Không quá hoang mang

Thông tin về chủng cúm H7N9 có nguy cơ gây dịch trên diện rộng đang khiến người dân bất an, lo lắng. Có cảm giác rằng người Việt động đến cái gì cũng nghĩ ngợi, cũng lo xa kiểu như cách đặt vấn đề “lỡ mà… thì sao?”. Nhưng thật ra họ không lo mới lạ trước những thông tin trái chiều được loan truyền trên các mạng xã hội và các phương tiện nghe nhìn khác.

Mọi sự bắt đầu từ tuyên bố của Chính phủ Trung Quốc về một loại virus làm 2 người thiệt mạng chỉ vài ngày sau khi Trung tâm kiểm soát và điều trị bệnh nước này loan báo đã có chứng cớ về sự biến đổi di truyền của virus H7N9 trong các mẫu lấy từ người bệnh. Ngay sau đó tốc độ lan truyền của thông tin rất nhanh, nào là đàn chim sẻ không biết từ đâu bay tới đậu trên các cây ngọc lan ở hai bên đường TP Nam Kinh chết rơi lả tả; nào là virus xuất hiện từ các đàn heo, vịt, ngỗng chết trôi dọc sông Dương Tử.

Nhưng thực tế không hẳn như vậy. Ở Nhật Bản, thông tin được xử lý bởi Viện Nghiên cứu bệnh truyền nhiễm quốc gia và theo kết quả nghiên cứu công bố, chủng virus này có kết cấu từ 3 loại cúm chim đã biết. Người ta còn xác định rõ đoạn ADN biến đổi khiến virus có thể lây truyền từ chim sang người. Song mấu chốt nhất là để có chuyện virus lây lan từ người sang người thì cần phải có hàng loạt biến đổi mà trong thời điểm hiện tại, điều này không thể xảy ra. Trước thông tin trên trùng khớp với kết quả giám định người bệnh tại Trung Quốc, các chuyên gia của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã thông báo không nên hoang mang hoặc phản ứng thái quá trước thông tin về virus cúm H7N9. Đơn giản là chúng không thể truyền từ người sang người. Ngoài ra ở cấp độ gene, virus này cho phản ứng với các thuốc chữa cúm và bởi vậy có thể chờ đợi các thuốc hiện tại hoàn toàn có hiệu quả trong chữa trị cúm H7N9. Người ta cho rằng được phát hiện sớm, dù có mang trong mình virus người bệnh vẫn có thể lành bệnh, khỏe mạnh nếu chữa trị đúng phác đồ.

Trong trường hợp như vậy, virus này thật ra chẳng có khác với virus gây ra bệnh cúm mùa thường xảy ra mỗi năm. Điểm xuất phát là chất lượng hệ thống y tế có thể xử lý và triệt tiêu nguồn bệnh. Ở khía cạnh này, chúng ta có thể tạm yên tâm khi Bộ Y tế và các cơ quan chức năng đã tỏ rõ quyết tâm bằng hàng loạt biện pháp mạnh như chốt chặt cửa khẩu biên giới, cho lập các khu cách ly để tiếp nhận và chữa trị tại các bệnh viện trọng điểm, siết chặt công tác kiểm dịch tại các khu chăn nuôi và giết mổ gia cầm, động vật hoang dã… Cảnh giác cao độ là cần thiết, song cũng không nên vì thế mà lo ngại, hoang mang, làm xáo trộn cuộc sống thường ngày. Dù gì thì theo các nhà khoa học, các virus cúm thường không tồn tại ở nhiệt độ khoảng 70°C. Do đó, để không bị cúm hành hạ tốt nhất là không “ăn tươi nuốt sống” mà phải ăn chín thịt các gia cầm và chim chóc nếu có… 

BÍCH AN

Tin cùng chuyên mục