
Dự án xây dựng Trung tâm Tài chính thương mại điện lực tại “khu đất vàng” 69 Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đang gây bức xúc cho rất nhiều người dân Hà Nội và các chuyên gia, những người quan tâm và nặng lòng với di sản, vẻ đẹp Hồ Gươm - vùng đất linh thiêng của Hà Nội và cả nước.
Bởi vì, nếu tòa nhà đồ sộ, do một doanh nghiệp nước ngoài thiết kế,được xây dựng thì không chỉ chính nó che mất không gian tuyệt vời của Hồ Gươm mà còn tạo tiền lệ xấu cho 11 dự án đang bị “treo” khác tiếp tục đòi được xây dựng, thi nhau biến Hồ Gươm thành cái “ao làng” giữa thủ đô.
Quy hoạch kiểu… đô la?
Vậy mà, thật khó hiểu là chính cơ quan quản lý cấp phép xây dựng lớn nhất cả nước - Bộ Xây dựng - lại vừa ban hành một văn bản “đá lại” chính văn bản quy hoạch chi tiết khu vực Hồ Gươm của mình từ cách đây 11 năm và sau đó đến lượt UBND TP. Hà Nội “bật đèn xanh” cho dự án chuẩn bị triển khai xây dựng. Nhưng ngay khi chủ trương này được nêu ra, dự án đã gặp phải sự phản đối kịch liệt của dư luận.

Hồ Gươm - một biểu tượng đẹp của thủ đô
Hà Nội. Ảnh: LÃ ANH
Để biện luận cho những quyết định của mình, ông Trần Ngọc Chính - Thứ trưởng Bộ Xây dựng - cho rằng: “Chính việc quy hoạch Hồ Gươm cần phải điều chỉnh lại do thiết kế quy hoạch được phê duyệt cách đây 10 năm.
Đến nay, bản quy hoạch cũng cần được nghiên cứu, xem xét cho phù hợp với thực tiễn. Trong cơ chế đổi mới, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) thấy việc sử dụng một khu đất 14.000m2 ở vị trí đẹp và sinh lợi như thế có giá trị kinh tế cao nên họ nghĩ rằng cần làm một trung tâm thương mại có tầm vóc và đóng góp vẻ đẹp cho thủ đô”.
PGS.TS Hà Đình Đức, Hội Di sản văn hóa Việt Nam, Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường thủ đô, không đồng ý với cách bào chữa như vậy. Ông Đức nói: “Tôi thấy có 2 nội dung cần trao đổi với ông Chính.
Thứ nhất, theo ý ông là cần phải điều chỉnh lại thiết kế quy hoạch Hồ Gươm. Đây là vấn đề quốc gia, muốn sửa đổi quy hoạch khu vực Hồ Gươm phải được phép của Thủ tướng Chính phủ. Khi đã•được phép chắc chắn còn phải tập trung nhiều chuyên gia về kiến trúc, quy hoạch có tâm huyết và hiểu biết về văn hóa Hồ Gươm, tổ chức nhiều cuộc hội thảo khoa học để tiếp nhận sự đóng góp của các nhà khoa học về văn hóa, lịch sử, môi trường. Sau đó mới có thể trình Thủ tướng phê duyệt, chứ không thể tùy tiện như ý ông Chính nêu ra được.
Thứ hai, việc cho rằng khu đất 14.000m2 ở vị trí đẹp và sinh lợi thì cần làm một trung tâm thương mại có tầm vóc là theo kiểu suy nghĩ nặng về… đô la”.
Thứ trưởng Trần Ngọc Chính lại cho rằng tầm nhìn quy hoạch Hồ Gươm và vùng phụ cận năm 1996 khác hiện nay. Và trong lúc chờ điều chỉnh quy hoạch cũ thì Bộ Xây dựng buộc phải tiến hành các điều chỉnh quy hoạch cục bộ cho những dự án cụ thể.
Vì Thủ tướng đã ủy quyền cho Bộ Xây dựng phê duyệt, quản lý quy hoạch Hồ Gươm và phải chịu trách nhiệm về việc này. Luật Xây dựng quy định đơn vị nào có trách nhiệm phê duyệt thì có trách nhiệm điều chỉnh quy hoạch.
54 hay 24m?
