Tôi có cảm giác rất lạ. Cứ mỗi lần trở lại chiến trường xưa hoặc đứng trước bia mộ liệt sĩ, tôi cứ nghĩ, đúng ra mình phải có tên trong danh sách những người nằm xuống này... Trước thềm xuân mới, tôi trở lại vùng đất bảo tàng và trò chuyện cùng đồng đội - những người trẻ mãi tuổi hai mươi, mãi mãi đi xa vì quê hương, đất nước.
MỘT
Dòng sông Long Khốt (huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An) vẫn như xưa. Lục bình lững lờ trôi, giữa cánh đồng lúa vàng rực trải dọc đôi bờ. Cây cầu Long Khốt được dựng lại, không phải bằng gỗ, mà bằng sắt, đã gỉ bạc, rêu phong theo thời gian.
Cách đây đúng 40 năm, trước khi hành quân vượt qua cánh đồng chó ngáp về giải phóng thị xã Tân An, chúng tôi đã có những trận đánh quyết liệt ở đây.
Minh họa: A. Dũng
Tháng 4-1972, sau khi hoàn thành nhiệm vụ làm mũi chủ công giải phóng Lộc Ninh trong chiến dịch mang tên người anh hùng áo vải Nguyễn Huệ, Trung đoàn 174 của chúng tôi được lệnh hành quân khẩn cấp về đồng bằng tiêu diệt đồn bót, giải phóng dân, mở mảng, mở vùng. Yếu khu Long Khốt, cụm cứ điểm của địch án ngữ bên dòng Long Khốt, nơi cửa ngõ biên giới Tây Nam này là mục tiêu phải tiêu diệt, chiếm giữ.
Tưởng rằng với “Khí thế như Mậu Thân, ra quân như Đồng khởi”, chúng tôi sẽ thừa thắng xông lên, tiêu diệt cứ điểm nhỏ như cái bát úp này trong chốc lát. Nhưng có nhiều yếu tố, trong đó vấn đề lạ nước lạ cái là chủ yếu, đánh Long Khốt mấy lần đều không hoàn thành nhiệm vụ. Và, như thế, biết bao đồng đội của chúng tôi đã nằm lại nơi này.
Cuối cùng, ngày 28-4-1974, chúng tôi cũng giải phóng được Long Khốt, tạo bàn đạp, bước vào trận quyết chiến chiến lược giải phóng Sài Gòn, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
40 năm trôi qua, trong ký ức của tôi chưa bao giờ nguôi ngoai, mờ nhạt gương mặt đồng đội một thời hào hùng ấy. Tôi nhớ lại đầu tháng 4-1975, đang chuẩn bị tiến công giải phóng Mộc Hóa thì đơn vị nhận lệnh hành quân bôn tập qua cánh đồng chó ngáp, tiến sâu xuống đồng bằng sông Cửu Long. Những đêm hành quân dưới tầm pháo bom của địch, tôi mới hiểu vì sao người ta gọi nơi đây là cánh đồng chó ngáp. Một vùng Đồng Tháp Mười rộng hàng chục ngàn hécta, tưởng như không bến bờ, ngút ngàn tầm mắt chỉ thấy cỏ năn như tấm chiếu xanh ngắt giữa mênh mang biển nước chua phèn. Đến nỗi chó, một loài vật được cho là có sức dẻo dai nhất cũng không vượt qua nổi, phải thè lưỡi, ngáp ngắn, ngáp dài, chào thua.
