Không thể coi thường thể diện quốc gia

Trong bóng đá, thắng thua là chuyện bình thường. Việc các CLB đại diện cho bóng đá Việt Nam thua trước những đối thủ đến từ Malaysia tại đấu trường AFC Cup vừa qua cũng không hẳn là bất ngờ. Tuy nhiên, cách thua lại là một vấn đề khác. Thua đến 0-5 vì chỉ đưa ra sân đội hình 2 sang Malaysia thi đấu như SHB Đà Nẵng mới đây là một kiểu “chưa đá đã thua”, không thể chấp nhận được. Đáng tiếc, với nhiều cách giải thích, các CLB Việt Nam vẫn thường xuyên nhận những thất bại đáng hổ thẹn như thế, trong khi LĐBĐ Việt Nam (VFF) vẫn chưa hề có những chế tài nào.

Điểm lại lịch sử tham dự các giải quốc tế châu Á như AFC Champions League hay AFC Cup, bóng đá Việt Nam từng nhận những trận thua “không tưởng” như Đà Nẵng thua Gamba Osaka (Nhật Bản) 0-15 năm 2006 hay Bình Định thua Busan (Hàn Quốc) 0-8 năm 2005. Thậm chí, có lần đội Nam Định thua một đại diện Thái Lan đến 1-9 (năm 2008) hay CLB Hà Nội ACB thua Kedak (Malaysia) 0-7…

Điều đáng nói là trong tiến trình hội nhập quốc tế, bóng đá Việt Nam cũng từng cho thấy trình độ không hề kém cạnh. Tiêu biểu như việc Bình Dương vào đến bán kết AFC Cup 2008 hay những đội như Gạch Đồng Tâm Long An, Hoàng Anh Gia Lai cũng từng chơi ngang ngửa với các đại diện hàng đầu đến từ Australia, Trung Quốc... Nói cách khác, những thất bại mất mặt kể trên đều có nguyên nhân từ thái độ buông xuôi và coi thường thể diện quốc gia ngay từ chính các CLB Việt Nam.

Muốn nâng cao trình độ, tốt nhất là phải cọ xát với những đối thủ mạnh hơn mình. Liên đoàn Bóng đá châu Á cũng như VFF luôn tìm cách tạo điều kiện để các CLB Việt Nam tham gia những giải đấu hàng đầu châu lục. Lẽ ra, các CLB Việt Nam phải tận dụng tốt cơ hội này để qua đó quảng bá hình ảnh địa phương và các đơn vị tài trợ. Nhưng thực tế cho thấy, việc tham gia gần như là “cho xong”, càng về sau lại càng cẩu thả khi chỉ đưa sang nước bạn đội hình dự bị và tìm đủ mọi lý do để bào chữa cho thất bại thay vì phải nỗ lực thi đấu với tư cách là đại diện cả một nền bóng đá. Về lý thuyết, VFF không thể can thiệp vào nội bộ của các CLB, nhưng chính VFF lại chịu trách nhiệm chính khi thứ hạng của bóng đá Việt Nam trong bảng đánh giá của châu Á ngày càng sa sút. Điều đó cho thấy VFF phải có động thái quyết liệt đối với các CLB bởi dù sao, đây cũng là những thành viên do họ quản lý và họ vẫn có đủ những biện pháp để chế tài, xử phạt khi cần thiết, nhất là những kết quả ấy làm ảnh hưởng đến chất lượng của nền bóng đá. Ở góc độ rộng hơn, còn là thể diện quốc gia.

Trong bóng đá, thắng thua là chuyện bình thường. Tuy vậy, bóng đá không chỉ có thành tích mà còn là sự ghi nhận nỗ lực cống hiến, khát khao thi đấu và sự thể hiện của tính chuyên nghiệp trong công việc. Đấy cũng là mục đích lớn nhất của giải thưởng Quả bóng vàng Việt Nam do Báo SGGP tổ chức suốt 18 năm qua nhằm đóng góp vào sự phát triển của bóng đá nước nhà. Vì lẽ đó, chính bản thân các CLB càng không được phép cẩu thả với nhiệm vụ quốc tế của mình trong bối cảnh bóng đá Việt Nam đang tìm cách khẳng định chỗ đứng trên đấu trường quốc tế.

V.QUANG

Tin cùng chuyên mục