Không muốn thoát nghèo

Nhà ông V.V.T. (63 tuổi, ngụ quận 8, TPHCM), có 10 người (gồm ông bà T., 7 người con tuổi từ 21 đến 43 và 1 người cháu), phần lớn là người trong độ tuổi lao động, có việc làm mang lại thu nhập; nhà cửa đầy đủ các thiết bị như: ti vi, tủ lạnh, máy giặt… Ấy vậy mà gia đình lại nằm trong diện… hộ nghèo!

Oái oăm ở chỗ, gần đây, dù chắc mẩm hoàn cảnh không thiếu thốn của gia đình ông T. nhưng cán bộ phụ trách công tác giảm nghèo, tăng hộ khá ở địa phương lại không dễ dàng chứng minh được cái “không nghèo” của gia đình. Mỗi lần cán bộ ghé nhà để tìm hiểu về công chuyện làm ăn, đời sống hàng ngày và xác định lại mức thu nhập thì ông T. lại… tìm cách thoái thác, trả lời bâng quơ, không khai báo trung thực. Thay đổi chiến thuật, địa phương mời từng thành viên trong gia đình tới UBND phường để cập nhật mức thu nhập thì… không thành viên nào tới.

Điều trớ trêu là những gia đình thích nằm trong diện hộ nghèo như nhà ông T. không phải hiếm. Ban chỉ đạo chương trình giảm nghèo, tăng hộ khá TPHCM nhận xét, có một bộ phận người nghèo, hộ nghèo ở TPHCM vẫn còn tư tưởng ỷ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ của nhà nước và cộng đồng, thiếu ý chí, nỗ lực vươn lên thoát nghèo. Muốn đưa những trường hợp “nhà giàu cũng khóc” này ra khỏi diện nghèo cũng khá gian truân. Do không nhận được sự hợp tác của gia đình, địa phương phải tự tổ chức những cuộc điều tra xã hội học bỏ túi – ghi nhận phản ánh của bà con lối xóm, tổ chức họp tổ tự quản giảm nghèo, thậm chí là họp tổ dân phố để đánh giá đời sống gia đình “thích nghèo”. Dù phức tạp nhưng là giải pháp an toàn mà các địa phương sử dụng để tránh bị “ăn vạ” sau này.

Trong bối cảnh giao dịch tiền mặt vẫn là chủ yếu; hơn nữa, một phần không nhỏ người nghèo thường làm việc trong khu vực phi chính thức, với những công việc thủ công, giản đơn, buôn bán nhỏ, càng đòi hỏi cán bộ giảm nghèo cần hiểu biết sâu sắc và đầy đủ về người nghèo, hộ nghèo để nhận được sự hợp tác, tin cậy chia sẻ từ phía người nghèo. Cùng với giảm nghèo về kinh tế, công tác giảm nghèo cần quan tâm đẩy mạnh giảm nghèo về nhận thức để các hộ nghèo nắm bắt được, khi nằm trong diện cận nghèo, họ sẽ không bị “bỏ rơi” mà vẫn nhận được nhiều chính sách ưu đãi về kinh tế, giáo dục, y tế… Quan trọng hơn, giảm nghèo về nhận thức, giáo dục giúp gia tăng sự tự tin cho người nghèo, giúp họ vững bước trong cuộc sống; đó mới là thành công đích thực của công tác giảm nghèo một cách bền vững.

ĐƯỜNG LOAN

Tin cùng chuyên mục