Khu đô thị Nam Sài Gòn - Dung mạo tuổi 20

Khu đô thị Nam Sài Gòn - Dung mạo tuổi 20

Nói đến Phú Mỹ Hưng người ta không chỉ nghĩ về một khu đô thị sầm uất với những khu nhà ở đẹp về thiết kế, thoáng mát về không gian, bây giờ, người ta còn mặc định đó là nơi thư giãn, hò hẹn cuối tuần bên hồ bán nguyệt mộng mơ, trên cầu ánh sao rực rỡ hay trong những khu mua sắm cao cấp. 

Ông Lawrence S.Ting trình bày dự án thành phố tiến ra biển Đông với Thủ tướng Võ Văn Kiệt vào năm 1993.

Ông Lawrence S.Ting trình bày dự án thành phố tiến ra biển Đông với Thủ tướng Võ Văn Kiệt vào năm 1993.

1. Hơn 20 năm trước, khi theo chân các đồng chí lãnh đạo thành phố đi thực tế ở Hiệp Phước, Long Đức, Tân Thuận (huyện Nhà Bè, TPHCM) khi dự án khu Nam Sài Gòn bắt đầu khởi động, tôi và nhiều người trong đoàn công tác cũng không tin, mai này, ở khu đầm lầy chỉ toàn cây năng, cây lác ấy, sẽ xây dựng được nhà máy điện, khu chế xuất, nhà cao tầng, đại lộ hàng chục làn xe… bởi đất của khu vực này là “đất không chân”. Năm 1994, trong khi dự án khu Nam Sài Gòn do Công ty Liên doanh Phú Mỹ Hưng (viết tắt LD PMH) làm chủ đầu tư vẫn chỉ là bãi đầm lầy, lúp xúp nước thì cuộc thi vẽ đồ án “Khu đô thị Nam Sài Gòn” do Văn phòng Kiến trúc sư trưởng và Công ty Liên doanh Phú Mỹ Hưng tổ chức tại sảnh UBND TPHCM diễn ra rất sôi nổi. Vượt qua hàng chục công ty đến từ Nhật, Đài Loan, Singapore, Mỹ, Trung Quốc; bản đồ án khu Nam Sài Gòn do Công ty Skidmore, Owings & Merrill (SOM) của Mỹ được chọn và Chính phủ Việt Nam phê duyệt thực hiện. SOM không chỉ “vẽ” ra một đô thị hiện đại với các tiện nghi văn hóa, giáo dục, y tế đi kèm mà bản thiết kế quy hoạch khu đô thị hướng ra biển Đông ấy còn quan tâm đến sự phát triển, nâng cao chất lượng sống của cư vùng đất nghèo ven đô; duy trì môi trường sinh thái bền vững với hệ thống giao thông ổn định (trong đó đại lộ Nguyễn Văn Linh là trục chính) cùng hệ thống đường thủy bao quanh với các chuẩn mực phát triển phù hợp và đủ linh động để giải quyết hàng loạt vấn đề phát sinh trong quá trình “thành phố đảo” Nam Sài Gòn phát triển song hành với nội đô TPHCM, đến vài chục năm sau.

