Trung Quốc, một mặt tuyên bố yêu chuộng và tôn trọng hòa bình nhưng mặt khác vẫn khăng khăng đòi hỏi chủ quyền với vùng biển không thuộc về mình. Sự mâu thuẫn này đã bị giới chuyên gia nghiên cứu quốc tế chỉ rõ. Việc vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế, bất chấp lợi ích chính đáng của quốc gia khác là điều mà giới chuyên gia quốc tế nhận định về Trung Quốc.
Trung Quốc: 1 ngày, 2 chính sách đối ngoại trái ngược
New York Times vừa có bài viết của cây bút Mike Forsythe, chuyên trách thông tin về Trung Quốc, có tựa đề: “Trung Quốc: 1 ngày, 2 chính sách đối ngoại trái ngược”. Bài viết đưa ra nhận định rằng Trung Quốc đang rối tung cuộc tranh cãi chủ quyền căng thẳng với Việt Nam và Philippines trên biển Đông và với Nhật Bản tại biển Hoa Đông. Hai quan chức hàng đầu của Trung Quốc là Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng Tham mưu trưởng Phòng Phong Huy đã có những phát biểu đầy mâu thuẫn với nhau, cho thấy sự bất nhất mà Trung Quốc đưa ra trước truyền thông quốc tế.
Trước hết, bài viết nhắc lại phát biểu tại Hiệp hội Hữu nghị nhân dân với nước ngoài ở thủ đô Bắc Kinh. Chủ tịch Tập Cận Bình nói: “Người Trung Quốc luôn sẵn sàng sống trong hòa thuận với tất cả các dân tộc trên thế giới trong một sự phát triển hài hòa, cùng nỗ lực vì hòa bình, bảo vệ hòa bình và sống trong hòa bình”. Điều này trái ngược với những hành vi gây căng thẳng mà Trung Quốc đã gây ra trong thời gian gần đây, nhất là việc Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương-981 vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam một cách bất hợp pháp. Tuyên bố trên trái ngược hoàn toàn với những tuyên bố cũng đưa ra cùng ngày của Tổng Tham mưu trưởng quân đội nước này, Tướng Phòng Phong Huy tại Lầu Năm Góc, trong cuộc họp báo với Tướng Martin Dempsy, Chủ tịch Tổng tham mưu trưởng liên quân Mỹ. Khi được hỏi về những căng thẳng giữa Việt Nam và Trung Quốc liên quan tới giàn khoan, Tướng Phòng Phong Huy nói: “Chúng tôi không gây rắc rối. Chúng tôi không tạo ra rắc rối. Nhưng chúng tôi không sợ rắc rối. Chúng tôi không chấp nhận để mất một tấc đất nào”. Lời nói của ông Phòng Phong Huy hoàn toàn vô căn cứ.
Nhật báo “Wall Street Journal” (Mỹ) số ra ngày 16-5 nhận định, Trung Quốc đang cố gắng biện minh cho các nỗ lực bảo vệ giàn khoan Hải Dương-981 vốn đang là trọng tâm của tranh chấp lãnh thổ căng thẳng với Việt Nam, kể cả khi một nhà ngoại giao cao cấp của Trung Quốc đã không ủng hộ những tuyên bố chính thức trước đó rằng giàn khoan nằm hoàn toàn trong lãnh hải nước này.
Tờ Wall Street Journal cũng khẳng định, không một quốc gia nào khác trên thế giới công nhận Hoàng Sa là của Trung Quốc.
Ủng hộ lẽ phải
Sau cuộc gặp với ông Phòng Phong Huy, Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden nhấn mạnh, các quốc gia không nên có các hành động khiêu khích có thể tổn hại tới hòa bình và sự ổn định trong khu vực. Ông Joe Biden cho rằng thái độ của Trung Quốc là vô cùng khiêu khích, nguy hiểm.
Theo Giáo sư, Tiến sĩ khoa học nghiên cứu về châu Á người Đức, ông Wilfried Lulei, các hành động của Trung Quốc ở biển Đông đã vi phạm luật pháp quốc tế, vấp phải sự phản đối trong và ngoài khu vực. Nó xâm phạm chủ quyền lãnh thổ cũng như lợi ích của Việt Nam và các nước Đông Nam Á khác. Giáo sư Lulei tuyên bố ủng hộ các đề nghị của Việt Nam, theo đó yêu cầu Trung Quốc phải lập tức rút ngay giàn khoan Hải Dương-981, tuân thủ Công ước LHQ về Luật Biển năm 1982 cũng như Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) mà Trung Quốc và các nước ASEAN đã ký kết năm 2002. Theo ông, cần tiến hành cả đối thoại song phương giữa Việt Nam và Trung Quốc cũng như đàm phán đa phương với sự tham gia của các nước có liên quan trực tiếp và những nước bị ảnh hưởng về các lợi ích kinh tế, chính trị cũng như an ninh. Mục đích cuối cùng là phải đạt được những thỏa thuận song phương và đa phương mà ở đó, các lợi ích về lịch sử, văn hóa, kinh tế và chính trị của Việt Nam cũng như của nhân dân và các nước khác có liên quan phải được tôn trọng.
NHƯ QUỲNH (tổng hợp)
>> Trung Quốc quyết liệt tấn công tàu Kiểm ngư Việt Nam bằng vòi rồng