Ông Hà Đình Đức cho rằng cách trả lời như vậy không thuyết phục. “Vậy trong lúc chờ điều chỉnh quy hoạch cũ thì ai buộc Bộ Xây dựng phải tiến hành các điều chỉnh quy hoạch cục bộ? Thủ tướng đã ủy quyền cho Bộ Xây dựng phê duyệt, quản lý quy hoạch Hồ Gươm nhưng không có nghĩa là Bộ Xây dựng tùy tiện muốn làm gì ở khu vực Hồ Gươm cũng được”, ông Đức nêu quan điểm.

Sẽ có nhiều tòa nhà cao tầng che lấp Hồ Gươm?
Khi được hỏi về những nội dung có biểu hiện vi phạm nghiêm trọng quy hoạch Hồ Gươm đối với dự án Trung tâm Tài chính thương mại của EVN tại khu đất 69 Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội), ông Chính trả lời: “Về thiết kế đô thị, theo tôi, thì chỉ tiêu 54m là ngưỡng có thể nghiên cứu. Hiện chỉ tiêu này là cơ sở để Hà Nội xem xét làm ngưỡng cho việc nghiên cứu dự án”.
Thế nhưng, theo “Quy hoạch chi tiết tôn tạo khu vực Hồ Gươm và vùng phụ cận” đã• được ban hành kèm theo Quyết định số 448/BXD -KTQH ngày 3-8-1996 của chính Bộ trưởng Bộ Xây dựng thì: “Đối với các công trình xây dựng tại các lô đất tiếp giáp bờ Hồ Hoàn Kiếm thì chiều cao tối đa của công trình không vượt quá 16m, khối tích công trình phải đảm bảo thông thoáng, không tạo thành bức tường thành ngăn cách không gian hồ và các khu lân cận. Đối với các khu vực còn lại, chiều cao tối đa các công trình được khống chế không quá 4 tầng (16m) và không quá 6 tầng (24m) đối với phần xây dựng lớp trong các ô phố”.
Vậy tại sao “trong mắt” của Thứ trưởng Bộ Xây dựng Trần Ngọc Chính thì chỉ tiêu 54m (vượt quá quy định chiều cao tối đa là 30m) lại có thể coi là “ngưỡng có thể nghiên cứu” và chỉ tiêu này lại còn là cơ sở để Hà Nội xem xét làm ngưỡng cho việc nghiên cứu dự án?
PSG.TS Hà Đình Đức cho rằng, không thể để một dự án phá vỡ không gian Hồ Gươm như dự án Trung tâm Tài chính thương mại của EVN mọc lên ngay sát Hồ Gươm. Mới đây, ngày 15-12, ông Đức đã gửi một lá thư lên Thủ tướng Chính phủ đề nghị Thủ tướng ra quyết định hủy bỏ dự án của EVN.
Trước đó một ngày, Hội Di sản văn hóa Việt Nam cũng đã gửi công văn cho Chủ tịch UBND TP. Hà Nội bày tỏ quan điểm không đồng tình với việc cho phép triển khai dự án. Theo kế hoạch, Hội Kiến trúc sư Việt Nam cũng sẽ gửi công văn cho UBND TP. Hà Nội đề nghị hủy bỏ dự án nhiều tai tiếng trên.
Được biết, EVN đang chuẩn bị xây dựng một dự án Trung tâm Tài chính thương mại tại khu đất 69 Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) với tổng diện tích lên tới 14.772m2, mặt tiền án ngữ 3 mặt phố lớn: Đinh Tiên Hoàng, Trần Nguyên Hãn và Lý Thái Tổ. Mặt đứng nhìn ra Hồ Gươm là khối kiến trúc dày đặc, nặng nề, dài 105m (dài gấp 3 lần tòa nhà Bưu điện Hà Nội). Mặt ngoài cao tới 5 tầng (21m) và mặt trong cao thêm 8 tầng (54m), chưa kể thêm 5 tầng hầm, về phía đường Lý Thái Tổ. Nếu dự án này được triển khai thì 11 dự án treo khác cũng sẽ tiếp tục đòi được xây dựng và như vậy, Hồ Gươm sẽ biến thành cái “ao làng” trong cả rừng nhà cao tầng bao quanh. |
VĂN PHÚC HẬU