Chuyện làm con đường rộng 10 làn xe có tên đại lộ Nguyễn Văn Linh hay còn gọi đường Bắc Nhà Bè - Nam Bình Chánh từ Khu chế xuất Tân Thuận băng qua huyện Nhà Bè, quận 8 và nối với quốc lộ 1A tại huyện Bình Chánh, dài 17,8km, ngày ấy cũng không dễ dàng gì. Nhiều ý kiến bàn ra: “Vùng sình lầy này, mỗi ngày có mấy chiếc xe chạy qua đâu mà làm đường lớn chi cho tốn nhiều công sức, đất đai, tiền của?”. Nhưng “Ông bà ta cũng nói “nhất cận thị, nhị cận giang”, mai này có đường cao tốc chạy qua thì khu nhà quê này mấy chốc sẽ phát triển thành phố thị. Rồi hai bên đường phát triển thành khu đô thị, người dân sống quanh đây là đối tượng hưởng lợi ích lớn nhất, lâu dài nhất”, nguyên Bí thư Thành ủy TPHCM Võ Trần Chí đã đấu tranh, thuyết phục bằng lý lẽ giản đơn mà thiết thực thế. Năm 1997, đại lộ Nguyễn Văn Linh được thông xe. Những khu nhà ở cao cấp, trung tâm kinh tế, thương mại, tài chính, dịch vụ được mở cặp theo hai bên đường phát triển nhanh chóng đã tạo nên diện mạo mới cho vùng đất nghèo ven đô ngày xưa. Con đường ấy còn mở ra luồng vận chuyển hàng hóa ra vào các cảng Sài Gòn, Bến Nghé, Khu chế xuất Tân Thuận, góp phần giảm ách tắc giao thông trong nội đô thành phố, tạo hiệu ứng cộng hưởng tăng trưởng kinh tế giữa TPHCM với các vùng kinh tế trọng điểm của đồng bằng sông Cửu Long và miền Đông Nam bộ.

Không chỉ tranh cãi chuyện làm đường Nguyễn Văn Linh mà khi tiến hành xây dựng Nhà máy điện Hiệp Phước cũng đã tranh cãi nhiều chiều. Cuối cùng nhà máy điện đầu tiên với 100% vốn nước ngoài cũng được xây dựng ổn thỏa, cung ứng 45% nhu cầu điện cho thành phố và là nhà máy điện đầu tiên tại Việt Nam được nhận chứng chỉ ISO 9002. Sau khi Nhà máy điện Hiệp Phước và đại lộ Nguyễn Văn Linh được đưa vào sử dụng, khu đô thị Nam Sài Gòn thay da đổi thịt từng ngày. 

* Với 16 ngân hàng lớn và gần 50 dự án thương mại, dịch vụ cao cấp cùng hàng trăm doanh nghiệp thứ cấp có mặt tại đây cùng không gian sống thư thái, êm ả cùng chế độ hậu mãi chu đáo đã lôi cuốn hơn 20.000 người (trong đó hơn 11.000 người Việt Nam) chọn Phú Mỹ Hưng làm nơi sống ổn định, lâu dài. Đó là lý do vì sao thị trường bất động sản ở thành phố, dù “nóng” hay “lạnh”, các công trình nhà ở của Phú Mỹ Hưng vẫn có khách chọn mua. Như dự án Happy Valley, ở giai đoạn 1 đã có 80% số lượng căn hộ được bán. Sống ở khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng là cư dân chọn cuộc sống tiện nghi, hiện đại của thị dân nhưng cùng lúc được hít thở không gian thoáng đãng của nhà quê với nắng gió, cỏ cây và tiếng chim ríu rít chuyền cành mỗi sớm.

2. Sau 20 năm hình thành và phát triển, khu đô thị Nam Sài Gòn mà điểm nhấn chính là khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng và các khu trung tâm thương mại, dịch vụ đã khẳng định sự thành công của một dự án táo bạo đang phát triển bền vững tiến ra biển Đông. Sự thành công của Phú Mỹ Hưng khẳng định tầm nhìn chiến lược của lãnh đạo TPHCM ngày ấy, lòng quyết tâm và các bước đi vững vàng của ông Lawrence S.Ting, người chỉ huy tài ba; sự năng động và tính cách mạnh mẽ của “bà đầm thép” Ba Deh Wen, người giữ chức Tổng Giám đốc trong LD PMH lâu nhất, cùng tính cách quyết liệt và của ông Phan Chánh Dưỡng, nguyên Giám đốc Công ty Phát triển Công nghiệp Tân Thuận (IPC).

