
Ngày 22-4 tới, vòng 1 cuộc bỏ phiếu bầu cử Tổng thống Pháp sẽ được tổ chức và đó sẽ là lần đầu tiên cuộc bầu cử này sử dụng máy bỏ phiếu điện tử. Tuy nhiên việc này còn gây tranh cãi.
- Độ tin cậy chưa cao?

Thử nghiệm máy ở Reims.
Cuộc bầu cử chỉ còn chưa đầy 3 tuần, phe phản đối máy bầu cử điện tử đang gia tăng, một phần là do vài máy bỏ phiếu do Công ty Mỹ ES&S-iVotronic sản xuất và công ty này từng gây ra tranh cãi trong cuộc bầu cử Quốc hội tại bang Florida (Mỹ) hồi tháng 11-2006.
Người phát ngôn của nữ ứng cử viên Tổng thống Segolène Royal thuộc đảng Xã hội tỏ ý nghi ngờ độ tin cậy của loại máy này. Cách đây hai tuần đảng này đề nghị tạm ngưng sử dụng máy bỏ phiếu cho đến khi xác định được độ tin cậy và đề nghị tranh luận về loại máy này tại Quốc hội Pháp.
Trong bản tuyên bố, đảng Xã hội lưu ý 2 trong 3 loại máy bỏ phiếu do Chính phủ Pháp thông qua, là Nedap của Hà Lan và ES & S-I Votronic “chỉ gây ra tranh cãi mãnh liệt tại những quốc gia sử dụng chúng”. Ireland từng chi hơn 50 triệu USD để mua máy Nedap nhưng không sử dụng trong các cuộc bầu cử 2004 và 2006, sau khi nổi lên những nghi ngờ về độ tin cậy của chúng. Nhưng Nedap và ES&S-iVotronic đều khẳng định sự tin cậy vào sản phẩm của họ, xem những cáo buộc là phi lý.
Khoảng 80% số máy bỏ phiếu ở 70 tỉnh thành Pháp là của Nedap. ES&S-iVotronic thì cung cấp 160 máy tại 8 tỉnh thành, trong khi Công ty Indra (Tây Ban Nha) cung cấp ít máy hơn. Một số tỉnh thành đã tổ chức bỏ phiếu qua máy để thử nghiệm, như 100.000 cử tri Reims đã được mời thử nghiệm, nhưng chỉ một số ít đến thử: họ bỏ phiếu chọn 3 loại cây nào nên trồng ở một con đường chính. Việc bỏ phiếu qua máy diễn ra êm xuôi, không gặp sự cố nào.
Nhưng đảng Xã hội nêu “Nỗi e ngại của nhiều cử tri đối diện một hệ thống họ không rành sử dụng gây nên nguy cơ họ sẽ không đi bầu”. Đảng cũng nói đến nguy cơ gian lận và “những sai lầm nghiêm trọng không thể phát hiện”. Gồm khả năng mất khoảng 18.000 phiếu điện tử như đã xảy ra ở Florida hồi tháng 11-2006.
- Mỗi lá phiếu đều quan trọng

Máy bỏ phiếu điện tử
Đảng Xã hội phải đánh động trước nguy cơ, do trong các cuộc thăm dò dư luận, ứng cử viên nam Nicolas Sarkozky đang dẫn điểm trước bà Royal. Chỉ có hai người có số phiếu cao nhất ở vòng 1 ngày 22-4 mới có quyền vào vòng bỏ phiếu thứ hai (tổ chức hai tuần sau đó). Và với 12 ứng cử viên cùng nhiều cử tri lần đầu tham gia bầu cử hoặc chưa quyết chọn ai, thì mỗi lá phiếu có được luôn quan trọng.
Giám đốc công nghệ mới của đảng là Vincent Feltesse nói tiềm năng 1,5 triệu phiếu bầu điện tử không phải là vô nghĩa, mà là một tỷ lệ quan trọng, và đảng còn nhớ chuyện từng xảy ra ngày 21-4-2002: lúc đó ứng cử viên cực hữu Jean Marie Le Pen gây bất ngờ khi loại ứng cử viên Lionel Jospin của đảng Xã hội để chiếm vị trí thứ hai dù ít hơn khoảng 200.000 phiếu cử tri.
Chẳng riêng đảng Xã hội phản đối máy bỏ phiếu. Ứng cử viên Francois Bayrou nói đã đến lúc cần “chấm dứt sự tiến bộ này” và ngưng toàn bộ việc sử dụng máy bỏ phiếu, do lá phiếu có thể sẽ không hoàn toàn đạt độ tin cậy. Các ứng cử viên nhỏ hơn của đảng Xanh và Đảng Cộng sản Pháp cũng đề nghị không sử dụng máy bỏ phiếu.
Mỗi tỉnh thành Pháp đều có quyền lựa chọn sử dụng máy bỏ phiếu hay không. Một số thành phố như Grenoble, Beauvais, Saint-Denis và Sceaux cho biết họ vẫn áp dụng phiếu bầu cử bằng giấy, do lo ngại về độ tin cậy của máy bỏ phiếu. Một lý do khác là một máy bỏ phiếu tốn hơn 5.300 USD. |
Anh Thao (theo IHT)