Có nhiều ý kiến trái chiều về hiệu quả hoạt động của các khu chế xuất hiện nay. Trong đó, có quan điểm cho rằng khu chế xuất chủ yếu là gia công cho các công ty nước ngoài, chẳng nộp nhiều cho ngân sách, lại tận dụng lao động giá rẻ của Việt Nam, nhưng cuộc sống công nhân vẫn chưa được bù đắp tương xứng... PV Báo SGGP đã theo đoàn Hội Nhà văn TPHCM đến tìm hiểu cuộc sống của công nhân và hoạt động sản xuất tại Khu chế xuất Tân Thuận (TPHCM).
Ông Nguyễn Tấn Định, Phó ban Quản lý các khu chế xuất – khu công nghiệp TPHCM (Hepza) cho biết, hiện Hepza có hơn 300.000 công nhân đang làm việc. Do vậy, vấn đề cuộc sống của công nhân luôn được Hepza nói riêng, các ngành, các cấp TP nói chung quan tâm. Ở Khu chế xuất Tân Thuận – 300ha đất bùn lầy, ngập mặn – nay đã đổi mới. Các nhà máy cao to mọc lên, công nhân liên lục thay ca làm việc.
Chăm lo đời sống công nhân, Khu chế xuất Tân Thuận đã dành 3ha để xây dựng ký túc xá, giải quyết cho 2.000 công nhân lưu trú.
Hiện có 2 doanh nghiệp trong khu đầu tư xây dựng khu lưu trú dự kiến giải quyết thêm 1.500 chỗ ở cho công nhân. Bên cạnh đó, Khu chế xuất Tân Thuận cũng xây dựng phòng khám đa khoa, trung tâm sinh hoạt cộng đồng cho công nhân vui chơi, giải trí sau giờ làm việc.
Đến tìm hiểu hoạt động sản xuất của công nhân tại Công ty TNHH MTEX Việt Nam, chúng tôi thấy những công nhân có trình độ cao được làm việc trong môi trường khá tốt. Đại diện MTEX, ông Nguyễn Xuân Thủy cho biết, MTEX đã đưa 150 công nhân sang Nhật tu nghiệp, nâng tổng số công nhân của Hepza được đi tu nghiệp ở nước ngoài lên hơn 6.000 công nhân. Để “giữ chân” công nhân, MTEX đã nâng chất lượng bữa ăn cho công nhân lên 15.000 đồng/bữa, ngoài những ngày nghỉ theo Luật Lao động, công ty tăng thêm hàng chục ngày nghỉ giúp công nhân có thời gian về quê thăm gia đình. Đồng thời, nhằm thu hút được khách hàng, MTEX nghiêm túc chấp hành luật thuế, thực hiện sổ sách đầy đủ để đối tác yên tâm đầu tư, hợp tác.
HÀN NI