Không ngừng củng cố niềm tin của dân với Đảng

Đã 71 năm trôi qua kể từ ngày Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, chúng ta đã chứng kiến biết bao sự đổi thay của đất nước. 71 năm qua đi, song lời của Bác trong bản Tuyên ngôn độc lập vẫn mãi in đậm trong tâm trí của lớp lớp thế hệ người Việt Nam với niềm tự hào khôn xiết về tinh thần độc lập, tự do, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ; về khát vọng xây dựng cuộc sống ấm no hạnh phúc cho nhân dân... Tinh thần đó, khát vọng đó mãi mãi là niềm tin mãnh liệt của nhân dân đối với Đảng trong suốt chặng đường xây dựng và bảo vệ đất nước của mọi người dân Việt Nam.

Thành công của Cách mạng Tháng Tám mở ra buổi bình minh của kỷ nguyên độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, là cuộc cách mạng của lòng dân, là biểu tượng của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, của tinh thần, ý chí, bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam. Trong suốt 30 năm đấu tranh giải phóng dân tộc, hàng triệu người con đất Việt đi theo đường lối và lý tưởng mà Đảng và Bác Hồ vạch ra đã không tiếc máu xương của mình vì nền độc lập tự do, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ. Giang sơn thu về một mối, Bắc - Nam sum họp một nhà.

Trải qua hơn 30 năm đổi mới, cả nước đang tiến hành một công cuộc kiến tạo lớn dưới sự lãnh đạo của Đảng và sự nỗ lực vươn lên khẳng định bản lĩnh, trí tuệ của toàn thể dân tộc Việt Nam ở trong và ngoài nước, đất nước đã đạt được nhiều thành tựu to lớn với những tầm vóc lịch sử mới. Song chúng ta không thể bằng lòng với những gì đã đạt được. Sự sáng tạo dường như chưa được phát huy thật tốt; sự trói buộc, tù đọng trong tư duy và hành động vẫn còn là những lực cản lớn trên con đường phát triển. Chúng ta chưa thể hoàn toàn yên lòng với cách thức khai thác, nuôi dưỡng tài năng, cách vận hành của bộ máy hành chính. Đảng ta cũng đã nhiều lần chỉ rõ tệ tham nhũng, lãng phí, quan liêu, cửa quyền; thói sách nhiễu, hành dân; chứng “bôi trơn” trong cơ quan công quyền… của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên đã làm xói mòn niềm tin của nhân dân đối với Đảng. Hội nhập đem lại cho chúng ta nhiều cơ hội, nhưng biết bao thách thức cũng đặt ra, nhiều yếu kém nội tại, nhất là những bất cập về thể chế, quản trị đất nước đã bộc lộ rõ hơn, làm cho tiến trình phát triển kinh tế nhanh và bền vững gặp khó khăn; tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, biển đảo diễn biến vô cùng phức tạp, khó lường với nhiều thách thức đan xen.

Trước những cơ hội, thách thức và mục tiêu đặt ra, một lần nữa bài học của Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9 lại càng trở nên có ý nghĩa cấp thiết. Đó là bài học về củng cố vững chắc niềm tin của nhân dân đối với Đảng; không ngừng củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc; chăm lo bảo vệ lợi ích chính đáng của nhân dân, dựa vào nhân dân với tinh thần “dễ vạn lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Văn kiện Đại hội lần thứ XII của Đảng đã chỉ rõ: “Phát huy mạnh mẽ mọi nguồn lực, mọi tiềm năng sáng tạo của nhân dân để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; lấy mục tiêu xây dựng một đất nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” làm điểm tương đồng; tôn trọng những điểm khác biệt không trái với lợi ích chung của quốc gia - dân tộc; đề cao tinh thần dân tộc, truyền thống yêu nước, nhân nghĩa, khoan dung để tập hợp, đoàn kết mọi người Việt Nam ở trong và ngoài nước, tăng cường quan hệ mật thiết giữa nhân dân với Đảng, Nhà nước, tạo sinh lực mới của khối đại đoàn kết toàn dân tộc”.

Đất nước vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức đang chờ đợi ở phía trước, song với bản lĩnh, trí tuệ của Đảng và những dấu hiệu mạnh mẽ thể hiện quyết tâm làm trong sạch bộ máy, chỉnh đốn Đảng, hành động vì nhân dân, vì lợi ích chính đáng của nhân dân của những người lãnh đạo cấp cao của Đảng thời gian qua đang lấy lại thêm niềm tin của nhân dân đối với Đảng. Niềm tin đó đang được củng cố và nhân lên, tiếp tục là động lực to lớn để toàn thể nhân dân Việt Nam đồng lòng vượt qua mọi chông gai thách thức, vươn mình “sánh vai các cường quốc năm châu” như Bác Hồ hằng mong muốn. Ôn lại những bài học từ Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9, có thể khẳng định rằng, trong mọi hoàn cảnh từ lịch sử đến hiện tại cần quán triệt sâu sắc tinh thần “dĩ bất biến, ứng vạn biến”. Tinh thần lấy lợi ích quốc gia - dân tộc làm trọng, dựa vào dân, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, phát huy sức mạnh tổng hợp của tất cả mọi người Việt Nam ở trong và ngoài nước, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại để không ngừng đưa đất nước tiến lên, đổi mới và hội nhập thành công.

THÀNH NAM

Tin cùng chuyên mục