Cả tuần liền vừa đánh giặc, vừa hành quân qua cánh đồng chó ngáp có biết bao câu chuyện cảm động. Tôi nhớ nhất chuyện về cha con người lính. Chuyện thế này. Trên đường nhận nhiệm vụ từ sở chỉ huy trung đoàn về đơn vị, đại đội trưởng Trung gặp một bé trai chừng 10 tuổi. Em cho biết, quê em ở thị xã Tân An, gia đình em chạy loạn từ gần tháng nay. Bị lạc, bây giờ em không biết ba mẹ ở đâu. Nói đúng, trong chiến tranh, phần do bí mật quân sự, phần do cơ động liên tục, việc đưa một đứa trẻ đi theo đội hình chiến đấu là chuyện không thể. Nhưng đại đội trưởng Trung đã xin với cấp trên nhận em bé đó là con nuôi và đưa em theo đơn vị. Những ngày cuối tháng 4-1975, khi đơn vị áp sát mục tiêu thị xã Tân An, đại đội trưởng Trung gửi lại đứa con nuôi ở phía sau để chỉ huy bộ đội chốt chặn trên lộ 4.
Ngày thị xã Tân An giải phóng, thằng bé đi tìm ba mẹ và ba nuôi của nó thì tất cả không còn nữa. Người ta cho biết, ba mẹ nó đã chết do máy bay quân đội Sài Gòn từ Tân Sơn Nhất thả bom. Còn ba nuôi - đại đội trưởng Trung đã hy sinh ngay chân cầu Tân An trước ngày toàn thắng.
Câu chuyện ấy cứ ám ảnh tôi mãi. Càng ngày tôi càng ngộ ra rằng, lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta mấy ngàn năm nay đã thấm biết bao máu xương các thế hệ người Việt Nam, bất kể ở phía bên nào. Và, người thiệt thòi nhiều nhất vẫn là nhân dân - những người bình thường như ba mẹ của em bé mất cha, mất mẹ trên đất Tân An ngày đầu giải phóng này.
HAI
Khi chiếc xe tăng 390 húc đổ cánh cổng tiến vào dinh Độc Lập lúc 11 giờ 30 phút ngày 30-4-1975 thì cũng là lúc chúng tôi tràn vào thị xã Tân An. Mục tiêu đầu tiên là dinh tỉnh trưởng. Các chiến sĩ của Tiểu đoàn 5 do tiểu đoàn trưởng Đinh Bá Đài chỉ huy đã dứt tung lá cờ ba sọc đỏ trên nền vàng ném xuống đất, thay vào đó lá cờ nửa xanh nửa đỏ của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam.
Tôi cùng các chiến sĩ trinh sát đi thu thập tài liệu. Mọi thứ gần như vẫn còn nguyên vẹn. Như người mộng du, tôi ra phía sau tòa nhà, từ ban công ngắm nhìn dòng Bảo Đại, một nhánh của con sông Vàm Cỏ Đông đã đi vào thi ca như một lời yêu thương thầm kín nhất của những người con phương Nam trên đất Bắc một thời đánh giặc.
Để có được phút giây thiêng liêng này - đất nước hoàn toàn giải phóng, non sông thu về một dải, có biết bao thế hệ người Việt Nam đã nằm xuống dọc những cánh rừng Trường Sơn, dọc tuyến hàng hải với những con tàu không số và bất cứ nơi đâu trên dải đất hình chữ S này. Khoảnh khắc ấy chỉ xảy ra có một lần. Lịch sử không bao giờ lặp lại. Tôi nói với anh Nội, đội trưởng đội tuyên truyền vũ trang của trung đoàn như thế và đề nghị anh kiếm đâu đó một chiếc xe “nhảy dù” lên Sài Gòn.
Một lúc sau, tôi thật sự ngạc nhiên, anh Nội dẫn đến trước mặt tôi một chiếc xe Jeep mui trần. Người lái xe là một thanh niên khá điển trai, có ria mép như kiến bò. Anh tự giới thiệu là Khanh, thiếu úy quân cảnh. Khanh nói, anh có thể đưa chúng tôi lên Sài Gòn. Sau một chút do dự, tôi quyết định lên thăm thành phố Sài Gòn vừa giải phóng. Tôi dặn Khanh, 7 giờ tối, tôi phải trực phiên phát thanh bản tin trên hệ thống loa công cộng, cần phải về đúng giờ. Chàng thiếu úy quân cảnh của chế độ vừa sụp đổ liếc qua đồng hồ rồi quả quyết, nhất định sẽ về trước giờ phát thanh.
