà theo ý kiến của bà Nguyễn Thị Bình, nguyên Phó Chủ tịch nước, là “phải cao nhất trong các ngành sự nghiệp vì tiền lương là thể hiện sự đối xử với thầy, cô giáo”.

Thật buồn là những ý kiến tâm huyết này, cũng như nhiều gửi gắm của các thầy cô trong buổi tọa đàm mới đây do Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM tổ chức mới chỉ như viên đá ném xuống hồ nước của sự bình thản, tĩnh lặng trong cận kề ngày nhà giáo. Người ta vẫn nghĩ nhà giáo là phải sống trong thanh đạm, phải “ngày ba bữa vỗ bụng rau bình bịch” song nói vậy hoàn toàn sai lầm, và vô hình trung chúng ta đã mắc nợ quá nhiều - nói như một nhà giáo - ở sự tâm huyết của những người thầy còn nghèo khó.

Ngoài ra, với cách chúng ta hành xử kiểu đi bắt thầy cô dạy thêm như bắt trộm mà dư luận lên tiếng thời gian qua thì vô tình chúng ta đã ném đá vào nhân phẩm của những người đã và đang tạo ra tương lai của đất nước. Như TS Hồ Thiệu Hùng, nguyên Phó Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM, từng phát khóc khi phát biểu thầy thuốc được phép mở phòng mạch tư thù tiền khám chữa bệnh còn nhà giáo dạy thêm - bằng lao động chính đáng lại bị cấm cản, chúng ta thấy phẫn uất khi lao động của người thầy bị coi là “lao động chui”, là “phi pháp”.

Cần nhớ rằng một thống kê của LHQ cho thấy lao động thầm lặng của người thầy trong 100 năm qua đã làm tăng 25% năng suất lao động trên toàn thế giới. Và đó là đóng góp then chốt tạo ra các cuộc cách mạng công nghệ - kỹ thuật mà chúng ta được nhờ trong ngày hôm nay.

Trong chiến trận, có vị tướng nói rằng chiến thắng của ông khởi nguồn từ người thầy giáo làng quê. Nói rộng ra, ngày nay muốn chiến thắng cái nghèo, cái đói, chiến thắng sự lạc hậu đè nặng cả dân tộc thì nhất thiết phải chăm lo sức mạnh tinh thần và vật chất của nhà giáo, đặt họ trong vị trí then chốt của mọi cuộc cải cách và tái cấu trúc nền kinh tế. Và ở nghĩa thêm một trường học là bớt đi một nhà tù, thêm một thầy cô là bớt đi một tội phạm, chúng ta phải trả lại cho nhà giáo cả hoa và cả đồng tiền xứng đáng với công sức họ bỏ ra. 

BÍCH AN

Tin cùng chuyên mục