Năm 2008, Khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng được Bộ Xây dựng công nhận “Khu đô thị kiểu mẫu” đầu tiên của Việt Nam. Đồ án khu Nam Sài Gòn còn nhận được nhiều giải thưởng danh giá về thiết kế, quy hoạch khu đô thị mới xuất sắc nhất châu Á (Singapore 1997); Thiết kế quy hoạch xuất sắc nhất toàn cầu tại Mỹ (2012). Cho đến bây giờ, nhiều người vẫn thắc mắc vì sao ông Lawrence S.Ting và LD PMH lại quyết chọn xây dựng một đô thị mới bề thế, hiện đại hướng ra biển Đông trên khu đầm lầy? Theo cách nói vui của bà Ba Dah Wen: “Các dự án của chúng tôi đều “bò lên từ đầm lầy””.

Sẽ rất thiếu sót, nếu nói về sự hình thành và phát triển của khu đô thị mới Nam Sài Gòn hôm nay mà không nhắc đến người khai mở, “phù phép” cho “cô vịt xấu xí trở thành nàng thiên nga lộng lẫy”, ông Lawrence S.Ting, cố Chủ tịch Tập đoàn kinh tế CT&D của Đài Loan. Năm 1990, LD PMH là mô hình hợp tác đầu tư đầu tiên ở TPHCM, với sự quan tâm, hỗ trợ của Chính phủ Việt Nam, chính quyền TPHCM, ông S.Ting yên lòng vượt qua rào cản sự khác biệt về luật pháp, chính sách đầu tư để đi đến tận cùng sự thành công của dự án Khu đô thị mới Nam Sài Gòn. Không chỉ để lại cho đời, cho cộng sự một dự án đẹp, ông S.Ting còn để lại “đạo kinh doanh” cho những người kế nghiệp: “Chúng ta không chỉ thuần việc bán chỗ ở mà là trao hạnh phúc và niềm vui cho khách đã chọn mình”. Ông S.Ting cũng dành nhiều chi phí thực hiện các chương trình xã hội từ thiện dành cho người nghèo, đặc biệt là đối tượng sinh viên, học sinh, bởi ông cho rằng, để đất nước phát triển bền vững không gì tốt hơn là đầu tư vào giáo dục, đào tạo. Quỹ Hỗ trợ cộng đồng Lawrence S.Ting, do bà Ting Fei Tsong Ching, phu nhân ông S.Ting sáng lập đã thực hiện nhiều hoạt động từ thiện xã hội, với tổng số tiền hơn 147 tỷ đồng.

PHƯƠNG THỤC

Ngày 17-5, Công ty TNHH Phát triển Phú Mỹ Hưng (PMH) đã tổ chức hội thảo khoa học “20 năm xây dựng và phát triển khu đô thị PMH”. Nội dung chính của buổi hội thảo là các bài tham luận khoa học liên quan đến sự hình thành, phát triển của PMH; thảo luận về các bài học kinh nghiệm trong quá trình quản lý khu đô thị, áp dụng luật pháp, nâng cao ý thức cộng đồng. Tham gia hội thảo gồm nhiều chuyên gia đầu ngành trong các lĩnh vực xây dựng, kiến trúc, quy hoạch trong và ngoài nước như: ông Shigehisa Matsumura - Viện nghiên cứu Nikken Sekkei (Nhật Bản), Th.S-LS Trương Thị Hòa, chuyên gia kinh tế Phan Chánh Dưỡng…

Đa phần các bài tham luận đều có chung nhận định rằng sau 20 năm phát triển, đô thị PMH đang đi đúng hướng của một đô thị kiểu mẫu, không chỉ góp phần vào sự phát triển của khu Nam Sài Gòn mà còn của cả TPHCM. Bài tham luận hồi tưởng về dự án xây dựng khu đô thị mới PMH của chuyên gia Phan Chánh Dưỡng đã cho thấy rõ quá trình biến một vùng đầm lầy thành khu đô thị hiện đại với môi trường sống lý tưởng cho người dân.

CAO VĂN

Tin cùng chuyên mục