Thế là xe chúng tôi băng băng trên mặt lộ phẳng lì tiến về Sài Gòn. Dọc hai bên đường, quân phục, trang bị các sắc lính cộng hòa vứt la liệt. Nhiều sĩ quan binh sĩ chế độ cũ ngực để trần, chỉ mặc chiếc quần xà lỏn. Nhìn gương mặt của họ, tôi thấy ít sự lo âu, phần lớn đều mừng vui, rạng rỡ.
Đó là điều lạ. Mấy ngày nay, khi hành quân chiến đấu ép sát thị xã, chiếc radio bên hông tôi thường vang lên luận điệu động viên tử thủ của chế độ Sài Gòn: “Các bạn hãy tử thủ, không giao đất cho cộng sản. Chết vì quốc gia còn hơn chết trong biển máu khi rơi vào tay cộng sản xâm lăng”. Thế mà thành phố vừa giải phóng, người ta khó có thể nhận ra ai ở phía bên nào. Mọi người đều vui vẻ.
Xe tiến vào nội đô Sài Gòn, thành phố bình yên, nguyên vẹn. Chỉ có điều, trên đường phố không còn bóng những người lính chế độ cũ, thay vào đó là những chiến sĩ giải phóng quân, mũ tai bèo, áo xanh còn vương bụi đỏ và những nam thanh, nữ tú Sài Gòn quần loe, áo chẽn hông đang điều hành trật tự giao thông.
Chiếc xe Jeep mang cờ giải phóng đưa chúng tôi vào dinh Độc Lập. Mấy chiến sĩ thuộc Quân đoàn 2 đang chốt giữ tại đây xem qua giấy tờ rồi mở cổng cho xe chúng tôi vào sân dinh. Tôi chạy lên đại sảnh, nhanh chóng lấy máy ảnh ghi lại khoảnh khắc lịch sử có một không hai này. Một chiến sĩ đưa chúng tôi thăm từng căn phòng. Từ phòng bầu dục, nơi họp của chính phủ chế độ Việt Nam Cộng hòa đến phòng tiếp khách của tổng thống, nơi nào cũng còn nguyên vẹn...
Tôi tha thẩn trên bãi cỏ mượt như nhung trước dinh. Người tôi bần thần, chếnh choáng. Để có giây phút này, biết bao đồng đội tôi đã ngã xuống. Trước giờ toàn thắng còn có những người ra đi như đại đội trưởng Trung bên cầu Tân An trưa 30-4 lịch sử...
Xe chúng tôi vòng qua Đa Kao về phía Lăng Ông - Bà Chiểu rồi theo đường Võ Tánh (nay là đường Phan Đăng Lưu) vào sân bay Tân Sơn Nhất. Nơi đây dấu tích của cuộc chiến phơi bày khá rõ. Một chiếc máy bay bị bắn cháy cách đó vài ngày nằm trơ bộ khung, khói lửa vẫn còn âm ỉ. Cả sân bay thực sự là một bãi chiến trường.
Liếc nhìn đồng hồ, tôi giục tài xế Khanh đưa chúng tôi trở lại thị xã Tân An. Qua ngã tư Bảy Hiền, Phú Thọ Hòa, Chợ Lớn... ra xa cảng Miền Tây, nơi nào cũng thấy bình yên, như chưa hề có cuộc chiến tranh kéo dài hơn 1/3 thế kỷ.
Đúng như dự kiến, chúng tôi về đến nơi đóng quân tạm thời trong dinh tỉnh trưởng Long An trước 6 giờ tối.
Tôi vội ngồi vào bàn tác nghiệp. Và, đúng giờ phát thanh, bài ghi nhanh: Từ Tân An đến Sài Gòn, ngày đầu giải phóng của tôi đã đến với bà con vùng mới giải phóng trong tiếng nhạc hào hùng Tiến về Sài Gòn, ta quét sạch giặc thù, tiến về Sài Gòn giải phóng thành đô...
Ký của TRẦN THẾ TUYỂN