Không “ưu ái” VAMC khi xây dựng Luật Đấu giá tài sản

Chiều 14-9, trong khuôn khổ phiên họp thứ 3 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh đã trình bày báo cáo một số vấn đề lớn về dự án Luật Đấu giá tài sản. Sáng cùng ngày, UBTVQH nghe và cho ý kiến về dự án Luật Quản lý ngoại thương.
Không “ưu ái” VAMC khi xây dựng Luật Đấu giá tài sản

Chiều 14-9, trong khuôn khổ phiên họp thứ 3 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh đã trình bày báo cáo một số vấn đề lớn về dự án Luật Đấu giá tài sản. Sáng cùng ngày, UBTVQH nghe và cho ý kiến về dự án Luật Quản lý ngoại thương.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu chỉ đạo

Cần bổ sung quy định về đấu giá chứng khoán

Bình luận về dự thảo Luật Đấu giá tài sản, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định chỉ ra một số điểm chưa rõ so với Luật Thương mại: “Trường hợp người có hàng hóa tự tổ chức đấu giá thì thực hiện theo luật nào? Tương tự, trường hợp đấu giá chứng khoán và đấu giá tài sản của Nhà nước tại nước ngoài cũng chưa thấy”. Nhấn mạnh yêu cầu ngăn chặn tình trạng tiêu cực trong đấu giá tài sản, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Võ Trọng Việt cho rằng, dự thảo luật cần tăng cường chế tài đối với hành vi không trung thực khi kê khai tài sản, “hồ sơ hoành tráng nhưng thực tế thì èo uột”. Mô hình Trung tâm đấu giá tài sản được ông Việt coi là “vẫn mang nặng tính bao cấp, dễ tạo kẽ hở cho công chức tư lợi, nhiêu khê, hạch sách”. Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng và Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thanh Hải bày tỏ quan tâm đến tính hợp pháp của tài sản được đưa ra đấu giá và cho rằng các tài sản đưa ra đấu giá phải là tài sản “sạch”, không có tranh chấp, không được ảnh hưởng đến quốc phòng - an ninh…

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải và nhiều thành viên khác trong UBTVQH cho rằng, việc khoản 1 Điều 54 dự thảo luật (quy định Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) được tự đấu giá hoặc ký kết hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản với tổ chức đấu giá tài sản) là bất hợp lý và vô hình trung đã luật hóa mô hình VAMC, trong khi đây là một mô hình mới, hiệu quả hoạt động chưa được khẳng định. “VAMC liệu có tồn tại lâu dài không, sao lại quá “ưu ái” đưa vào đây?”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu vấn đề.  Phó Chánh án TAND tối cao Bùi Ngọc Hòa cũng cho rằng, quy định như Điều 54 của dự thảo có thể dẫn đến tình trạng “vừa đá bóng, vừa thổi còi”. Ông Hòa còn băn khoăn về việc dự thảo luật này không đề cập đến đấu giá chứng khoán, trong khi chứng khoán cũng là một loại tài sản…

Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển yêu cầu cơ quan soạn thảo, thẩm tra tiếp thu theo hướng không quy định cụ thể VAMC hay bất kỳ công ty nào khác trong dự thảo; bổ sung, làm rõ yêu cầu đảm bảo việc đấu giá tài sản không ảnh hưởng đến an ninh quốc phòng. “Tài sản phải “sạch”, không có tranh chấp; nguồn gốc minh bạch mới được đem ra đấu giá. Dự thảo luật cũng phải có quy định nguyên tắc về đấu giá chứng khoán, có thể giao Chính phủ quy định cụ thể. Trước mắt, khi vẫn duy trì mô hình trung tâm đấu giá thì phải có quy định ngăn chặn tình trạng nhũng nhiễu, làm khó cho doanh nghiệp, hướng tới hình thành các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đấu giá”, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển yêu cầu.

Thương nhân được kinh doanh tất cả những gì pháp luật không cấm

Theo Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật Quản lý ngoại thương, dự án luật chỉ điều chỉnh, quản lý hoạt động “ngoại thương hàng hóa”, không điều chỉnh đối với “ngoại thương dịch vụ”. Mặc dù đa số ý kiến cơ quan thẩm tra đồng thuận với quan điểm này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân vẫn rất phân vân: “Ngoại thương dịch vụ đang chiếm thị phần rất lớn trong quan hệ ngoại thương. Việc tách ngoại thương dịch vụ và ngoại thương hàng hóa dẫn đến mặt thuận và không thuận như thế nào, cần làm rõ để từ đó có quyết định cụ thể”.

Trong số các nội dung cụ thể, dự thảo luật đã quy định rõ các biện pháp áp dụng trong quản lý ngoại thương hàng hóa của Việt Nam; đảm bảo hài hòa, lồng ghép giữa hai nguyên tắc cơ quan nhà nước chỉ được làm pháp luật cho phép và thương nhân được kinh doanh tất cả những gì pháp luật không cấm.  Đối với biện pháp cấm, dự thảo luật quy định nguyên tắc xác định danh mục hàng hóa cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu. Theo đó việc cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu hàng hóa chỉ áp dụng đối với các trường hợp liên quan đến hàng hóa an ninh, quốc phòng chưa được phép, ảnh hưởng thuần phong mỹ tục, môi trường, sức khỏe cộng đồng... Tuy nhiên, theo ông Phan Thanh Bình, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội, “dự thảo luật vẫn nặng về quản lý mà nhẹ phát triển”. “Nhìn vào luật còn thấy nặng nề, nào giấy phép, rồi thậm chí quyền lực của Bộ trưởng Bộ Công thương rất lớn, từ hạn ngạch, áp dụng cho anh nào đi, cho anh nào ở… Sự giám sát, minh bạch, công bằng trong vấn đề ngoại thương thể hiện ở khoản nào, điểm nào?”, ông Phan Thanh Bình chất vấn.

ANH THƯ

Tin cùng chuyên mục